Theo Bộ Y tế, Tổ hội chẩn gồm 30 thành viên, do PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 - giữ vai trò chỉ đạo chung.
GS.TS. Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam - được Bộ Y tế giao làm Tổ trưởng, có trách nhiệm điều hành Tổ hội chẩn, chịu trách nhiệm về các chỉ định điều trị, chăm sóc đối với các ca bệnh diễn biến nặng, nguy kịch.
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê cập nhật tình hình dịch COVID-19 và hướng dẫn điều trị. Ảnh: Thanh Hằng
|
Bộ Y tế cũng đã giao GS.TS. Ngô Quý Châu- Quyền Chủ tịch Hội đồng Quản lý Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam - làm Tổ phó. Các thành viên còn lại của Tổ hội chẩn là các chuyên gia về Hồi sức tích cực, Cấp cứu, Truyền nhiễm, Vi sinh, Dinh dưỡng, Dược,… của các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa đầu ngành như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương; Bệnh viện Chợ Rẫy.
Theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Tổ hội chẩn có nhiệm vụ theo dõi tình hình diễn biến của từng ca bệnh mắc COVID-19, tiến hành hội chẩn trực tiếp hoặc trực tuyến ngay theo đề xuất của bệnh viện có ca bệnh nặng, nguy kịch, đồng thời, đưa ra khuyến cáo, phương án chăm sóc, điều trị hiệu quả nhất cho từng ca bệnh; đề xuất những trang thiết bị cần thiết để hỗ trợ điều trị.
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19- chủ trì một phiên hội chẩn. Ảnh: Thanh Hằng
|
Tổ Hội chẩn hoạt động theo nguyên tắc thảo luận tập thể, Tổ trưởng sẽ quyết định phương án chăm sóc, điều trị theo đa số để đạt hiệu quả điều trị cao nhất.
Các thành viên của Tổ Hội chẩn sẽ trực tiếp liên hệ, trao đổi thường xuyên tình hình diễn biến của bệnh nhân qua mọi hình thức (điện thoại, email,...) để kịp thời xử lý các tình huống diễn biến của bệnh nhân.
Tính đến sáng ngày 20/3, Việt Nam đã ghi nhận 85 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 16 ca điều trị khỏi.