Hội đồng quản trị Toshiba mới đây đã chấp thuận lời đề nghị mua lại trị giá 2.000 tỉ yen (15,3 tỉ USD) do quỹ đầu tư Japan Industrial Partners (JIP) dẫn đầu, theo Nikkei Asia. Nó được cho là cao hơn nhiều so với mức giá mà CVC Capital Partners đưa ra nhằm mua lại Toshiba hồi tháng 4/2021.
Hoạt động này có thể khép lại nhiều năm chìm trong hỗn loạn của Toshiba với loạt bê bối khiến công ty này gặp khó khăn và buộc phải bán mình.
Theo Bloomberg, ban lãnh đạo Toshiba, chính phủ Nhật Bản và các cổ đông lớn nước ngoài đã có những bất đồng về tương lai của tập đoàn này. Trong khi các nhà đầu tư muốn tối ưu hóa lợi nhuận, chính phủ Nhật Bản muốn ưu tiên giữ các mảng kinh doanh và công nghệ nhạy cảm khỏi tầm tay nước ngoài.
Nên biết, Toshiba là tập đoàn hiếm hoi ở Nhật Bản sở hữu mảng công nghệ điện hạt nhân - vốn được coi là quan trọng đối với an ninh quốc gia.
Nếu thương vụ thành công, nó sẽ là một trong những giao dịch lớn nhất châu Á trong năm nay, đặc biệt là khi số lượng thương vụ M&A sụt giảm, theo Bloomberg.
Ở Việt Nam và nhiều thị trường khác, Toshiba từng được xem là thương hiệu bảo chứng cho chất lượng của các sản phẩm điện máy. Song, nhiều vấn đề trong quản trị và bê bối kế toán khiến 'đại gia' công nghệ này dần đánh mất vị thế.
Loạt bê bối khiến Toshiba chật vật trong nhiều năm (Ảnh: Reuters) |
Cú trượt dốc của Toshiba
Năm 1875, Toshiba bắt đầu sản xuất bóng đèn sợi đốt và thiết bị điện báo. Sau đó, hãng mở rộng sang tủ lạnh, máy giặt, tivi màu, máy tính xách tay và đầu đĩa DVD, một số sản phẩm đầu tiên ở Nhật Bản hoặc thậm chí trên thế giới.
Là nhà phát triển chip nhớ flash NAND, Toshiba nổi tiếng với các công nghệ bán dẫn tiên tiến. Hoạt động kinh doanh chip của tập đoàn này được cho là trị giá 1,5 nghìn tỉ yen. Công ty cũng có lợi thế cạnh tranh trong các hoạt động như thang máy, điều hòa không khí và chiếu sáng. Toshiba sở hữu một bộ phận R&D hùng hậu trên toàn thế giới, với 44.600 bằng sáng chế theo lĩnh vực kinh doanh.
Từng có thời điểm, Toshiba là nhà sản xuất máy tính cá nhân và các đồ gia dụng điện tử, thiết bị y tế lớn nhất thế giới, đồng thời cũng nằm trong top 10 công ty sản xuất chip lớn nhất thế giới.
Toshiba cũng là một trong những công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực kinh doanh điện hạt nhân.
Mặc dù là một công ty lâu đời với các thương hiệu nổi tiếng, nhưng nhiều vụ bê bối của Toshiba đã ảnh hưởng tiêu cực tới danh tiếng của hãng.
Năm 2015, Toshiba tiết lộ các sai sót kế toán ở nhiều bộ phận, liên quan đến quản lý cấp cao, bao gồm việc phóng đại lợi nhuận trước thuế khoảng 230 tỉ yen (1,8 tỉ USD) trong 7 năm.
Vụ bê bối khiến Toshiba buộc phải tái cấu trúc toàn công ty, bán đi một số công ty con và lĩnh vực kinh doanh không hiệu quả.
Năm 2015, hãng đã bán cổ phần của mình trong nhà sản xuất thang máy Phần Lan Kone Oyj với giá 864,7 triệu euro (919 triệu USD) và dây chuyền sản xuất tấm silicon wafer cho Sony với giá 19 tỷ yên.
Năm 2016, tập đoàn này cũng đã bán Toshiba Medical Systems cho Canon với giá 665,5 tỉ yen và mảng kinh doanh hàng gia dụng cho Tập đoàn Midea của Trung Quốc với giá 53,7 tỉ yen.
Sau đó, mảng kinh doanh điện hạt nhân ở Mỹ và Toshiba đã cho phá sản mảng này vào năm 2017, với tổng thiệt hại lên tới 6 tỉ USD. Không dừng ở đó, Toshiba cũng đối mặt với nguy cơ hủy niêm yết.
Để giải quyết khó khăn, họ buộc phải bán lại mảng sản xuất chip nhớ "mỏ vàng" của mình và tiến hành chào bán thêm cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài.
Đầu năm 2022, nhằm duy trì việc hoạt động, Toshiba đã tuyên bố sẽ tách thành 3 công ty, gồm một năng lượng, một cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực còn lại. Tuy nhiên, cuối cùng Toshiba chỉ được tách ra làm 2 công ty riêng biệt
Song, kế hoạch này cũng bị phản đối và bác bỏ bởi các cổ đông của công ty vào cuộc họp bất thường tháng 3 năm 2022. Do đó, Toshiba đã khởi động kế hoạch bán lại tập đoàn từ năm ngoái bằng hình thức đấu giá, và nhận được 8 đề xuất mua lại cũng như 2 đề nghị liên doanh vốn từ các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Ở Việt Nam, hồi tháng 5/2021, đại diện Toshiba cho biết hãng đã dừng hoàn toàn việc bán TV tại thị trường này. Theo đó, hãng đã đóng cửa các dây chuyền sản xuất tại Việt Nam và chuyển sang nhập khẩu TV từ Indonesia. Song, việc bán hàng vẫn tiếp tục khó khăn buộc hãng phải dừng bán TV và tập trung vào các mặt hàng đồ điện tử gia dụng nhỏ lẻ khác.
Thoả thuận 'bán mình' trị giá hơn 15 tỉ USD với JIP là hồi kết buồn của một 'tượng đài' gần 150 tuổi của đất nước mặt trời mọc./.
Nguồn tham khảo: Reuters, Bloomberg, Nikkei