Trao đổi với VietTimes, bác sĩ Lê Thị Kiều Dung - cố vấn chuyên môn Khoa Phụ sản, BV Đại học Y Dược TP.HCM - cho biết: "Thuyên tắc ối là một biến chứng sản khoa nguy hiểm, hiện nay chưa có biện pháp ngăn ngừa, dự phòng. Khi bị thuyên tắc ối, nước ối đi vào tuần hoàn, gây ra một loạt các phản ứng sinh hóa, gây ngưng tim, ngưng thở khiến bệnh nhân tử vong rất nhanh".
Theo cơ chế bình thường của cơ thể, nước ối sẽ hoàn toàn nằm trong buồng ối, không đi vào tuần hoàn của người mẹ. Nếu vách ngăn cách giữa khoang ối và tuần hoàn của người mẹ bị phá vỡ, nước ối sẽ đi vào hệ hống tĩnh mạch và gây ra các phản ứng sinh hóa nguy hiểm. Lúc này, nước ối tác động như một dị vật trong dòng máu và giải phóng nhiều chất trung gian nội sinh như histamin, bradykinin, cytokin, prostaglandin, leukotrien, thromboxan... gây nguy hiểm đến tính mạng.
Theo tờ Healthline, thuyên tắc ối là biến chứng sản khoa hiếm gặp. Ước tính tại Bắc Mỹ chỉ có khoảng 1/40.000 trường hợp và tại châu Âu chỉ có 1/53.800 trường hợp. Tuy nhiên, đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho cả mẹ và con.
Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An - Nơi xảy ra vụ việc mẹ con sản phụ bị tử vong
|
Biến chứng thuyên tắc ối có thể xảy ra trong quá trình chuyển dạ hoặc ngay khi sinh, sau khi sinh ở cả hai trường hợp sinh thường và sinh mổ. Một số ít trường hợp sản phụ bị thuyên tắc ối trong quá trình phá thai, chọc ối (lấy mẫu ối để làm xét nghiệm).
Khi bị thuyên tắc ối, bệnh nhân bị ngưng tim và suy hô hấp nhanh chóng dẫn đến hôn mê, huyết áp, phù phổi, choáng, mất ý thức, co giật,… Tất cả những triệu chứng trên chỉ diễn ra trong vòng vài phút, dẫn đến nguy cơ tử vong rất cao.
Chia sẻ về các trường hợp sản phụ bị thuyên tắc ối, bác sĩ Lê Thị Kiều Dung bày tỏ: "Trong nhiều năm làm nghề, tôi đã gặp nhiều sản phụ bị thuyên thắc ối, rất đau lòng. Trước đó, sản phụ và thai nhi đều đang khỏe mạnh nhưng vào phòng sinh thì lại bị tử vong nên gia đình nạn nhân rất hoang mang.
Với các trường hợp này, chúng tôi đều thành lập hội đồng y khoa, giám định pháp y để kết luận nguyên nhân gây ra sự việc. Sau đó, chúng tôi cố gắng giải thích nguyên nhân và chia sẻ cùng gia đình nạn nhân".
Ngày 19/11, thai phụ H.T.M. (sinh năm 1992, ở Nghệ An) đến BV Đa khoa huyện Quỳnh Lưu để sinh em bé. Nhận thấy mạch, huyết áp của sản phụ ổn định, tim thai 140L/phút, cổ tử cung mở 8cm, bác sĩ chỉ định đẻ chỉ huy. Khi đang rặn đẻ, sản phụ đột ngột ngưng thở, toàn thân tím tái và mất dần ý thức. Ê kíp bác sĩ nhanh chóng cấp cứu ngừng tuần hoàn cho sản phụ, hội chẩn gấp và quyết định mổ lấy thai ngay. Tuy thai nhi đã 40 tuần nhưng ngay khi rời khỏi mẹ, em bé (đạt cân nặng hơn 3kg) đã bị tử vong. Ngay sau đó, bác sĩ đã chuyển sản phụ đến BV Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cấp cứu. Trong quá trình xảy ra vụ việc, người nhà bệnh nhân bao vây phòng điều trị. Một số người đã quay video trực tiếp phát trên mạng xã hội với nội dung “bác sĩ làm chết người”. Ngày 20/11, Bộ Y tế đã có công văn khẩn yêu cầu Sở Y tế tỉnh Nghệ An chỉ đạo sát sao vụ sản phụ H.T.M (sinh năm 1992, Nghệ An) sinh con tại BV Đa khoa huyện Quỳnh Lưu nhưng em bé bị tử vong. Đồng thời, Bộ Y tế yêu cầu BV Đa khoa huyện Quỳnh Lưu thành lập Hội đồng Chuyên môn tìm ra nguyên nhân vụ việc. Sau nhiều ngày điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa Hữu Nghị (Nghệ An), rạng sáng ngày 23/11, sản phụ H.T.M đã trút hơi thở cuối cùng. Thi thể sản phụ được đưa về BV Đa khoa huyện Quỳnh Lưu để tiến hành công tác khám nghiệm tử thi. Đến ngày 25/11, cơ quan chức năng cho biết công tác khám nghiệm tử thi đã hoàn thành. |