Trong vài năm trở lại đây, ngành chăn nuôi Việt Nam luôn phải nhập khẩu thức ăn và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi số lượng lớn.
Theo số liệu của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương cho thấy, trong 15 ngày đầu tháng 8/2016, nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt 141,87 triệu USD, giảm 21,7% so với cùng kỳ tháng trước. Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/8/2016, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này đạt 1,95 tỷ USD, giảm 6,2% so với cùng kỳ năm 2015.
Cụ thể, nhập khẩu ngô đạt 194,8 nghìn tấn, trị giá 39,9 triệu USD, giảm 17,8% về lượng và giảm 16,5% về trị giá so với 15 ngày đầu tháng 7/2016; giá ngô nhập khẩu bình quân đạt 205,1 USD/tấn, tăng 3,4 USD/tấn so với tháng trước.
Nhập khẩu đậu tương đạt 30,8 nghìn tấn, trị giá 14,7 triệu USD, giá đậu tương nhập khẩu bình quân đạt 476,6 USD/tấn, tăng 12,7 USD/tấn so với cùng kỳ tháng trước.
Về thị trường nhập khẩu, trong tháng 7/2016, Việt Nam nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu chủ yếu từ thị trường Argentina, đạt 149,1 triệu USD; lũy kế 7 tháng đầu năm đạt 820,5 triệu USD.
Tiếp theo là thị trường Trung Quốc với 60,3 triệu USD, tăng gấp đôi so với tháng 6/2016, lũy kế từ đầu năm tăng 38,1% so với cùng kỳ năm trước.
Xếp vị trí thứ ba về kim ngạch là thị trường Hoa Kỳ với 46,07 triệu USD, tăng 73% so với tháng trước, tuy nhiên lũy kế vẫn giảm 34,8% so với cùng kỳ năm 2015.
Như vậy, tính đến hết tháng 7/2016, Nhật Bản là hai thị trường dẫn đầu về tăng trưởng kim ngạch, tăng 149,2% so với năm 2015.
Theo Bộ Công Thương, cả nước có khoảng 239 nhà máy chế biến TACN, trong đó 180 nhà máy là của các doanh nghiệp trong nước, 59 là của các liên doanh và 100% vốn FDI. Số nhà máy liên doanh và FDI không nhiều nhưng công suất lớn, sản lượng cao, chiếm thị phần lớn hơn nhiều so với doanh nghiệp trong nước.
Cũng theo một báo cáo của Bộ Công Thương, hiện chi phí cho TACN đã chiếm tới khoảng 70% tổng giá trị thị trường chăn nuôi (6,958 tỷ USD năm 2012 và 7,643 tỷ năm 2013) như Trung Quốc, Úc, Brazil, Hoa Kỳ, Canada, Thái Lan. Các mặt hàng nhập khẩu TACN của Việt Nam chủ yếu là ngô với 1,43 tỷ USD; đậu tương là hơn 639 triệu USD
Được biết, hiện thị trường TACN tại Việt Nam đang bị điều khiển bởi một số công ty có vốn đầu tư nước ngoài, nhập khẩu nguyên liệu mà không chú trọng sản xuất tại Việt Nam. Các doanh nghiệp này chiếm thị phần lớn, tập trung thị trường, liên kết định giá, sử dụng hệ thống phân phối thông qua các đại lý độc quyền và chiết khấu lớn để cạnh tranh không lành mạnh với doanh nghiệp trong nước.
Trong khi ngành chăn nuôi trong nước được đánh giá có nguy cơ bị xóa sổ nhanh nhất vì quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ và thiếu liên kết từ chuỗi thức ăn, chăn nuôi và giết mổ thì các công ty nước ngoài khai thác tốt các lợi thế về quy mô. Biểu hiện lớn nhất là ngay đến hệ thống giết mổ, phân phối thịt, nhập lậu thịt chất lượng kém… là những mối đe dọa đến sự phát triển của ngành.
Đánh giá của Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, Việt Nam không có lợi thế trồng các loại cây trồng cho TACN gia súc như đậu tương, ngô so với các nước, các cây trồng biến đổi gen cũng cho năng suất thấp và ít được ứng dụng đại trà. Vì vậy, Việt Nam hiện đang phải nhập khẩu số lượng lớn TACN từ các thị trường nước ngoài,chủ yếu từ thị trường Argentina, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản.