TP HCM xây dựng cơ sở dữ liệu cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

VietTimes -- Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn tất xây dựng cơ sở dữ liệu của 1.200 doanh nghiệp tiêu biểu về công nghiệp hỗ trợ của thành phố, qua đó giới thiệu các doanh nghiệp với nhau để cùng hợp tác, thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Lãnh đạo Sở Công Thương TP. HCM cho biết: Lâu nay do chưa có cơ sở dữ liệu này nên việc kết nối với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hết sức khó khăn. Một doanh nghiệp sản xuất muốn tìm một doanh nghiệp khác để cung ứng sản phẩm không biết tìm ở đâu. Ngược lại, doanh nghiệp cung ứng sản xuất ra sản phẩm, muốn tìm doanh nghiệp kết nối cũng rất khó khăn.

Cùng với việc xây dựng cơ sở dữ liệu, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục mở rộng phòng trưng bày sản phẩm công nghiệp hỗ trợ để tăng kết nối doanh nghiệp. Đây là nơi đang trưng bày 400 sản phẩm của 54 doanh nghiệp.

Chỉ mới thành lập được hơn 6 tháng, nhưng phòng trưng bày đã đón 83 đơn vị đến tham quan học tập, trong đó có 40 doanh nghiệp đã ký hợp đồng, kết nối hợp tác về công nghiệp hỗ trợ.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, hiện nay nước ta có khoảng 30 ngành kinh tế-kỹ thuật cần đến công nghiệp phụ trợ. Trong đó, nhiều ngành sản xuất hàng xuất khẩu mang lại kim ngạch hàng chục tỷ đô la Mỹ mỗi năm nhưng đang phải nhập khẩu tới 80-85% nguyên liệu, tỷ lệ giá trị gia tăng chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong cơ cấu sản phẩm.

Nguyên nhân của những yếu kém này là do đầu tư của Nhà nước cho công nghệ phụ trợ còn hạn chế, việc ưu đãi, thu hút đầu tư vào công nghệ phụ trợ hầu như chỉ tập trung vào các tập đoàn lớn, trong khi các doanh nghiệp công nghệ phụ trợ thường có quy mô vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phụ trợ nội địa vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng thương mại.

Mới đây, ông Takimoto Koji , Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM cho biết một số hãng ô tô Nhật Bản có thể sẽ tính tới chuyện rút khỏi Việt Nam, chuyển sang các nước lân cận trong khu vực như Indonesia hay Thái Lan, Malaysia... vì sự giậm chân tại chỗ của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong nhiều năm qua và chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ so với nhu cầu của các công ty này.