Tiền mã hóa Libra sắp ra mắt của Facebook: mừng nhiều, lo cũng không ít

VietTimes – Vào thứ Ba 18/6, Facebook đã công bố một kế hoạch đầy tham vọng về việc ra mắt loại tiền mã hóa mới có tên Libra. Tuy nhiên, việc triển khai loại tiền điện tử này cũng dấy lên mối lo ngại về quyền riêng tư.
Hiệp hội Libra có sự tham gia của 28 công ty đứng đầu là Facebook. Ảnh: Now The End Begins
Hiệp hội Libra có sự tham gia của 28 công ty đứng đầu là Facebook. Ảnh: Now The End Begins

“Gã khổng lồ mạng truyền thông xã hội” đã cùng với 28 đối tác khác tiêu biểu như Mastercard, PayPal và Uber…  đã thành lập Hiệp hội Libra, một tổ chức có trụ sở tại Geneva với mục đích quản lý đồng tiền mã hóa mới. Theo Reuters, không có tên ngân hàng nào nằm trong danh sách các thành viên của Hội Liabra.

Để tạo điều kiện cho các giao dịch diễn ra thuận lợi, Facebook cũng tạo ra Calibra, một công ty con chuyên cung cấp ví điện tử để sao lưu, gửi và chi tiêu cho Libra. Calibra cũng sẽ được kết nối với nền tảng nhắn tin Messenger và WhatsApp.

Hệ thống tiền mã hóa mới của Facebook dự kiến sẽ chính thức ra mắt vào nửa đầu năm 2020. Hiệp hội Libra hy vọng rằng hệ thống tiền điện tử mới của họ sẽ tạo nên một bước đột phá trong giao dịch tài chính trên toàn cầu, giúp quá trình thanh toán giao dịch nhanh chóng và thuận tiện hơn.

Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters

Facebook cũng đang kỳ vọng Libra sẽ tạo ra nhiều doanh thu hơn trong danh sách các ứng dụng của mình. Libra là một từ có nguồn gốc ngôn ngữ La Mã cổ đại dùng để đo trọng lượng và nói về sự tự do và công lý, David Marcus, người đứng đầu dự án tiền mã hóa của Facebook cho biết.


“Tự do, công lý và tiền bạc, đó chính xác là những gì chúng tôi đang cố gắng làm trong dự án này”, ông Marcus nói trong một cuộc phỏng vấn. Cổ phiếu Facebook đã tăng 0,1% sau tuyên bố sẽ cho ra mắt tiền mã hóa.

Tuy nhiên, những lo ngại về quyền riêng tư của người dùng và các rào cản pháp lý có thể sẽ cản trở nỗ lực đưa tiền Libra phát triển trên quy mô toàn cầu.

Trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh Châu Âu, Bộ trưởng tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết các giao dịch liên quan đến tiền Libra sẽ cho phép Facebook thu thập hàng triệu dữ liệu của người dùng.

Ông Le Maire cho biết ông đã yêu cầu người đứng đầu ngân hàng trung ương các nước trong nhóm G7 điều tra về tiền mã hóa vào giữa tháng 7 năm ngoái.

Sau khi Facebook đưa ra tuyên bố sẽ cho ra mắt tiền mã hóa Libra, nhiều nhà lập pháp và các nhà quản lý của nhiều quốc gia đã đưa ra những bình luận quan trọng về vấn đề này. Một nhà lập pháp cấp cao của Mỹ đã yêu cầu Facebook ngừng phát triển mã hóa và phải điều trần trước Quốc hội.

Thời gian gần đây, Facebook đang phải đối mặt với một loạt các cáo buộc vi phạm dữ liệu người dùng và đăng tải thông tin sai lệch. Facebook còn bị tố cáo đã không làm hết trách nhiệm và để Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Nhiều quan chức cao cấp trong chính phủ Mỹ đã đề nghị giải tán Facebook vì những sai phạm của “gã khổng lồ công nghệ”.

Tiền mã hóa -  Ngành kinh doanh ít chịu sự kiểm soát nhất

Facebook đang lấn sân sang một lĩnh vực tài chính ít chịu sự kiểm soát nhất. Tuy nhiên, đây có phải là một quyết định thông minh hay không thì phải đợi thời gian xem xét bới Facebook hiện vẫn đang nằm trong tầm ngắm của các nhà quản lý vì nhiều lý do như quyền riêng tư, độc quyền…

Bitcoin là đồng tiền mã hóa nổi tiếng nhất được tạo ra vào năm 2008, được kiểm soát bởi chính phủ và ngân hàng trung ương. Mặc dù một số quốc gia đã tìm ra cách để điều tiết thị trường này, nhưng giao dịch tiền điện tử vẫn rất khó kiểm soát.

Có trường hợp nhiều nhà đầu tư đã mất hàng trăm triệu USD vì những thời điểm giảm giá mạnh và các vụ hacker trộm tiền từ các sàn giao dịch lớn. Thị trường tiền mã hóa cũng phải đối mặt với các cáo buộc rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Nhưng với vị thế và tầm ảnh hưởng của Facebook, rất có khả năng hãng này sẽ giúp tiền mã hóa hợp pháp hóa và giải quyết nốt những vấn đề còn tồn đọng.

Ảnh: The New York Times
Hiện tại, không có ngân hàng nào trong danh sách các thành viên của Libra. Ảnh: The New York Times

Một số thành viên tiêu biểu khác của Hiệp hội Libra gồm: Visa, Spotify, eBay và Vodafone, cũng như các công ty đầu tư mạo hiểm như Andreessen Horowitz. Hội hy vọng sẽ có 100 thành viên trong tương lai. Các công ty muốn tham gia hội phải đầu tư ít nhất 10 triệu USD. Đây thực sự là một cuộc đầu tư mạo hiểm.


Hiện tại, Facebook vẫn giữ vai trò lãnh đạo Hiệp hội tiền mã hóa này. Mặc dù không có sự tham gia của các ngân hàng lớn nhưng một số cuộc thảo luận giữa các ngân hàng và Hội đã được tiến hành, Jorn Lambert, Phó chủ tịch điều hành cho các giải pháp kỹ thuật số tại Mastercard cho biết.

Nhiều nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi phản ứng từ các nhà quản lý và người dùng trước khi đưa ra quyết định có nên tham gia hay không, ông Jorn Lambert nói.

Theo Reuters