Nhận diện điểm nghẽn lớn gây thiếu thuốc gay gắt
"Giá kế hoạch của từng thuốc, dược liệu không được cao hơn giá trúng thầu cao nhất của thuốc, dược liệu đó trong mỗi nhóm tiêu chí kỹ thuật đã được công bố," Thông tư 15/2019/TT-BYT ngày 11/07/2019 quy định tại điều 14.4.C
Có nghĩa, với mỗi loại thuốc bán vào cơ sở y tế công lập, nhà thầu bao giờ cũng phải chào một mức giá nhỏ hơn hoặc bằng mức giá cao nhất đã từng trúng thầu trước đó. Trong bối cảnh lạm phát không hề thấp và kinh niên, đây là một quy định vô lý, nó đẩy lợi nhuận của nhà thầu nhanh chóng giảm về mức zero, thậm chí âm. Tức triệt tiêu động lực chính đáng của nhà cung cấp, phân phối dược phẩm.
Nhà thầu có lợi nhuận nhỏ, thậm chí âm thì cũng không còn hơi sức đâu để phát triển 'quan hệ công việc' với bên mời thầu. Như vậy giá trần kế hoạch đã triệt tiêu động lực của cả bên tổ chức thầu mua thuốc và bên dự thầu bán thuốc.
"Đây là một thực tế mà chúng ta không nên né tránh, trái lại cần dũng cảm nhìn thẳng, nói thẳng để có thể vạch giải pháp vượt lên!", một chuyên gia nghiên cứu kinh tế dược lâu năm chia sẻ cùng phóng viên VietTimes.
Thông tư 06 huỷ bỏ quy định giá trần kế hoạch
Thông tư 06/2023/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 12/3/2023 đã xoá bỏ quy định bất hợp lý nêu trên.
Tới đây giá kế hoạch (và do đó, giá dự thầu) cho một loại thuốc mời thầu không còn bị chặn trên bởi mức giá cao nhất từng trúng thầu và công bố trước đó.
Cụ thể, khi Thông tư 06 có hiệu lực, thì bên tổ chức thầu mua thuốc hoá dược, sinh phẩm, vắc xin, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền chỉ phải:
"- Tham khảo 03 báo giá hoặc hoá đơn bán hàng của các nhà cung cấp khác nhau tại thời điểm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Trường hợp thuốc không đủ 03 báo giá hoặc hoá đơn bán hàng của các nhà cung cấp khác nhau, Thủ trưởng đơn vị căn cứ vào ít nhất 01 báo giá hoặc hoá đơn bán hàng của nhà cung cấp tại thời điểm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, giải trình, chịu trách nhiệm về giá kế hoạch đề xuất và bảo đảm không vượt giá bán buôn kê khai, kê khai lại còn hiệu lực của thuốc đã tham khảo." Trích Thông tư 06/2023/TT-BYT vừa ban hành.
Như vậy bên mời thầu chỉ cần tham khảo 1 hoặc tối đa là 3 báo giá của nhà cung cấp khác chứ không bắt buộc phải theo giá trúng thầu cao nhất từng công bố trước đó.
Nạn thiếu thuốc sẽ sớm được khắc phục căn bản
Các cơ sở y tế công lập thời gian qua thiếu thuốc trầm trọng. Với hai biện pháp đột phá của Bộ Y tế là (i) gia hạn đăng ký lưu hành tự động cho hơn 10 ngàn thuốc và (ii) bãi bỏ quy định áp trần giá chào thầu, giới phân tích nhận định thị trường thuốc bảo hiểm sẽ dồi dào nguồn cung, tình trạng thiếu thuốc phổ thông phục vụ người tham gia bảo hiểm y tế sẽ sớm được giải quyết căn cơ.
Thông tư 06/2023/TT-BYT do Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên ký ban hành ngày Chủ nhật 12/3/2023, sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập, sẽ có hiệu lực thi hành từ 27/4/2023.
Một vạn thuốc được gia hạn đăng ký lưu hành:
Trước đó, ngày 1/3/2023 Cục trưởng Quản lý Dược Vũ Tuấn Cường cho biết Cục vừa gia hạn đợt 2 cho 715 số đăng ký thuốc trong nước và ngoài nước theo Nghị quyết 80 (và Nghị quyết 12) của Quốc hội, nâng tổng số thuốc được gia hạn theo Nghị quyết 80 lên tới 9.593 thuốc. Thời hạn lưu hành tới 31/12/2024. Cục này cũng vừa ra quyết định cấp mới số đăng ký 3 năm hoặc 5 năm cho 299 thuốc mới, theo quy định của Luật Dược.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu