Bài 1 - Ba "ông lớn" viễn thông và cuộc chơi 5G

E-magazine Bài 1 - Ba "ông lớn" viễn thông và cuộc chơi 5G

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Với việc Viettel vừa ra mắt 5G và VinaPhone, MobiFone đang chuẩn bị thương mại hóa dịch vụ này, Việt Nam thực sự đã xây dựng được một “đường sắt cao tốc Bắc - Nam” 5G. Hạ tầng công nghệ này là cơ sở để Việt Nam bứt phá phát triển kinh tế số…

Việc ra mắt công nghệ 5G của Viettel ngày 15/10 được ví như Việt Nam vừa vận hành một đường sắt cao tốc trên không gian mạng. Cách so sánh này là có cơ sở.

Nếu như dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là dự án giao thông trọng điểm, là khâu đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế, thì công nghệ 5G được kỳ vọng không chỉ là "huyết mạch" của chuyển đổi số quốc gia, mà còn tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của các ngành kinh tế khác…

Beige Green Vintage Watercolor Creative Portfolio Presentation.png

Đúng vào thời khắc mạng di động 2G hoàn thành “sứ mệnh” lịch sử (ngày 15/10/2024), Việt Nam chính thức bước vào kỷ nguyên 5G. Ra mắt sau 6 tháng nhận giấy phép sử dụng tần số 2.600 MHz, mạng 5G Viettel tại thời điểm khai trương có hơn 6.500 trạm BTS, phủ sóng 100% thủ phủ của 63 tỉnh, thành phố, các khu công nghiệp, khu du lịch, cảng biển, sân bay, bệnh viện, đại học.

Những ngày gần đây, giới yêu công nghệ rất hào hứng trải nghiệm 5G và tốc độ vượt trội, độ trễ thấp là ấn tượng chung của người dùng khi trải nghiệm dịch vụ mạng 5G vừa lần đầu tiên được thương mại hóa tại Việt Nam.

Cùng với Viettel, người dùng VNPT VinaPhone trên cả nước tỏ ra thích thú khi được trải nghiệm kết nối 5G miễn phí mà không cần đổi SIM 4G. Nhà mạng này công bố tặng 50GB Data, sử dụng trong 30 ngày, đến ngày 15/11/2024.

5G nhanh đến mức nào?

Tốc độ 5G cao hơn rất nhiều so với 4G, với tốc độ lý thuyết có thể lên tới 10 Gbps. Trong điều kiện thực tế, tốc độ 5G cho người dùng phổ biến có thể đạt tới 1Gbps, gấp 10 lần 4G. Điều này giúp truyền tải video chất lượng 4K, hoặc sử dụng tốt các công nghệ mới như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và các ứng dụng đòi hỏi băng thông cao, không độ trễ như game, livestream,...

Anh Hoàng Lâm (34 tuổi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết đã rất hào hứng test thử tốc độ mạng 5G Viettel tại một số khu vực mà anh thường đi qua. Trong đó, ngày 26/10, tại phố Đinh Tiên Hoàng (quận Hoàn Kiếm), tốc độ 5G đạt 900 Mbps hay tại phố Hai Bà Trưng cách đó không xa, tốc độ 5G cũng lên tới 744 Mbps.

“Đó là mức tốc độ Internet băng rộng di động cực kỳ cao mà tôi hiếm khi thấy được, kể cả dùng máy tính và mạng cáp quang. Nếu lúc đó tôi tải xuống một bộ phim Full HD dung lượng lớn thì chắc cũng chỉ mất một vài phút, thay vì mất cả buổi như hồi tháng trước (tháng 9/2024)”, anh Lâm hào hứng nói.

5G4.png
Tốc độ 5G tại một số khu vực ở Hà Nội rất cao, nhiều nơi đạt đến gần 900 Mbps

Tuy vậy, khi anh di chuyển sang khu vực Lê Văn Thiêm (quận Thanh Xuân) tốc độ mạng 5G giảm đi đáng kể. Ứng dụng SpeedTest cho thấy tốc độ chiều tải xuống dao động từ 65-70 Mbps và chiều tải lên là 33 Mbps, tương đương mạng 4G. Bên cạnh đó, có hiện tượng mạng 5G và 4G chập chờn, xen kẽ trong khi truy cập Internet dẫn tới hiện tượng lag, đứng máy, khiến cảm nhận của người dùng thiếu sự mượt mà.

Đó là ghi nhận về 5G trong giai đoạn đầu triển khai. Về lâu dài, sự nổi trội lớn nhất của công nghệ 5G là tốc độ tối đa ở điều kiện lý tưởng đạt 10 Gbps. Trong thực tế, một số thử nghiệm với 5G tại Việt Nam cho tốc độ tải xuống có thể đạt 1 Gbps, cao hơn 10 lần mạng 4G ở cùng địa điểm.

Việc Viettel chính thức cung cấp dịch vụ này sẽ là cú hích rất mạnh với VinaPhone, MobiFone về việc đẩy nhanh tiến độ triển khai dịch vụ 5G trong bối cảnh cạnh tranh giành thị phần quyết liệt hiện nay.

Beige Green Vintage Watercolor Creative Portfolio Presentation.png

Bên cạnh những thuận lợi trong triển khai, các nhà mạng phải chịu áp lực rất lớn về chi phí đầu tư cho 5G. Do tần số được sử dụng cho 5G ở Việt Nam đều là các tần số lớn, trạm 5G có độ phủ nhỏ hơn, buộc các nhà mạng phải triển khai số lượng trạm nhiều hơn. Cho đến nay, khi các nhà mạng “chạy đua” quyết liệt triển khai 5G và sau hơn 3 tháng kể từ khi nhà mạng cuối cùng trúng đấu giá băng tần (kể từ ngày 9/7/2024), thì chi phí đầu tư, triển khai 5G vẫn là con số bí mật của cả 3 nhà mạng.

Ngay như Viettel, vốn là nhà mạng sở hữu “băng tần vàng” 2600 Hz - là băng tần chỉ cần triển khai số trạm BTS 5G bằng khoảng 70% so với số trạm của VinaPhone và MobiFone có cùng công suất phát sóng và mục tiêu phủ sóng, cũng cho biết: Chi phí đầu tư cho 5G rất lớn, gấp 4 - 5 lần so với việc đầu tư cho 4G.

Ông Hoàng Đức Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật toàn cầu, Tổng Công ty Mạng lưới Viettel chia sẻ rằng không chỉ cần sử dụng nhiều công nghệ hơn, đơn giá trạm 5G cũng đang cao hơn rất nhiều so với 4G. Cùng với đó, trạm BTS cho 5G cần kích thước lớn hơn, chịu tải cho khối lượng thiết bị nhiều hơn, chi phí điện trên một trạm cao hơn. Do vậy, nhà mạng phải cải tạo cột, cải tạo điện từ 1 pha sang 3 pha thì mới dựng được trạm 5G.

viettel 5g.jpg

Mặc dù còn nhiều khó khăn trong bước đầu triển khai, Chính phủ xác định 5G là xu hướng không thể đảo ngược, ngay tại Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, Chính phủ nêu rõ: “Mạng băng rộng di động 5G phủ sóng 99% dân số. Đến năm 2030, 100% người sử dụng có khả năng truy nhập cáp quang với tốc độ 1Gb/s trở lên; mạng băng rộng di động 5G phủ sóng 99% dân số; xây dựng, bảo đảm năng lực, sẵn sàng triển khai thử nghiệm mạng di động 6G”.

Với khả năng kết nối hàng tỉ thiết bị, truyền tải lượng dữ liệu khổng lồ, mạng 5G mở ra tiềm năng cho vô số ứng dụng mới và cách mạng nhiều ngành công nghiệp khác nhau. 5G sẽ mở ra kỷ nguyên số với nhiều ứng dụng công nghệ tiên tiến, khả năng kết nối siêu nhanh và ổn định, tạo ra cơ hội mới cho sự phát triển và ứng dụng của công nghệ trong xã hội.

Beige Green Vintage Watercolor Creative Portfolio Presentation.png

Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, Viettel đã triển khai hơn 6.000 trạm thu phát sóng 5G chỉ sau 6 tháng kể từ khi nhận giấy phép (ngày 15/4) và ra mắt nhiều gói cước để giúp khách hàng cảm nhận lợi thế khác biệt của 5G.

Ông Tào Đức Thắng khẳng định đó là nỗ lực và quyết tâm rất lớn của Viettel để Việt Nam tiếp tục trong nhóm các quốc gia dẫn đầu trên thế giới về thương mại hóa 5G.

“Quan điểm nhất quán của Viettel là đưa sóng đến mọi người dân và phát triển hạ tầng, dịch vụ 5G rộng khắp tới 100% tỉnh, thành phố, các khu công nghiệp, trung tâm nghiên cứu, nhà ga, cảng biển, sân bay,… và nhanh chóng cung cấp hệ sinh thái dịch vụ, ứng dụng phong phú cho mạng 5G để khai phá hiệu quả và đưa công nghệ mới này vào các hoạt động kinh tế - xã hội, đặc biệt là tạo chuyển dịch cho các ngành như sản xuất, y tế, giáo dục, giao thông, logistics,… góp phần mở rộng không gian tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế”, ông Thắng nói.

5G3.png
Người dùng tham gia trải nghiệm dịch vụ 5G.

Viettel cũng là nhà mạng đầu tiên triển khai thương mại hóa 5G tại 63 tỉnh, thành phố, với các thiết bị do Viettel nghiên cứu, sản xuất.

Với việc làm chủ nhiều hệ thống mạng lõi quan trọng do Viettel triển khai, Việt Nam đã gia nhập top 5 nước đầu tiên sản xuất được thiết bị mạng 5G, sau Thụy Điển, Phần Lan, Trung Quốc và Hàn Quốc...

Tại thời điểm ra mắt dịch vụ 5G, Viettel công bố 19 gói cước 5G cho người dùng cá nhân, trong đó có 11 gói trả trước và 8 gói trả sau. Cước phí tháng có giá khởi điểm từ 135.000 đồng (lượng data 4GB/ngày) đến 480.000 đồng cho người dùng trả trước; và từ 200.000 đồng đến 2 triệu đồng cho trả sau.

Mỗi gói cước bao gồm các quyền lợi khác nhau, ngoài dung lượng Internet còn có ưu đãi khi gọi điện nội và ngoại mạng, chơi game, truy cập mạng xã hội hoặc xem truyền hình, lưu trữ.

Lãnh đạo Tổng Công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) cho biết thêm, trước mắt, 5G không chỉ phục vụ khách hàng cá nhân mà 5G sẽ phục vụ cho cả khách hàng doanh nghiệp, chính quyền, cơ quan nhà nước,... để phát triển kinh tế xã hội, phục vụ các nền tảng số để phát triển kinh tế số, xã hội số và chính phủ số.

“Tất nhiên, trước 5G đã có những nền tảng khác để phát triển. Nhưng ưu thế công nghệ của 5G sẽ thúc đẩy quá trình phát triển nhanh hơn, tiện lợi hơn, sớm hơn. Viettel Telecom đặt mục tiêu phủ sóng 5G tới hơn 90% người dân ở khu vực thành thị trong giai đoạn khai trương 5G”, đại diện Viettel Telecom nói.

Đối với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), việc khai trương dịch vụ 5G là trọng tâm hoạt động trong năm 2024. Đại diện VNPT cho biết, sau khi khai trương 5G của VNPT VinaPhone sẽ mở rộng nhanh chóng vùng phủ sóng rộng khắp toàn quốc.

Mạng 5G của VNPT không chỉ hướng đến các khách hàng cá nhân và dịch vụ truyền thống như trước đây, mà còn được triển khai ưu tiên cho các khu vực kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp để phục vụ nhu cầu sản xuất thông minh, tự động hóa và Internet vạn vật (IoT). Việc triển khai 5G sẽ cải thiện chất lượng dịch vụ đang cung cấp, đưa ra dịch vụ mới vượt trội về trải nghiệm bởi sự tận dụng tối đa những năng lực thực sự của 5G, từ đó giúp VNPT có được những nguồn doanh thu mới.

Theo kế hoạch, đến hết năm 2024, VNPT sẽ hoàn thành lắp đặt trên 3.000 trạm phát sóng VinaPhone 5G nhằm đảm bảo phủ sóng ổn định và liên tục, đặc biệt tại các khu vực đô thị và trung tâm kinh tế lớn trên toàn quốc.

Mặc dù chưa ra mắt nhưng VinaPhone đã cho thuê bao được trải nghiệm 5G siêu tốc miễn phí với 50GB data, sử dụng trong 30 ngày, đến 15/11. Khi hoạt động tại các khu vực đã có sóng 5G, thuê bao VinaPhone sẽ nhận được tin nhắn thông báo mời trải nghiệm dịch vụ miễn phí.

5g vinaphone.jpg
Người dùng VinaPhone trải nghiệm 5G siêu tốc miễn phí với 50GB data, sử dụng trong 30 ngày, đến 15/11.

Còn theo đại diện Tổng công ty Viễn thông MobiFone, dự kiến từ tháng 11, các thuê bao của MobiFone bắt đầu trải nghiệm dịch vụ 5G. MobiFone sẽ tăng cường hiệu quả triển khai 5G bằng việc hợp tác dùng chung với nhà mạng có cùng tần số cung cấp dịch vụ và với các doanh nghiệp nước ngoài.

MobiFone đầu tư thiết bị phát sóng và xây dựng vùng phủ sóng cùng các chương trình kinh doanh và dịch vụ 5G. Đồng thời, hợp tác chia sẻ hạ tầng với các nhà mạng khác cũng đang được triển khai nhằm tối ưu hóa nguồn lực và mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

Đại diện MobiFone cho biết sẽ ra mắt các sản phẩm, dịch vụ 5G đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đảm bảo chất lượng đường truyền ổn định, nhanh chóng, tạo ra những trải nghiệm 5G an toàn, giúp khách hàng tận hưởng công nghệ tiên tiến một cách trọn vẹn.

Nền tảng công nghệ này mang đến cho các khách hàng cá nhân, tổ chức các dịch vụ chất lượng với trải nghiệm khác biệt như: Online Gaming (bao gồm game online, offline, cloud gaming, VR Game, livestream gaming, data IP game…); Smart port, Smart Factory (cung cấp khi triển khai 5G SA với các case về xe tự hành AGV, xe nâng, cần cẩu tự hành, Video surveillance, AR, drone control, Push-to-talk… ứng dụng private network, SA Slicing)..

Hệ sinh thái MobiEdu - Ứng dụng và nội dung học tập, giải pháp trường học trực tuyến; Nền tảng VN-MOOC mobiEdu; Hệ sinh thái Y tế số, Nông nghiệp số; Digital Content (cung cấp video chất lượng 4K, 8K, nghe nhạc chất lượng cao hifi music, truyền hình, VOD, ...); Áp dụng công nghệ thực tế ảo/ thực tế tăng cường/ thực tế hỗn hợp tăng cường trong du lịch thông minh, giáo dục - đào tạo, bán lẻ, trò chơi, quảng cáo, bất động sản,...

Beige Green Vintage Watercolor Creative Portfolio Presentation.png

Trả lời cho câu hỏi khi nào nên nâng cấp lên 5G, một chuyên gia của Học viện Bưu chính - Viễn thông nói với VietTimes rằng người dùng không nên chạy đua theo công nghệ. Việc tiếp tục dùng mạng 4G hay chuyển đổi lên 5G phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng và điều kiện tài chính cụ thể của mỗi cá nhân. Nếu chỉ đơn thuần là người dùng phổ thông, chỉ có nhu cầu nhắn tin và thực hiện cuộc gọi qua OTT (qua Zalo, Messenger, Viber,...) hay truy cập Facebook, TikTok, lướt web, thì 4G vẫn là lựa chọn hợp lý.

nguoi dung 5G tre.jpg
Chuyên gia cho rằng người dùng phổ thông không nhất thiết phải nâng cấp lên 5G, tránh lãng phí.

“Nguyên nhân là vì mạng 5G của cả 3 nhà mạng sẽ đều tồn tại nhiều hạn chế do đang ở giai đoạn đầu triển khai. Trong đó, phải kể tới việc các thiết bị 5G chưa phổ biến, thường có giá cao hơn đáng kể so với thiết bị 4G do yêu cầu công nghệ và phần cứng cao hơn; Khu vực phủ sóng 5G tập trung ở các thành phố lớn; Chi phí mua sắm smartphone 5G và giá cước dữ liệu đều khá cao so với thu nhập trung bình của người dân Việt Nam”, chuyên gia này nói thêm.

Tuy vậy, nếu người dùng cần tốc độ Internet di động cực cao để tải dữ liệu lớn thường xuyên hoặc là người yêu thích công nghệ, cần sử dụng những ứng dụng công nghệ mới nhất như VR, AR, cloud gaming, video 8K, thì nên cân nhắc nâng cấp lên mạng 5G.

Cuối năm 2020, cả 3 ông lớn viễn thông, gồm Viettel, VinaPhone và Mobifone đã thử nghiệm mạng 5G. Đến tháng 3/2024, khi quá trình thử nghiệm chín muồi, Viettel và VNPT đấu giá thành công băng tần triển khai 5G, còn MobiFone giành quyền khai thác băng tần 5G vào tháng 7/2024.

Theo quy định, doanh nghiệp trúng đấu giá phải triển khai dịch vụ trong vòng 12 tháng kể từ ngày được cấp phép và sau 2 năm phải có tối thiểu 3.000 trạm phát sóng 5G.

5G không chỉ là bước tiến về tốc độ mạng mà còn mở ra kỷ nguyên mới cho sự phát triển của các ngành, các lĩnh vực, đặc biệt là ngành ngân hàng và Fintech, các ngành quảng cáo, marketing, kỹ thuật điện - điện tử,…

Trong bài 2: “5G thúc đẩy phát triển kinh tế số như thế nào?” của tuyến bài "Bứt phá phát triển kinh tế số từ “Đường sắt cao tốc” 5G", VietTimes sẽ phân tích cụ thể về tác động của 5G đối với nhiều ngành kinh tế từ góc nhìn của chính những người trong cuộc.

IMG_4734.png