Ngày 21/9, Thủ tướng ký Quyết định 1018 về Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Chia sẻ với VietTimes về ý nghĩa của Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn, ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết những năm gần đây, các quốc gia lớn đã có sự cạnh tranh gay gắt dẫn đến việc phải điều chỉnh chiến lược bán dẫn theo hướng nâng cao năng lực trong nước và đẩy mạnh đa dạng hoá chuỗi cung ứng.
Thế giới cơ cấu lại ngành công nghiệp bán dẫn theo hướng đa dạng hoá nguồn cung với mô hình "X+1", không chỉ về sản xuất mà ở tất cả các công đoạn của công nghiệp bán dẫn. Các nước đã có công nghiệp bán dẫn, hoặc một phần của công nghiệp bán dẫn, đều muốn có thêm một cơ sở nữa ở nước khác để bảo đảm an toàn. Việt Nam có quan hệ chiến lược tốt đẹp với hầu hết các cường quốc công nghiệp bán dẫn nên có thể là một trong ít nước “+1” này và có khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở tất cả các công đoạn của công nghiệp bán dẫn.
Ông Lịch nhận định chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn được Chính phủ ban hành là sự kết hợp giữa hoạch định ngắn hạn và tầm nhìn dài hạn.
Đây là sự khác biệt trong tư duy chiến lược quốc gia của Việt Nam so với các lần trước. Chiến lược này có ý nghĩa vô cùng to lớn, với sứ mệnh kịp thời nắm bắt, tận dụng cơ hội trong bối cảnh chuyển dịch chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, đồng thời đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.
"Chiến lược này cho thấy tầm quan trọng mà Chính phủ Việt Nam đặt vào ngành công nghiệp bán dẫn, khẳng định đây là một ngành công nghiệp nền tảng và mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo động lực để phát triển công nghệ nội địa, khuyến khích sự hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước và các tập đoàn quốc tế, góp phần nâng cao năng lực sản xuất và công nghệ của Việt Nam", ông Nguyễn Khắc Lịch nói.
Chiến lược cũng đưa ra lộ trình phát triển với các mục tiêu giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư và các cơ quan quản lý có định hướng rõ ràng trong việc đầu tư, nghiên cứu và phát triển công nghiệp bán dẫn và công nghiệp điện tử Việt Nam.
Thông qua việc đưa ra chiến lược dài hạn đến năm 2050, Việt Nam khẳng định mong muốn trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, từng bước tự chủ về công nghệ thiết kế, sản xuất sản phẩm bán dẫn.
Đối với vấn đề thu hút đầu từ FDI, ông Lịch cho rằng chiến lược đã đề ra giải pháp xây dựng một môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực bán dẫn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Chiến lược cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn, góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực có kỹ năng cao, nâng cao năng lực hoạt động nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực bán dẫn, giúp Việt Nam chủ động hơn trong việc nắm bắt các công nghệ mới.
Ngoài ra, theo Cục trưởng công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, sự phát triển của ngành bán dẫn sẽ giúp Việt Nam tăng cường khả năng tự chủ về kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào các công nghệ nước ngoài, từ đó góp phần bảo đảm an ninh kinh tế trong dài hạn.
Để phát triển công nghiệp bán dẫn, việc nhận diện những lợi thế cũng như hạn chế cần cải thiện, đổi mới là vô cùng quan trọng. Ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của Việt Nam có từ năm 1979 với sự tồn tại của nhà máy Z181 chuyên sản xuất linh kiện bán dẫn xuất khẩu sang các nước Đông Âu, nhưng sau sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Đông Âu, công nghiệp bán dẫn Việt Nam đã chững lại.
Theo chuyên gia Nguyễn Thanh Yên, Tổng giám đốc công ty CoAsia Semi Vietnam, admin diễn đàn "Cộng đồng vi mạch Việt Nam", ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam vẫn ở giai đoạn ban đầu nhưng có tiềm năng phát triển rất lớn.
Điều này được thể hiện rõ trong vài năm trở lại đây khi các tập đoàn lớn như Intel, Samsung, Amkor đã đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất và lắp ráp chip tại Việt Nam. Intel đã có một nhà máy kiểm định và lắp ráp chip tại TP. HCM từ năm 2006, hiện là một trong những nhà máy lớn nhất của hãng tại châu Á. Nhà máy này hiện chiếm hơn 50% tổng sản lượng của Intel trên toàn cầu. Năm 2021, Intel đã tăng vốn đầu tư dự án này lên gần 1,5 tỉ USD.
Samsung cũng có cơ sở sản xuất linh kiện điện tử, bao gồm cả vi mạch và linh kiện bán dẫn. Ngoài ra còn có các "ông lớn" bán dẫn khác như ON Semiconductor, Synopsys, Cadence, ASE Group... cũng đang đầu tư vào Việt Nam.
