Ở Mỹ ngày nay cứ 3 người thì có 1 người có huyết áp cao. Bệnh cao huyết áp làm tăng những sự biến tim mạch, như đột quỵ và bệnh mạch vành, và nếu không được điều trị sẽ làm giảm tuổi thọ.
Bởi bệnh cao huyết áp phổ biến một cách đáng ngại và có thể gây những hậu quả nghiêm trọng lên cơ thể, các nhà khoa học đang dành nỗ lực rất lớn để hiểu nó thật kỹ.
Mặc dầu cao huyết áp đã được coi là không tốt cho sức khỏe từ hàng ngàn năm nay, giới khoa học vẫn còn phân tán cách hiểu về nhiều khía cạnh.
Nghiên cứu năm 2019 đã đem lại một số phát hiện gây ngạc nhiên, một số trường hợp là không ngờ. Chẳng hạn, một bài báo đăng tháng Hai kết luận rằng phụ nữ ngoài 80 tuổi, có huyết áp ‘bình thường’, có nguy cơ tử vong cao hơn những người có huyết áp cao.
Ở một phương trời khác, các nhà khoa học Hy lạp kết luận rằng ngủ trưa có thể giúp giảm huyết áp. “ngủ trưa tỏ ra giúp giảm huyết áp cùng mức độ với những thay đổi lối sống tích cực khác,” tiến sĩ, nghiên cứu viên Manolis Kallistrator giải thích.
Một nghiên cứu gây ngạc nhiên khác, được trình bày tại cuộc họp khoa học hàng năm lần thứ 83 của Hiệp hội nghiên cứu hệ tuần hoàn Nhật bản, kết luận rằng đi tiểu nhiều lần ban đêm có thể là dấu hiệu của tăng huyết áp.
Vai trò của dinh dưỡng
Thực phẩm có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tổng thể của chúng ta, không ai còn nghi ngờ gì điều này. Hiệp hội tim mạch Hoa kỳ, chẳng hạn gợi ý rằng ăn nhiều rau xanh, trái cây và tránh những thức ăn nhiều muối nhiều chất béo có thể giúp ngừa bệnh cao huyết áp.
Những năm qua, mối quan tâm về dinh dưỡng ngày càng tăng nhanh. Càng ngày các nhà khoa học càng quan tâm đến những món ăn đơn lẻ hoặc món ăn tổng hợp có lợi cho sức khỏe. Cho nên, mặc dầu chế độ ăn uống nghèo nàn là một trong những nguyên nhân chính gây cao huyết áp, các nhà nghiên cứu còn đào sâu chủ đề này hơn nữa trong năm 2019.
Những thức ăn cụ thể và thực phẩm bổ sung
Một nghiên cứu năm 2019 điều tra ảnh hưởng của dùng hạt óc chó đối với huyết áp, kết luận rằng những cá nhân ăn nhiều hạt óc chó đều thấy huyết áp giảm mạnh (significant reduction).
Về những nghiên cứu dạng này, cũng cần phải phải nói thêm đôi điều; thường thì những ngành nghề hay hội đoàn được hưởng lợi từ những kết quả nghiên cứu tích cực sẽ đứng ra tài trợ cho những nghiên cứu ấy. Nghiên cứu về hạt óc chó nêu trên, chẳng hạn, được Ủy ban cây hạt óc chó California tài trợ.
Lưu ý này không có nghĩa là chúng ta nên bỏ qua kết quả nghiên cứu, mà chỉ là một lời nhắc nhở cho chúng ta cân nhắc mà thôi.
Một nghiên cứu khác gần đây tập trung vào tảo xoắn, nó là thứ sinh khối khô của một loại vi khuẩn có tên Spirulina platensis. Có thể đưa chất này vào thực phẩm, và nhiều người dùng nó như là chất bổ sung.
Thực nghiệm trước đó cũng cho thấy tiềm năng giúp giảm huyết áp của tảo xoắn, những nghiên cứu gần đây đang tập trung lý giải cơ chế của tác dụng này.
Các nhà khoa học kết luận rằng một protein do việc dùng tảo xoắn sinh ra đã khiến cho mạch máu được thư giãn. Các tác giả hy vọng loại protetin này, gọi tắt là SP6, một ngày nào đó sẽ hữu ích trong điều trị bệnh cao huyết áp.
Chất bảo quản, phụ gia, và nước.
Thay vì tập trung vào những thực phẩm cụ thể, một nghiên cứu khác lại chỉ ra ảnh hưởng của mua thực phẩm từ những người bán lẻ thay vì mua từ siêu thị. Các tác giả lập luận rằng việc ăn sản vật địa phương sẽ giúp tránh được hấp thụ vào cơ thể những phụ gia và chất bảo quản vốn giúp cho thực phẩm được ‘tươi’ và giữ được lâu.
Mặc dầu quy mô nghiên cứu khá nhỏ, nhóm tác giả phát hiện ra sau 6 tháng những người dùng thực phẩm địa phương có mỡ nội tạng thấp hơn, cải thiện được điểm trầm cảm, và giảm được huyết áp tâm thu.
Ở hướng tiếp cận khác, một nhóm tác giả gần đây đặt câu hỏi liệu uống nước giàu khoáng chất có giúp giảm huyết áp không.
Để điều tra, họ tập trung vào những người sống ở duyên hải Bangladesh. Uống nước ở đó không giống nhau về độ mặn. Ở những vùng độ mặn cao, nước có hàm lượng natri cao hơn, mà chất này thì làm tăng huyết áp. Tuy nhiên cũng chính thứ nước có độ mặn cao hơn này lại chứa nhiều magie và calci hơn, mà hai chất sau này lại giúp giảm huyết áp.
Các tác giả kết luận rằng, xét tổng thể, thứ nước có độ mặn cao hơn [ở vùng duyên hải Bangladesh] làm giảm huyết áp: “tác dụng làm giảm huyết áp của canxi và magie mạnh hơn tác dụng gây hại của natri.”
Nguyên nhân và nguy cơ
Một số nguyên nhân gây tăng huyết áp đã được chỉ ra một cách khá chắc chắn, bao gồm uống quá nhiều rượu, hút thuốc lá, căng thẳng, và béo phì. Tuy nhiên, chứng cao huyết áp khá phổ biến nên có phần chắc là nó còn có những nguyên nhân khác nữa.
Tương tự, mặc dầu đã biết những thực phẩm và phong cách sống nào ảnh hưởng đến huyết áp, các nhà khoa học vẫn chưa rõ tường tận tại sao lại vậy.
Hiểu được tại sao người này bị cao huyết áp người kia không bị có thể dẫn tới những phương pháp đột phá cho ngăn ngừa và điều trị bệnh cao huyết áp.
Một số nghiên cứu đang đào sâu tìm kiến những nhân tố mà thoạt nhìn tưởng không phải là nguyên nhân. Một bài báo đăng tháng 6 trên Journal of Public Health (Sức khỏe cộng đồng) đánh giá vai trò của địa bàn mà bạn sinh sống.
Một số nghiên cứu trước đó chứng minh mối liên quan giữa ô nhiễm không khí với tăng huyết áp, công trình mới nhất đã xác nhận những nghi ngờ trước đó và đẩy việc nghiên cứu tiến xa thêm một bước.
Quả nhiên các nhà nghiên cứu đã tìm ra mối liên quan giữa ô nhiễm không khí và cao huyết áp; tuy nhiên, nguy cơ chỉ cao thêm đối với những ai sống ở những căn nhà nhiều gia đình, chẳng hạn những khối nhà căn hộ (thấp cấp).
Các tác giả tin rằng điều này có thể do một số yếu tố, chẳng hạn sống trong những không gian khép kín gần với nhiều người sẽ phải chịu ồn ào hơn, căng thẳng hơn. Nghiên cứu này đưa ra một cái nhìn sơ phác mới về tổng thể những nguyên nhân tiềm tàng có thể gây bệnh cao huyết áp.
Vệ sinh răng miệng
Đáng ngạc nhiên, một nhóm nghiên cứu gần đây điều tra việc súc miệng (bằng nước sát trùng) có thể ảnh hưởng tới huyết áp ra sao.
Công bố phát hiện của mình trên tạp chí Frontiers in Cellular and Infection Microbiology (Biên cương trong vi sinh học tế bào và nhiễm khuẩn), các tác giả kết luận rằng súc miệng giết chết “vi khuẩn tốt” trong miệng. Những vi khuẩn tốt này sản sinh ra ôxit nitric (NO), rất quan trọng cho sức khỏe mạch máu.
Oxit nitric hoạt động như là chất làm giãn mạch, có nghĩa nó giúp các cơ đỡ mạch máu được thư giãn, nhờ vậy mà mở rộng mạch máu và làm giảm huyết áp.
Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã tìm ra chất chlorhexidine trong một số loại nước súc miệng.
Theo các tác giả, việc dùng ngày hai lần chất chlorhexidine có liên quan đến việc tăng mạnh huyết áp tâm thu chỉ sau 1 tuần sử dụng, và việc ngưng dùng sẽ làm giàu vi khuẩn hấp thụ nitrate (nitrate-reducing) trên mặt lưỡi.
Vẫn tập trung vào ảnh hưởng của khoang miệng, một nghiên cứu khác năm 2019 đã tìm kiếm mối liên hệ giữa bệnh nướu răng với chứng cao huyết áp. Họ chỉ ra rằng những ai bị bệnh nha chu (viêm quanh chân răng) – có nguy cơ tăng huyết áp cao hơn 49%.
