Tiền Facebook là tiền gì?

Thông tin mạng Facebook tuyên bố sẽ tung ra một loại tiền kỹ thuật số thu hút sự chú ý của mọi người. Đáng tiếc thông cáo báo chí và các bản tin tường thuật chủ yếu nhìn vào đồng tiền này từ góc độ nhà đầu tư, giới quản lý hay nhà phân tích nên khá mơ hồ và khó hiểu. Nếu nhìn từ góc độ người dùng Facebook thì như thế nào?
Facebook tuyên bố sẽ tung ra một loại tiền kỹ thuật số có tên gọi là Libra.
Facebook tuyên bố sẽ tung ra một loại tiền kỹ thuật số có tên gọi là Libra.

Làm sao sử dụng đồng Libra?

Gọi cho chính xác đồng tiền này tên là Libra chứ không phải tiền Facebook. Người dùng muốn có tiền Libra sẽ dùng đồng tiền của nước họ để mua. Đồng đô-la, euro, yen… bỏ ra để mua Libra sẽ được đưa vào ngân hàng và để nằm yên đó. Như thế Libra sẽ được bảo chứng bởi đủ loại tiền tệ chính thức nên giá trị sẽ neo vào rổ các đồng tiền này, giá trị của nó sẽ không giao động mạnh như Bitcoin nên sẽ không được dùng làm nơi đầu cơ mà chỉ dùng trong thanh toán.

Nhờ phương pháp chuyển đổi này nên người ta có thể tạo ra một lượng Libra không hạn chế chứ Bitcoin thì chỉ tạo được 21 triệu là hết. Tạo ra đồng Libra mới cũng không cần sử dụng công nghệ đào tiền như với Bitcoin nên không tiêu thụ lượng điện khổng lồ và giao dịch được ghi nhận ngay chứ không chậm như với đồng Bitcoin.

Facebook và 27 đối tác sẽ là những nơi đầu tiên phát hành Libra cho khách hàng. Riêng Facebook sẽ tạo ra một công ty con tên là Calibra để lo chuyện phát hành này và các dịch vụ khác về sau. Các đối tác ban đầu có thể kể đến PayPal, Spotify, Visa, Booking, Uber, eBay… Các nơi này có thể thuyết phục khách hàng sẵn có của họ mở ví Libra, thời gian đầu có thể khuyến mại tặng một số tiền Libra nào đó vào ví cho sẵn.

Khi có tiền Libra rồi, khách sẽ sử dụng nó trước tiên để thanh toán cho dịch vụ nào chấp nhận Libra như trả tiền xe Uber, trả tiền mua hàng eBay, trả tiền nghe nhạc Spotify hay trả tiền quảng cáo trên Facebook. Khách hàng cũng sẽ dễ dàng chuyển tiền Libra cho bất kỳ ai có ví trên toàn thế giới hầu như ngay tức khắc.

Vì sao Facebook nghĩ Libra sẽ thành công?

Nếu dùng Libra như vậy cũng không khác gì PayPal vì với PayPal chúng ta có thể chuyển tiền cho nhau và dùng để chi trả đủ loại dịch vụ. Cái khác quan trọng nhất là vì toàn thế giới dùng chung một đồng tiền Libra nên sẽ không chịu phí chuyển đổi ngoại tệ, thường là khá cao và có nhiều ràng buộc.

Phí chuyển tiền cho nhau khi sử dụng PayPal hay các dịch vụ khác cũng khá cao. Sử dụng Libra theo Facebook sẽ ít hay hầu như không tốn phí; thử tưởng tượng 2,7 tỷ người dùng hai dịch vụ của Facebook là Messenger và WhatsApp nay có khả năng chuyển tiền cho nhau trong nháy mắt! Các nhà đầu tư ban đầu của dự án này trông chờ hưởng lợi từ lãi suất phát sinh từ lượng tiền nằm trong ngân hàng bảo chứng cho Libra.

Cũng như một ngân hàng bình thường, nơi phát hành ví Libra sẽ ghi nhận giao dịch của khách để biết họ đã tiêu hết bao nhiêu, còn lại bao nhiêu trong ví chứ nếu không, khách có 100 Libra mà đem đi xài cả chục nơi mua hàng ngàn món hàng thì sao. Nhưng khác với ngân hàng dùng sổ sách theo nghĩa thông thường, các nơi tham gia mạng lưới Libra sẽ dùng công nghệ Blockchain, tức duy trì một cơ sở dữ liệu ai ghi vào rồi thì không sửa đổi được nữa. Công nghệ Blockchain sẽ giúp đồng tiền Libra được bảo mật tốt, chi phí duy trì thấp nên có thể tính phí cho người dùng rất thấp.

Các đối tác theo tin các báo sẽ đầu tư chừng 10 triệu đô-la mỗi người vào dự án Libra. Dự án này dự trù sang năm khi chính thức tung đồng Libra ra thị trường sẽ có 100 đối tác và chừng 1 tỷ đô-la vốn mồi để tung Libra tặng khách hàng trước khi dụ họ bỏ tiền ra mua. Nếu được cho phép hoạt động chắc chắn Libra sẽ có một lượng người dùng lớn ngay tức khắc.

Vì sao người ta nghi ngại Libra như từng nghi ngại Facebook?

Facebook và các đối tác nói họ sẽ tung đồng Libra ra thị trường vào năm 2020 nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng đồng tiền này sẽ vượt qua khá nhiều rào cản trước khi trở thành hiện thực. Đầu tiên là tìm các ngân hàng sẵn lòng nắm giữ các loại đồng tiền mà khách hàng sẽ sử dụng để mua Libra.

Thứ hai là thuyết phục các cơ quan quản lý ở các nước đồng ý cho loại tiền kỹ thuật số này lưu hành. Từ một đồng tiền như Libra, các nơi như Facebook dễ dàng nhảy vào lãnh vực tài chính như cho vay bằng Libra, nhận đầu tư bằng Libra chẳng khác gì một ngân hàng nhưng có đến 2,7 tỷ khách hàng.

Không dễ gì các nước chấp nhận một viễn cảnh như thế. Nói cách khác Facebook hiện hoạt động như một tờ báo công dân khổng lồ đã đem lại nhiều nhức đầu cho giới quản lý huống hồ gì để nó hoạt động như một ngân hàng trung ương lẫn ngân hàng thương mại nữa.

Mặc dù Facebook cam kết tách biệt hoàn toàn khỏi việc vận hành đồng tiền này nhưng qua các vụ xì-căng-đan lộ thông tin người dùng, mấy ai dám tin trao tiền cho Facebook giữ. Trước mắt Facebook và các đối tác thành lập một tổ chức phi lợi nhuận nằm ở Thụy Sĩ tên gọi là Libra Association để thiết kế cơ chế vận hành đồng tiền kỹ thuật số này. Riêng Facebook thì sẽ mở ví cho người dùng Messenger và WhatsApp.

Những người thích đồng tiền mã hóa như Bitcoin thường vì hai lý do: đầu cơ hưởng lợi và dùng nó để mua hàng trên thế giới ngầm như mua vũ khí hay ma túy. Để mở ví Libra người dùng Facebook phải trưng giấy tờ chứng minh như bằng lái xe – thế thì không còn trốn tránh mua hàng phi pháp như Bitcoin nữa và đầu cơ cũng càng không vì Libra dựa vào giá trị của một rổ tiền thật nên giá trị sẽ ít giao động.

Libra là một canh bạc mới của Facebook. Do bị đe dọa điều tra tội độc quyền ở nhiều nước, gần đây nhất là ở chính Mỹ, Facebook phải tính trước khả năng bị chẻ nhỏ. Bảo vệ thông tin người dùng làm cho tốt, không quét thông tin người dùng để bán cho nhà quảng cáo nữa thì doanh thu quảng cáo nhắm đến đúng người dùng sẽ giảm. Mở rộng hoạt động ra lãnh vực khác là con đường duy nhất để phát triển cho Facebook. Ở Trung Quốc các mạng xã hội lớn đều đã có hệ thống chi trả riêng của mình như WeChat Pay hay Ali Pay. Vấn đề là liệu Facebook chuyển đổi, mở rộng mô hình kinh doanh có thành công hay không.

Theo TBKTSG

Link gốc: https://www.thesaigontimes.vn/td/290261/tien-facebook-la-tien-gi.html