Thẩm mỹ viện - cái tên vô thưởng vô phạt dễ khiến người dân hiểu lầm

VietTimes – Nhiều cơ sở làm đẹp đua nhau gắn bảng hiệu "Thẩm mỹ viện" - cái tên mỹ miều, thu hút và chiếm sự tin tưởng của khách hàng. Tuy nhiên, chưa có văn bản pháp luật nào giải thích "Thẩm mỹ viện" là gì và được thực hiện những hoạt động nào.
Thẩm mỹ viện - Cái tên vô thưởng vô phạt. Ảnh: Internet
Thẩm mỹ viện - Cái tên vô thưởng vô phạt. Ảnh: Internet

"Thẩm mỹ viện", "viện thẩm mỹ" có nghĩa là gì?

"Thẩm mỹ viện là từ vô thưởng vô phạt. Hiện nay chưa có quy định nào nêu rõ thẩm mỹ viện là gì, bệnh viện thẩm mỹ là gì?.

Khi không có quy định rõ ràng thì người dân có quyền làm những gì pháp luật không cấm. Họ có quyền đặt tên cơ sở thẩm mỹ là thẩm mỹ viện. Chính điều này đã khiến cho khách hàng hiểu lầm bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ, bệnh viện thẩm mỹ và thẩm mỹ viện là như nhau, đều thực hiện các hoạt động tiêm chích, giải phẫu thẩm mỹ,..." - Thạc sĩ Lưu Đức Quang - Giảng viên Khoa Luật (Đại học Kinh tế Luật) nhận định về thực trạng ngành thẩm mỹ hiện nay.

Theo Điều 41 Luật Khám bệnh, chữa bệnh, các hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm bệnh viện, phòng khám chuyên khoa và cơ sở dịch vụ y tế.

Cụ thể hóa điều luật này, khoản 3 Điều 11 Nghị định 155/2018 sửa đổi bổ sung một số quy định của Nghị định 109/2016, quy định phòng khám chuyên khoa và cơ sở dịch vụ y tế bao gồm phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ và cơ sở dịch vụ thẩm mỹ.

Viện Thẩm mỹ Đại học Y bị đình chỉ hoạt động vì không có giấy phép hoạt động nhưng vẫn thực hiện các hoạt động mang tính chất xâm lấn: Tiêm boxton, filler,... Ảnh: X.M
Viện Thẩm mỹ Đại học Y bị đình chỉ hoạt động vì không có giấy phép hoạt động nhưng vẫn thực hiện các hoạt động mang tính chất xâm lấn: Tiêm boxton, filler,... Ảnh: X.M

Luật không quy định rõ phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ và cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thể hiện dưới hình thức tên như thế nào? Và thẩm mỹ viện, viện thẩm mỹ, spa,.. là phòng khám chuyên khoa hay cơ sở dịch vụ thẩm mỹ hay cơ sở khám chữa bệnh, được thực hiện những hoạt động nào?


Điều này dẫn đến thực trạng các cơ sở thẩm mỹ lấy tên là "thẩm mỹ viện", "viện thẩm mỹ", khiến khách hàng ngộ nhận đây là bệnh viện thẩm mỹ, có thể thực hiện tất cả các hoạt động tiêm, chích, xâm lấn cơ thể.

Trong khi đó, không phải thẩm mỹ viện nào cũng được thực hiện các hoạt động trên.

Cần đưa cuộc sống vào pháp luật

Ông Lưu Đức Quang cho rằng tại Việt Nam, các quy định về hoạt động thẩm mỹ quá ít và chưa tiếp cận được với người dân.

Thậm chí, chưa có quy định pháp luật nào quy định hoạt động thẩm mỹ là gì. Tuy nhiên, trên thực tế chúng ta nhận thấy hoạt động thẩm mỹ là hoạt động có tác động đến nhan sắc. Đây là hoạt động y tế nhưng không xử lý các bệnh lý (trừ những trường hợp giao thoa về thẩm mỹ và bệnh lý đã được quy định trong Luật khám, chữa bệnh).

Theo quy định tại khoản 4 điều 11 Nghị định 155, có 2 nhóm cơ sở dịch vụ thẩm mỹ. Thứ nhất là nhóm cơ sở thẩm mỹ chỉ được thực hiện các hoạt động xăm, phun, thêu trên da, không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm.

Thứ hai là nhóm cơ sở thẩm mỹ được sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm.

Các hoạt động này chỉ được thực hiện tại các bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ, tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Không phải thẩm mỹ viện nào cũng được thực hiện các hoạt động tiêm chích, xâm lấn cơ thể. Ảnh: Internet
Không phải thẩm mỹ viện nào cũng được thực hiện các hoạt động tiêm chích, xâm lấn cơ thể. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, trên thực tế khi có nhu cầu làm đẹp, khách hàng thường không xem luật quy định như thế nào, mà chỉ xem bảng hiệu của cơ sở làm đẹp đó và các quảng cáo.

"Chúng ta có quy định các hoạt động thẩm mỹ mang tính chất xâm lấn, giải phẫu được thực hiện ở đâu nhưng những điều này chưa được phổ cập đến người dân. Người dân không hiểu hết các khái niệm y khoa tiểu phẫu, trung phẫu và đại phẫu,... không dự tính được các nguy cơ mình sẽ gặp phải.

Do đó, cần phải làm thế nào để mang cuộc sống vào pháp luật, diễn giải sao cho thật đơn giản, dễ hiểu,đồng thời, đưa ra những quy định cụ thể, chi tiết về hoạt động thẩm mỹ để cơ quan chức năng dễ quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn" - Ông Quang nói.

Cụ thể, theo ông Quang, chúng ta cần quy định rõ các khái niệm: Bệnh viện thẩm mỹ, thẩm mỹ viện, viện thẩm mỹ, phòng khám thẩm mỹ, spa,... Hơn nữa, các quy định phải nêu rõ các cơ sở này được thực hiện những hoạt động nào.

Đồng thời, cần có những quy định về người hành nghề thẩm mỹ. Thậm chí, chúng ta phải quy định đến từng vị trí làm việc trong cơ sở thẩm mỹ để khách hàng dễ nhận biết và cơ quan quản lý dễ kiểm soát.

Khi càng chi tiết hóa quy định về thẩm mỹ, việc quản lý sẽ dễ dàng hơn, người dân cũng sẽ dễ dàng nhận diện đâu là cơ sở thẩm mỹ thích hợp với nhu cầu của mình. Từ đó, hạn chế các tai biến thẩm mỹ.

"Làm đẹp là nhu cầu tất yếu của người dân. Đặc biệt trong xã hội hiện đại, nhu cầu làm đẹp ngày càng gia tăng. Do đó, chúng ta cần phải có quy định rõ ràng, chi tiết về ngành thẩm mỹ trong một Nghị đinh riêng biệt và bình dân hóa nội dung. Điều này sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc, giúp người dân dễ nắm bắt thông tin và làm cơ sở áp dụng vào hoạt động thẩm mỹ và xử lý các vi phạm" - Ông Lưu Đức Quang nhận định.