Đứng trước nhiều thách thức mới, ngành Y tế TP.HCM luôn tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, hướng đến sự hài lòng của người dân. Dưới đây là 10 hoạt động khám, chữa bệnh nổi bật trong năm 2019 của ngành Y tế TP.HCM.
1. Bác sĩ trạm y tế kết nối từ xa với bác sĩ chuyên khoa của các bệnh viện (BV) thành phố, tạo niềm tin và thu hút người dân đến khám, chữa bệnh ban đầu tại 24 trạm y tế điểm.
Mỗi trạm y tế điểm được ưu tiên cấp ngân sách để nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị theo quy chuẩn của Bộ Y tế và được cung ứng thuốc, cấp cứu bệnh nhân theo quy trình báo động đỏ. Ở các trạm y tế này, các bác sĩ sẽ kết nối với các bác sĩ chuyên khoa của các BV trên địa bàn TP.HCM, đảm bảo thăm khám và cấp cứu kịp thời.
2. BV thành phố hỗ trợ toàn diện cho các BV quận, huyện còn gặp khó khăn
Cụ thể, BV Nhân dân Gia Định hỗ trợ BV quận 9, BV Nhân dân 115 hỗ trợ BV huyện Bình Chánh, BV Nguyễn Tri Phương hỗ trợ BV huyện Cần Giờ, BV quận Thủ Đức hỗ trợ BV quận 7 và BV quận 2 hỗ trợ BV huyện Nhà Bè.
BV thành phố hỗ trợ toàn diện cho các BV quận, huyện còn gặp khó khăn. Ảnh: Sở Y tế TP.HCM
|
3. Đào tạo cấp cứu ngoại viện và ban hành khuyến cáo nâng cao năng lực cấp cứu tại các BV
Một năm qua, Sở Y tế đã xây dựng chương trình đào tạo cấp cứu ban đầu ngoài BV theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới. Đồng thời, Sở Y tế TP.HCM cũng tổ chức khóa đào tạo 40 học viên hiện đang là bác sĩ ở 31 trạm vệ tinh trên địa bàn thành phố. Các hoạt động này đều đạt được những kết quả đáng chú ý.
4. Phát triển kỹ thuật điều trị chuyên khoa sâu kết hợp quy trình báo động đỏ đã cứu sống nhiều trường hợp nguy kịch.
Năm 2019, nhờ áp dụng quy trình báo động đỏ và điều trị chuyên khoa sâu, nhiều bệnh nhân bị viêm cơ tim cấp, chấn thương nguy kịch tính mạng được can thiệp và cứu sống ngoạn mục.
Điển hình là các ca cứu sống bệnh nhân bị sốt xuất huyết não nặng của BV Nhân dân 115, vi phẫu nối liền bàn tay bị đứt lìa cho cháu bé ở BV Chấn thương Chỉnh hình,… và nhiều BV khác trên địa bàn thành phố.
5. Cung cấp thêm tiện ích cho người dân khi cần tra cứu nơi khám, chữa bệnh phù hợp.
Ứng dụng tra cứu khám chữa bệnh chính thức ra mắt vào tháng 8/2019 đã giúp người dân dễ dàng chọn lựa nơi khám chữa bệnh phù hợp. Thậm chí, ứng dụng này còn cung cấp các thông tin đánh giá chất lượng nơi khám chữa bệnh, đề xuất khám trong giờ hay ngoài giờ thì phù hợp.
6. Triển khai khảo sát trải nghiệm của người bệnh sau thời gian nằm điều trị tại các BV trên địa bàn TP.HCM.
Sau một năm triển khai khảo sát trải nhiệm của người bệnh sau thời gian nằm điều trị nội trú tại các BV trên địa bàn thành phố, kết quả ghi nhận cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực. Trước hết, các BV sẽ đánh giá được cần cải thiện chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh như thế nào, từ đó đưa ra giải pháp, góp phần nâng cao tỷ lệ hài lòng của người dân.
7. Nhiều sản phẩm y tế thông minh đưa vào sử dụng hướng tới phục vụ người bệnh, nhân viên y tế và nhà quản lý.
Năm 2019, Sở Y tế TP.HCM tổ chức cuộc thi bình chọn sản phẩm y tế thông minh. Thống kê có 94 sản phẩm tham dự bình chọn và 37 sản phẩm được Sở Y tế giới thiệu nhân rộng. Trong đó 20 sản phẩm xuất sắc đã được trao giải.
8. Đánh giá và công khai kết quả chất lượng phòng khám đa khoa và BV.
Từ tháng 6 đến tháng 10/2019, Sở Y tế TP.HCM áp dụng bộ “Tiêu chí chất lượng áp dụng cho phòng khám đa khoa trên địa bàn TP.HCM phiên bản 3.0", đánh giá chất lượng 202 phòng khám đa khoa.
Từ tháng 11 đến tháng 12/2019, Sở Y tế TP.HCM áp dụng “Bộ tiêu chí chất lượng BV Việt Nam phiên bản 2.0", đánh giá chất lượng 110 BV trên địa bàn thành phố.
Danh sách các BV trên địa bàn TP.HCM đạt chất lượng tốt. Ảnh: Chụp từ kết quả của Sở Y tế TP.HCM
|
Kết quả, nhiều BV vinh dự được đứng đầu danh sách về chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh như BV Nhân dân 115, BV Đa khoa Hoàn mỹ Sài Gòn, BV Nhi đồng 1, BV Nhân dân Gia Định,…
9. Kết nối 99,61% nhà thuốc công lập và tư nhân trên địa bàn TP.HCM vào cổng dữ liệu dược quốc gia.
Sau một năm triển khai, hiện đã có 6.984/7.011 nhà thuốc (đạt 99,61%) thực hiện kết nối dữ liệu với cơ sở dữ liệu dược quốc gia. Có 91 đơn vị cung cấp phần mềm kết nối.
Sở Y tế TP.HCM thường xuyên cập nhật Danh sách các đơn vị cung cấp phần mềm kết nối và chuyển dữ liệu thành công vào hệ thống Cơ sở dữ liệu Dược quốc gia trên Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế TP.HCM. Điều này giúp các nhà thuốc có thể dễ dàng lựa chọn phần mềm thích hợp với nhu cầu sử dụng.
10. Triển khai hiệu quả cổng dịch vụ công trực tuyến của ngành y tế TP.HCM, nâng tỉ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4 đạt trên 90%.
Mục tiêu triển khai dịch vụ công trực tuyến là giúp người bệnh có thể đăng ký tài khoản và nộp hồ sơ tại nhà bằng máy tính hoặc thiết bị di động có kết nối internet. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính.