Cụ ông 75 tuổi nguy kịch vì nằm điều hòa 24/24
Trao đổi với PV VietTimes, TS. BS. Trần Quang Thắng – Trưởng Khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương – cho biết, mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 vẫn còn, nhưng không vì thế mà Bệnh viện Lão khoa Trung ương giảm số lượng bệnh nhân tới thăm khám, điều trị. Tỷ lệ bệnh nhân đến khám vẫn tăng khoảng gần 150%, mỗi ngày có hơn 30 bệnh nhân vào viện trong tình trạng cấp cứu.
Thực tế, hầu hết bệnh nhân là người cao tuổi đến khám bệnh và đều có diễn biến bệnh nặng hơn so với bình thường do nắng nóng và tâm lý e ngại đến bệnh viện để điều trị. Tại Khoa Cấp cứu, số bệnh nhân đến viện ở mức độ nặng như hôn mê vì tai biến mạch máu não, viêm phổi, suy hô hấp phải thở máy cao hơn bình thường.
Bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân thở máy (Ảnh: Minh Thúy)
|
Điển hình là trường hợp một bệnh nhân 75 tuổi, có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào. Mặc dù đã dùng thuốc đều nhưng trong những ngày thời tiết nắng nóng, bệnh nhân đều nằm trong điều hòa liên tục 24/24h. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng viêm phổi nặng, suy hô hấp. Ngay lập tức, các bác sĩ đã chỉ định bệnh nhân phải thở máy. 3 ngày sau khi được điều trị, bệnh nhân đã ổn định, được bỏ máy ngắt quãng.
Do ảnh hưởng của thời tiết, hôm qua (9/6), Bệnh viện đã tiếp nhận 1 bệnh nhân bị xuất huyết não trên tiền sử bị tăng huyết áp. Bệnh nhân đã uống thuốc kiểm soát huyết áp theo đơn hàng ngày để điều trị. Tuy nhiên, sau khi ra bên ngoài trong lúc nắng nóng, bệnh nhân bị đau đầu dữ dội, nhập viện trong tình trạng hôn mê. Các bác sĩ đã phải đặt ống nội khí quản để bảo vệ đường thở cho bệnh nhân, chụp phim phát hiện bệnh nhân bị xuất huyết não. Ngay sau đó, các bác sĩ đã hội chẩn để tiến hành mổ cho bệnh nhân nhưng tiên lượng bệnh nặng, khó có thể hồi phục.
Không chủ quan với viêm phổi
BS. Thắng cho hay, viêm phổi xảy ra trong thời tiết nắng nóng gồm 2 nhóm bệnh nhân chính là bệnh nhân bị viêm phổi do nằm 1 chỗ phải có hộ lý hỗ trợ hoặc viêm phổi do bật điều hòa ở nhiệt độ quá lạnh. Nhóm thứ 2 là những bệnh nhân có bệnh nền bị viêm phổi, mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Trong 3-4 ngày gần đây, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Lão khoa Trung ương đang điều trị cho 12 bệnh nhân phải thở máy, đều nhập viện trong thời điểm thời tiết nắng nóng thất thường.
Thở máy là 1 trong những biện pháp tránh cho bệnh nhân không bị mệt cơ, được máy hỗ trợ. Thở máy không xâm nhập là phương pháp được khuyến cáo để điều trị cho bệnh nhân mắc phổi tắc nghẽn mãn tính. Nếu bệnh nhân mắc bệnh nặng thì phải đặt ống nội khí quản.
BS. Trần Quang Thắng – Trưởng Khoa Cấp cứu trưởng Khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương thăm khám cho bệnh nhân (Ảnh: Minh Thúy)
|
Cùng với viêm phổi, đột quỵ ở người cao tuổi có thể nguy hiểm tới tính mạng nếu không phát hiện sớm và được xử trí kịp thời.
BS. Thắng nhấn mạnh: Đột quỵ có 2 loại gồm đột quỵ do xuất huyết não và đột quỵ do nhồi máu não. Bệnh nhân đột quỵ do nhồi máu não sẽ được dùng thuốc theo đường tĩnh mạch trong 4,5h còn biện pháp lấy cục máu đông có thể kéo dài tới 6h. Đây có thể được coi là khung giờ vàng trong cấp cứu đối với bệnh nhân đột quỵ do xuất huyết não và đột quỵ do nhồi máu não.
Đáng chú ý, với bệnh nhân đột quỵ do nhồi máu não xuất hiện các triệu chứng từ ở nhà thì gia đình phải gọi ngay cấp cứu để đưa bệnh nhân vào viện điều trị. Đối với đột quỵ do xuất huyết não thì bệnh nhân cần vào viện ngay vì tỷ lệ tử vong rất cao trong 24h đầu tiên kể từ khi có biểu hiện của bệnh.
Thực tế, 1 số phương pháp để điều trị đột quỵ như chích máu, bấm huyệt, đút an cung vào mồm bệnh nhân,... vẫn được nhiều người tin tưởng và sử dụng nhưng các phương pháp này không được Hội đột quỵ Việt Nam khuyến cáo.
Do đó, người dân cần tuân thủ theo bướng dẫn của bác sĩ để trị bệnh. BS. Thắng chia sẻ từng có trường hợp nhập viện trong tình trạng chảy máu liên tục sau khi uống an cung ngưu hoàng hoàn. Qua kiểm tra, đánh giá, những viên an cung ngưu hoàng hoàn trôi nổi trên thị trường có chứa nhiều kim loại nặng như: thủy ngân, chì, asen,… gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của con người. Chính vì vậy, người dân không nên sử dụng bất kỳ biện pháp nào mà cần phải đưa người bệnh tới bệnh viện để điều trị tránh bỏ lỡ “thời gian vàng”.
Người cao tuổi nên hạn chế ra ngoài
Theo nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa Trung ương, bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên mắc trung bình từ 3,4-3,6 bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường – nguy cơ hàng đầu gây tai biến mạch máu não. Trong những ngày nắng nóng, người cao tuổi bị tăng huyết áp, đái tháo đường rất dễ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm như tắc mạch máu não, xuất huyết não, ăn uống kém, hạ đường huyết, hôn mê,…
Bệnh nhân chờ khám tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương (Ảnh: Minh Thúy)
|
Do đó, BS. Thắng khuyến cáo người cao tuổi trong mùa nắng nóng cần kiểm soát thường xuyên bệnh mãn tính mà mình đang có, uống thuốc đều đặn, đến khám thường xuyên, liên lạc với bác sĩ điều trị, đảm bảo chế độ ăn uống hợp lý, có đầy đủ vitamin và các chất vi lượng, uống đủ nước, hạn chế ra ngoài tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Nếu bắt buộc phải ra ngoài cần mặc quần áo bảo hộ, đi vào chỗ râm mát, giảm thiểu tối đa thời gian tiếp xúc với môi trường bên ngoài, sử dụng điều hòa hợp lý. Người cao tuổi nên sử dụng điều hòa từ 28 độ C trở lên, chuẩn bị chăn mỏng để đắp khi quá lạnh.
Trong thời gian từ 10h-15h chiều, người cao tuổi không nên ra ngoài hoặc đi xe máy. Người từ 75 tuổi trở lên nên hạn chế đi xe máy trong những ngày nắng nóng. Cùng với đó, người già thường có thói quen tập thể dục. Đây là một thói quen tốt nhưng khi nhiệt độ ngoài trời quá cao, người dân không nên ra ngoài mà có thể tập thể dục ở nhà.