Các khoản đầu tư FDI không chỉ giúp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển giao công nghệ và nâng cao kỹ năng cho nguồn nhân lực trong nước.
Để chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho kế hoạch phát triển ngành bán dẫn, chính phủ Việt Nam đang hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu, và các công ty tư nhân xây dựng cơ sở vật chất và mở ngành đào tạo bán dẫn.
Hiện nay, ngoài 4 phòng thí nghiệm bán dẫn cấp quốc gia ở Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, thì 18 trường Đại học trên cả nước cũng đã có các phòng thí nghiệm và nghiên cứu về vi mạch bán dẫn. Nhiều chương trình đào tạo kỹ sư và kỹ thuật viên có chuyên môn cao về thiết kế, sản xuất và kiểm định bán dẫn đã và đang được triển khai. Các chương trình hợp tác quốc tế cũng đang được thúc đẩy để đưa các chuyên gia và kiến thức tiên tiến từ các quốc gia phát triển vào Việt Nam.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Yên, chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao trong đó có ngành bán dẫn. Các chính sách này bao gồm ưu đãi thuế, hỗ trợ hạ tầng và thủ tục hành chính. Nhiều địa phương hiện nay đang mở cửa mời gọi các tập đoàn bán dẫn lớn của thế giới, điển hình có Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng...
Tuy nhiên, việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam cũng đang gặp nhiều thách thức. Theo GS.TS Nguyễn Ái Việt, hiện tại Việt Nam đang thiếu kinh nghiệm và công nghệ, chưa có kinh nghiệm trong các quy trình sản xuất và kiểm tra bán dẫn phức tạp. Phần lớn công nghệ vẫn phụ thuộc vào các công ty nước ngoài.
Thêm nữa, chuỗi cung ứng của Việt Nam còn yếu, nhiều linh kiện, thiết bị và nguyên liệu trong quy trình sản xuất bán dẫn vẫn phải nhập khẩu.
Ngoài ra, theo GS Nguyễn Ái Việt, sự cạnh tranh trên toàn cầu trong ngành bán dẫn cũng rất khốc liệt. Các quốc gia như Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc có lợi thế vượt trội về công nghệ và quy mô sản xuất. Điều này tạo ra một số khó khăn cho Việt Nam khi muốn tham gia vào thị trường bán dẫn toàn cầu.
Theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó cục trưởng Cục công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, chúng ta đang thiếu cả thầy lẫn thợ trong lĩnh vực bán dẫn. Bộ Thông tin và Truyền thông từng có buổi làm việc với Qualcomm và đề nghị họ thuê kỹ sư Việt Nam gia công một số khâu trong thiết kế và chế tạo chip. Tuy nhiên, số lượng các kỹ sư trong lĩnh vực bán dẫn của Việt Nam hiện quá ít ỏi.
Ông Trần Nhàn, nhà sáng lập Công ty Nanochap (Australia), cũng chia sẻ rằng việc đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn trong nhà trường Việt Nam còn nhiều bất cập, nhiều sinh viên không nắm bắt được những kiến thức cơ bản. Nanochap muốn tuyển dụng vị trí thiết kế chip bán dẫn, nhưng rất ít người đạt tiêu chuẩn.
Ông Nhàn cho rằng các sinh viên ngành bán dẫn sau khi ra trường cần có khoảng thời gian 2-3 năm làm việc thực tế, từ đó mới có thể nắm bắt được các quy trình chế tạo chip.
Với thực tế nêu trên, Việt Nam cần làm những gì để trở thành quốc gia mạnh về bán dẫn, một "cứ điểm" cho nguồn cung bán dẫn toàn cầu? Mời bạn đón đọc Bài 2: Những bước đi để Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đạt hiệu quả
Một số nội dung nổi bật trong Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam:
Giai đoạn 1 (đến năm 2030) hình thành ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế, 1 nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ; doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 25 tỉ USD/năm; doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 225 tỉ USD/năm; nhân lực ngành bán dẫn là 50.000 kỹ sư.
Giai đoạn 2 (đến năm 2040) hình thành ít nhất 200 doanh nghiệp thiết kế, 2 nhà máy chế tạo chip bán dẫn; doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 50 tỉ USD/năm; doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 485 tỉ USD/năm. Nhân lực ngành bán dẫn đạt 100.000 kỹ sư.
Giai đoạn 3 (đến năm 2050) hình thành ít nhất 300 doanh nghiệp thiết kế, 3 nhà máy chế tạo chip bán dẫn, 20 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn; doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 100 tỉ USD/năm; doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 1.045 tỉ USD/năm; nguồn nhân lực bán dẫn được đào tạo đáp ứng đủ nhu cầu thực tiễn. Hoàn thiện hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn Việt Nam tự chủ, có năng lực dẫn đầu ở một số công đoạn, phân khúc của chuỗi sản xuất.