Giáo sư Francesco D’Aiuto giải thích ngắn gọn kết quả của nhóm nghiên cứu: “Chúng tôi đã quan sát được mối tương quan tuyến tính: viêm nha chu (viêm quanh răng) càng nặng thì xác suất tăng huyết áp càng cao.
Vai trò của kẽm
Một dự án khác điều tra vai trò của kẽm trong duy trì huyết áp ở mức lành mạnh. Trong nhiều năm nhóm nghiên cứu đã ghi nhận mối liên hệ giữa nồng độ kẽm thấp và huyết áp cao, nhưng cơ chế chính xác của mối liên quan này vẫn chưa được vạch ra thật chi tiết.
Nghiên cứu mới nhất đã chỉ ra “diễn viên chính” của mối tương tác kẽm-huyết áp; theo nhóm tác giả, chất đồng chuyển muối (NCC) trong thận chính là mấu chốt. NCC chịu trách nhiệm bơm natri ngược lại cơ thể, ngăn ngừa nó thải loại ra đường tiểu.
Kẽm tương tác với NCC: khi kẽm xuất hiện, chất NCC kém hoạt hóa, có nghĩa bơm được ít natri ngược lại cơ thể hơn, đồng nghĩa cơ thể giữ lại được ít natri hơn. Điều này quan trọng vì natri cao – chẳng hạn do ăn quá nhiều muối – là yếu tố gây tăng nguy cơ tăng huyết áp.
Hy vọng tri thức mới này sẽ giúp cải thiện việc điều trị, nhóm tác giả viết:
“Hiểu được cơ chế cụ thể của việc thiếu kẽm ảnh hưởng đến rối loạn điều hòa huyết áp như thế nào sẽ có tác dụng quan trọng cho việc điều trị chứng cao huyết áp thể mãn tính.”
Bệnh cao huyết áp và sa sút trí tuệ
Giới khoa học đã tìm ra mối quan hệ giữa cao huyết áp và sa sút trí tuệ. Mối liên hệ này rất có ý nghĩa vì sa sút trí tuệ do huyết áp có thể xảy ra sau đột quỵ, mà cao huyết áp lại là nguy cơ tiềm tàng của đột quỵ.
Tuy nhiên, cũng có bằng chứng cho thấy bệnh cao huyết áp có thể còn là nguy cơ gây sa sút trí tuệ ở những dạng khác, bao gồm cả bệnh Alzheimer.
Một nghiên cưu xuất hiện tháng 6 năm nay chỉ ra rằng thuốc huyết áp thông thường – nilvadipine – làm chậm sự tiến triển của Alzhemer bằng cách cải thiện lưu lượng máu lên não.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu chỉ ra những ai uống thuốc này có thêm 20% lượng máu chảy về hồi hải mã, một vùng trong não giữ vai trò ghi nhớ và học tập, so với những người không uống nilvadipine.
Cao huyết áp trong các độ tuổi và ảnh hưởng của nó
Các nhà khoa học khác thì nghiên cứu những dao động trong huyết áp và ảnh hưởng của nó tới chứng sa sút trí tuệ. Chẳng hạn, một nghiên cứu tuyển dụng những người có bệnh Alzhermer tham gia chỉ ra rằng bệnh tiến triển nhanh hơn ở những người có huyết áp dao động nhiều nhất.
“Huyết áp dao động nhiều có thể tác động khiến chức năng nhận thức suy giảm chậm hơn hay nhanh hơn.” Nghiên cứu viên cao cấp, tiến sĩ Jurgen Claassen khẳng định.
Cùng chủ đề, một nhóm nghiên cứu khác quan sát mô hình huyết áp qua nhiều thập kỷ. Các tác giả tóm tắt phát hiện của mình:
“Nhóm cao huyết áp trường diễn từ tuổi trung niên đến cuối đời, và một nhóm cao huyết áp tuổi trung niên rồi đến giai đoạn cuối đời mới bị lại, hai nhóm này tăng nguy cơ bị sa sút trí tuệ ra sao so với những người có huyết áp bình thường.”
Một nghiên cứu khác theo dõi huyết áp cả cuộc đời chỉ ra những người có huyết áp cao hoặc tăng trong giai đoạn từ 36 tuổi đến 53 tuổi có nhiều khả năng bị thương tổn chất trắng và bị teo não ở giai đoạn sau đó.
Các tác giả hy vọng nghiên cứu của mình sẽ thôi thúc cả bác sĩ và công chúng kiểm tra, quan tâm và chịu trách nhiệm về huyết áp của mình sớm hơn, thay vì để muộn hơn.
Trong năm 2020, chứng tăng huyết áp chắc chắn sẽ giữ vị trí cao trong lịch biểu nghiên cứu. Khi khoa học đang từng bước soi tỏ cơ chế và nguyên nhân của bệnh cao huyết áp, triển vọng giảm thiểu và chế ngự ảnh hưởng của nó nhất định sẽ ngày càng khả quan hơn.
Theo Medical News Today
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu