NBC News ngày 29/4 dẫn lời một quan chức Israel cho biết nước này đang làm việc thông qua các kênh ngoại giao để ngăn Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) phát lệnh bắt Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và các quan chức quân sự cấp cao của Tel Aviv.
ICC được thành lập vào năm 2002 với tư cách là tòa án thường trực để truy tố những cá nhân chịu trách nhiệm về những tội ác tàn bạo nhất thế giới – tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người, tội diệt chủng và tội ác xâm lược.
Quy chế Rome thành lập ICC được thông qua năm 1998 và có hiệu lực sau khi được 60 quốc gia phê chuẩn vào ngày 1/7/2002. Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua ICC, nhưng tòa án này hoạt động độc lập.
Không có lực lượng cảnh sát, ICC phải dựa vào các quốc gia thành viên để bắt giữ nghi phạm, điều này đã được chứng minh là trở ngại lớn cho việc truy tố.
Hôm 26/4 vừa qua, ông Netanyahu cho biết trên nền tảng mạng xã hội X rằng Israel “sẽ không bao giờ chấp nhận bất kỳ nỗ lực nào của ICC nhằm làm suy yếu quyền tự vệ vốn có”.
“Mặc dù ICC sẽ không ảnh hưởng đến hành động của Israel nhưng nó sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm”, ông viết.
Bộ Ngoại giao Israel cho biết vào cuối ngày 28/4 rằng họ đã thông báo cho các cơ quan đại diện ở nước ngoài về “tin đồn” rằng ICC có thể ra lệnh bắt giữ các quan chức chính trị và quân sự cấp cao của Israel. Cơ quan này không đưa ra nguồn tin đồn.
Trong một tuyên bố gửi qua email cho hãng thông tấn AP, văn phòng công tố của ICC từ chối bình luận chi tiết.
ICC là gì?
124 quốc gia thành viên của ICC đã ký vào Quy chế Rome. Tuy nhiên, có hàng chục quốc gia không ký và không chấp nhận quyền tài phán của tòa án này đối với các tội ác chiến tranh, diệt chủng và các tội ác khác. Những nước này bao gồm Israel, Mỹ, Nga và Trung Quốc.
ICC sẽ tham gia khi các quốc gia không thể hoặc không muốn truy tố tội phạm trên lãnh thổ của họ. Israel lập luận rằng họ có một hệ thống tòa án đang hoạt động tốt. Thêm vào đó, những tranh chấp về khả năng hoặc sự sẵn lòng truy tố của một quốc gia đã làm dấy lên những tranh chấp trước đây giữa ICC và từng quốc gia.
Vào năm 2020, Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump đã áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế và du lịch đối với công tố viên và một nhân viên cấp cao khác của văn phòng công tố của ICC. Thời điểm bấy giờ, các nhân viên của ICC đang xem xét về khả năng quân đội và quan chức tình báo của Mỹ cùng các nước đồng minh vi phạm tội ác chiến tranh ở Afghanistan.
Tổng thống Joe Biden – người hiện đang chỉ đạo cho chính quyền Mỹ hỗ trợ quân sự và chính trị cho cuộc tấn công của Israel ở Gaza – đã dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trên vào năm 2021.
ICC có 17 cuộc điều tra đang tiến hành, đã ban hành tổng cộng 42 lệnh bắt giữ và bắt giữ 21 nghi phạm. Các thẩm phán đã kết án 10 nghi phạm và tuyên trắng án cho 4 người.
Trong những năm đầu hoạt động, ICC bị chỉ trích vì tập trung vào tội phạm ở châu Phi - 10 cuộc điều tra là ở các quốc gia châu Phi - nhưng giờ họ đã điều tra ở nhiều khu vực khác bao gồm châu Á, châu Âu, Trung Đông và châu Mỹ Latin.
Mối quan hệ giữa Israel và ICC
Đại hội đồng Liên hợp quốc đã nâng quy chế của người Palestine vào năm 2012 từ quan sát viên của Liên hợp quốc lên quốc gia quan sát viên không phải thành viên. Điều đó đã mở ra cơ hội cho các vùng lãnh thổ Palestine tham gia các tổ chức quốc tế, trong đó có ICC.
ICC chấp nhận “Nhà nước Palestine” là thành viên vào năm 2015, một năm sau khi người Palestine chấp nhận quyền tài phán của tòa án.
Công tố viên trưởng của ICC vào năm 2021 tuyên bố rằng bà đang mở một cuộc điều tra về những tội ác có thể xảy ra trên lãnh thổ Palestine. Israel thường đưa ra các cáo buộc thiên vị đối với các cơ quan Liên Hợp Quốc và quốc tế, và ông Netanyahu coi quyết định này là đạo đức giả và chống lại người Do Thái.
Công tố viên hiện tại của ICC, Karim Khan, đã đến thăm Ramallah và Israel vào tháng 12 năm ngoái, gặp gỡ các quan chức Palestine và gia đình của những người Israel bị nhóm Hamas giết hại hoặc bắt làm con tin trong cuộc tấn công ngày 7/10/2023, sự kiện châm ngòi cho cuộc chiến Israel-Hamas.
Ông Khan đã gọi hành động của Hamas là “một trong số những tội ác quốc tế nghiêm trọng nhất gây chấn động lương tâm nhân loại, những tội ác mà ICC được thành lập để giải quyết” đồng thời kêu gọi trả tự do cho tất cả con tin ngay lập tức và vô điều kiện.
Ông Khan cho biết “luật nhân đạo quốc tế vẫn phải được áp dụng” trong cuộc chiến Israel-Hamas và “quân đội Israel hiểu rằng luật phải được thực thi”. Sau chuyến thăm, ông cho biết cuộc điều tra của ICC về tội ác tiềm tàng của các chiến binh Hamas và lực lượng Israel “là ưu tiên hàng đầu của văn phòng tôi”.
Những ai từng bị ICC cáo buộc?
Một năm trước, sau khi ICC phát lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin liên quan đến vụ bắt cóc trẻ em từ Ukraine, Nga đáp trả bằng cách ban hành lệnh bắt giữ riêng đối với ông Khan và các thẩm phán của ICC.
Các nhà lãnh đạo cấp cao khác bị tòa án này buộc tội bao gồm nhà lãnh đạo Sudan bị lật đổ Omar al-Bashir với các cáo buộc diệt chủng ở vùng Darfur của đất nước này.
Cựu lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi đã bị phiến quân bắt và sát hại ngay sau khi ICC ban hành lệnh bắt giữ ông với các cáo buộc liên quan đến việc đàn áp tàn bạo các cuộc biểu tình chống chính phủ vào năm 2011.
Hezbollah khai hỏa hàng chục tên lửa nhằm vào các căn cứ quân sự của Israel
Ảnh vệ tinh hé lộ sự tàn phá khủng khiếp do chiến dịch Israel thực hiện ở Gaza
Tổng thống Iran cảnh báo tiêu diệt Israel nếu nước này tiếp tục tấn công
Theo AP