TP.HCM chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để dập dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đợt dịch bùng phát lần này, đặc biệt từ “ổ dịch” siêu lây nhiễm nhóm truyền giáo Phục Hưng khiến TP.HCM phải chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn về kinh tế, nỗ lực dập dịch.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo cán bộ không tiếp khách tại công sở, trừ trường hợp có thư mời đích danh. Ảnh: TTBC
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo cán bộ không tiếp khách tại công sở, trừ trường hợp có thư mời đích danh. Ảnh: TTBC

185.000 lượt khai báo y tế điện tử ra vào Gò Vấp

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: “Chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế để đảm bảo sức khoẻ người dân bằng cách thực hiện giãn cách xã hội đã bắt đầu có kết quả. Các chuỗi lây nhiễm tại thành phố đã từng bước được khống chế, khoanh vùng, đưa vào khu cách ly. Mặc dù vẫn còn có thể xuất hiện một số ca bệnh chưa rõ nguồn lây trong cộng đồng, nhưng nhờ giãn cách xã hội nên không có điều kiện tiếp xúc rộng, cùng lắm sẽ chỉ lây trong một vài thành viên của gia đình”.

Ông Nguyễn Thành Phong lưu ý người dân TP.HCM hết sức lưu ý khi di chuyển từ vùng dịch này sang vùng dịch khác, do virus biến chủng Ấn Độ lần này phát tác rất nhanh và mạnh.

“Thời gian tới, cần tăng cường hoạt động, yêu cầu người dân tuân thủ khai báo y tế. Đặc biệt, TP.HCM đã triển khai robot gọi điện thoại tới người dân để hỏi thăm sức khoẻ, hỗ trợ khai báo y tế tự động, thông báo tới cơ quan chức năng để đưa đi cách ly các trường hợp cần thiết” – Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết.

UBND quận Gò Vấp cho hay, người dân thực hiện khai báo y tế điện tử trên hệ thống khai báo y tế của TP.HCM trước khi ra, vào khu vực quận Gò Gấp và lưu kết quả khai báo có mã QR được cấp trên điện thoại thông minh. Khi người dân đến các chốt kiểm soát ở cửa ngõ quận Gò Vấp, chỉ cần xuất trình mã QR này cho nhân viên kiểm soát. Trong trường hợp người dân không thể khai báo, có thể nhờ người khác khai báo hộ và thông báo họ tên, số điện thoại đã dùng trên tờ khai cho nhân viên kiểm soát.

Hình ảnh mã QR code được dán từng khu phố, tạo điều kiện thuận tiện cho người dân quét mã khai báo y tế - Ảnh: CDC TP.HCM
Hình ảnh mã QR code được dán từng khu phố, tạo điều kiện thuận tiện cho người dân quét mã khai báo y tế - Ảnh: CDC TP.HCM

Ứng dụng khai báo y tế điện tử được triển khai mạnh với mục đích có thể hỗ trợ truy vết nhanh các trường hợp nghi nhiễm đang có trên địa bàn thành phố. Điều này hoàn toàn không thực hiện được nếu theo cách khai báo thủ công trên giấy như trước đây, và sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến công tác sàng lọc.

Đồng thời, ứng dụng này giúp các chốt kiểm soát phát hiện được ngay các trường hợp có triệu chứng hoặc có yếu tố dịch tễ bằng các cảnh báo được thiết lập sẵn trên ứng dụng và báo ngay với Trung tâm y tế Quận và Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM để kiểm tra và xử lý kịp thời.

Tính đến 15 giờ ngày 06/06 đã có hơn 185.000 lượt khai báo của người dân được ghi nhận trên hệ thống, trong đó thông qua việc kiểm tra, lực lượng kiểm soát tại các chốt tại quận Gò Vấp đã phát hiện và xử lý 3.464 trường hợp có nguy cơ lây nhiễm cao.

Đảm bảo chống dịch nhưng không ngăn sông cấm chợ

Bí thư thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên lưu ý: “Sau thời gian giãn cách xã hội, TP.HCM đã bắt đầu giảm số bệnh nhân dương tính mới, cơ bản kiểm soát các nguồn lây lan, ca nhiễm mới chủ yếu là đã được cách ly khỏi cộng đồng, đây là tín hiệu tốt. Tuy nhiên, vẫn cần hết sức chú ý các ca F0 còn đang tiềm ẩn, ít triệu chứng, hầu như không biểu hiện, khó tầm soát, chỉ đến khi phát bệnh mới biết. Dịch đã lây lan đến nhiều bệnh viện, nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, các công ty, không thể chủ quan. Cần tìm chuyên gia “đặc trị” kịp thời, hữu hiệu cho các khu vực không gian kín, sản xuất trực tiếp như các nhà máy, xí nghiệp”.

CDC TP.HCM cho hay toàn thành phố đang có tới 159 địa điểm phong tỏa

CDC TP.HCM cho hay toàn thành phố đang có tới 159 địa điểm phong tỏa

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: “Đề nghị TP Thủ Đức và tất cả các quận, huyện trên toàn thành phố thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch COVID-19 nhưng không ngăn sông cấm chợ. Chỉ một quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai ban ra hôm 4/6, nhưng đã ảnh hưởng đến rất nhiều doanh nghiệp của cả hai bên. UBND TP.HCM đã phân công Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức có công văn phản hồi tới UBND Đồng Nai, đồng thời báo cáo tới Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quốc gia.

" Ngay sau đó, ngày 5/6 UBND tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định thay đổi, nới lỏng về quy định cách ly đối với người đến từ TP.HCM, do thực tế là có nhiều ngàn người lao động sống tại TP.HCM nhưng làm việc tại Đồng Nai và ngược lại, số lao động sống tại Đồng Nai nhưng vẫn đang làm việc cho các doanh nghiệp TP.HCM không hề nhỏ”.

Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo: “Cán bộ không tiếp khách tại công sở, trừ trường hợp có thư mời đích danh. Kiểm soát chặt công tác phòng dịch tại các chợ truyền thống, chợ đầu mối. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo đồng bộ cao nhất trong công tác phòng, chống dịch trên toàn thành phố”.

Ông Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp sáng 7/6 - Ảnh: Mai Huyền
Ông Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp sáng 7/6 - Ảnh: Mai Huyền

“Phải đảm bảo cao nhất không có nguy cơ lây chéo tại các khu cách ly tập trung. Giả sử một phòng có 2 giường thì giữa 2 giường cũng cần có vách ngăn, động viên người được cách ly thực hiện mọi quy định, không giao tiếp, để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm. Trong tuần này, lực lượng chức năng cần tổ chức kiểm tra các khu cách ly” – Ông Phong nhắc nhở.

Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu đánh giá lại nguy cơ lây nhiễm và các tồn tại còn chưa khắc phục hết trong công tác chống dịch COVID-19 tại tất cả các bệnh viện, cơ sở y tế, khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn.

“Riêng khu chế xuất là 280.000 công nhân, khu công nghệ cao là 45.000 cán bộ nhân viên, đề nghị rà soát lại nguồn lực, gấp rút triển khai khu cách ly theo thứ tự ưu tiên của từng khu vực để có thể dập dịch nhanh nhất. Xiết chặt giãn cách tại các nhà máy, xí nghiệp. Cần phải đảm bảo một số doanh nghiệp vừa cách ly nhưng vẫn vừa đảm bảo sản xuất” – Ông Phong chỉ đạo.