Ý tưởng sản xuất bắt nguồn từ thực tế
Chia sẻ với PV VietTimes, ThS. BS. Nguyễn Trung Cấp cho biết: “Tôi đã trao đổi ý tưởng sản xuất một thiết bị thở oxy để hỗ trợ quá trình điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 với ông Nguyễn Tử Quảng - CEO của Tập đoàn công nghệ BKAV”.
Theo BS. Cấp, ý tưởng sản xuất thiết bị thở oxy bắt nguồn từ thực tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. Thực tế cho thấy, có tới 80% bệnh nhân mắc COVID-19 xuất hiện các biểu hiện, triệu chứng bệnh nhẹ, các bác sĩ chủ yếu điều trị về mặt triệu chứng (sốt, ho, khó thở), chỉ 20% bệnh nhân có diễn biến bệnh nặng. Trong số 20% bệnh nhân diễn biến bệnh nặng, có khoảng 8% bệnh nhân phải thở máy, 11-12% bệnh nhân còn lại không phải thở máy nhưng vẫn phải hỗ trợ thở oxy.
Với những bệnh nhân này sẽ có một loạt các phương án được đưa ra trong quá trình điều trị. Những bệnh nhân mắc COVID-19 nặng phải thở máy sẽ dùng đến máy thở còn những bệnh nhân có biểu hiện bệnh nhẹ chưa phải thở máy, phải cung cấp thở oxy thì có thể sử dụng biện pháp hỗ trợ oxy ở các mức độ khác nhau.
Bác sĩ khám bệnh cho bệnh nhân mắc COVID-19. Ảnh: Minh Thúy
|
BS. Cấp nhấn mạnh có 3 nhóm bệnh nhân mắc COVID-19 gồm: Những bệnh nhân mắc bệnh nhẹ không cần phải điều trị gì, bệnh nhân mắc bệnh nặng phải thở máy và bệnh nhân chưa đến mức thở máy nhưng phải thở oxy. Thiết bị thở oxy được sử dụng cho nhóm bệnh nhân thứ 3 - bệnh nhân chưa đến mức thở máy nhưng phải thở oxy.
“Thiết bị mà tôi lên ý tưởng và anh Quảng sản xuất là một loại thiết bị thở oxy chứ không phải là máy thở, không thay thế máy thở. Hiện không có khái niệm máy trợ thở bởi trong giáo trình thở máy không hề có khái niệm này”. – BS. Cấp nói.
BS. Cấp cũng cho hay, hiện thiết bị thở oxy này chưa được phê duyệt, kiểm định và thử nghiệm trên thực tế và chưa sử dụng cho bệnh nhân mắc COVID-19 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Hiệu quả hơn máy thở
Ông Nguyễn Tử Quảng - CEO của Tập đoàn BKAV – cho hay: “Những ngày còn trong tâm dịch tại Việt Nam, khi tôi quyết định BKAV sẽ sản xuất máy thở, BS. Nguyễn Trung Cấp đã nhắn tin cho tôi về việc có thể sản xuất một hệ thống trợ thở còn hiệu quả hơn máy thở cho điều trị COVID-19. BS. Cấp là Trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - người trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19.”
Sau quá trình nghiên cứu, đến hôm nay ngoài máy thở sử dụng thiết kế của Medtronic, BKAV đã hoàn thành nguyên mẫu của hệ thống trợ thở HFNC với tên gọi BAC385. Đây là sản phẩm có thiết kế riêng của BKAV và các bác sỹ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Hệ thống trợ thở BAC385. (Ảnh: CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng)
|
BAC385 không chỉ dùng cho điều trị COVID19, máy còn dùng cho điều trị các bệnh hô hấp cấp khác, vốn đang còn thiếu ở các cơ sở y tế trên cả nước.
Theo ông Quảng, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam là nước điều trị COVID-19 hiệu quả hàng đầu thế giới. Trong quá trình nghiên cứu sản xuất máy thở, cũng như trao đổi với BS. Nguyễn Trung Cấp, ông Quảng nhận thấy Việt Nam đã thực sự sở hữu "bí kíp" điều trị bệnh nhân COVID-19 thể nặng. Trong khi các nghiên cứu chỉ ra, nhiều nước đã có sai lầm trong việc sử dụng các loại máy thở.
Hệ thống trợ thở HFNC với tên gọi BAC385 có thiết kế riêng của Bkav và các bác sỹ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. (Ảnh: CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng)
|
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức một sự kiện quốc tế để các bác sỹ chia sẻ "bí kíp" này cho các nước trên thế giới đang có dịch COVID-19, cũng như sẵn sàng sản xuất máy thở phi lợi nhuận cho mục đích chống dịch. Việt Nam có thể tham gia vào việc làm giảm mức độ thiệt hại của dịch bệnh trên thế giới.” – ông Quảng chia sẻ.
CEO của BKAV cũng cho biết: Việt Nam sẽ có đóng góp hữu ích cho thế giới trong cuộc chiến dai dẳng chống COVID-19. Chúng ta thật may mắn khi hiện nay là nước đang sạch bóng COVID-19. Tuy nhiên, trên thế giới thì không như vậy.
Để phục vụ cho dự án sản xuất máy thở, Viện Công nghệ AI của BKAV đã tiến hành nghiên cứu Dự báo diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới.
Dự báo diễn biến dịch cho thấy, dịch COVID-19 sẽ còn diễn biến phức tạp trong tối thiểu 9 tháng nữa. Tổng số ca nhiễm trên toàn thế giới dự báo lên mức 17 triệu, tức là thêm 10 triệu người sẽ nhiễm kể từ lúc này. Tâm dịch tập trung tại Mỹ và Brazil, với dự báo riêng 2 nước này sẽ thêm 4.7 triệu ca nhiễm mới. Tin vui là Việt Nam có thể đóng góp hữu ích cho thế giới trong cuộc chiến còn dai dẳng này.