Thiếu thuốc, vật tư y tế ở các bệnh viện: Đề xuất 2 phương án thanh toán cho bệnh nhân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Lần đầu tiên, suốt gần 10 tháng liền, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế diễn ra phổ biến ở các bệnh viện. Bệnh nhân – những người đã và đang đóng bảo hiểm y tế đầy đủ, đã trở thành người thiệt thòi nhất.  
Người dân mong muốn được Bảo hiểm Y tế thanh toán các loại thuốc, vật tư y tế mà các bệnh viện đang thiếu
Người dân mong muốn được Bảo hiểm Y tế thanh toán các loại thuốc, vật tư y tế mà các bệnh viện đang thiếu

Để tìm hiểu thêm về vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế ở các bệnh viện, đặc biệt là xem trách nhiệm thuộc về đâu, từ đó bàn các giải pháp tháo gỡ, với mục đích cuối cùng là đảm bảo quyền lợi chính đáng cho bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế, phóng viên VietTimes đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Văn Phúc – Trưởng Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế - Bảo hiểm Xã hội Việt Nam:

-Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế bảo hiểm y tế vẫn kéo dài ở hầu khắp các bệnh viện trên cả nước. Bệnh nhân đã đóng bảo hiểm y tế bỗng bị thiệt thòi, khi không được hưởng đầy đủ quyền lợi mà của đáng ra họ phải được hưởng. Được biết đã có nhiều đơn thư gửi đến Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề nghị được thanh toán các thuốc, vật tư y tế mà bệnh viện không có, khiến họ phải mua ngoài. Ý kiến của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về vấn đề này ra sao, thưa ông?

Ông Lê Văn Phúc: Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định cơ sở khám, chữa bệnh phải bảo đảm đủ thuốc, thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh cho người bệnh. Việc thiếu thuốc, vật tư y tế ở các bệnh viện hoàn toàn không phải do lỗi của bệnh nhân, nhưng họ lại phải chịu thiệt thòi.

Để bệnh nhân tự mua thuốc, vật tư y tế sẽ xảy ra nhiều hệ luỵ: Thứ nhất là chất lượng thuốc, vật tư y tế như thế nào, nhất là những loại thuốc, vật tư y tế phải bảo quản trong điều kiện đặc biệt như nhiệt độ, độ ẩm… thì những nhà thuốc ở ngoài bệnh viện liệu có bảo đảm được không? Thứ 2 là giá cả khi mỗi nhà thuốc bán một giá. Thứ 3 là ảnh hưởng quyền lợi của người bệnh. Người bệnh có thể mua tạm ở ngoài 1-2 vỉ thuốc, nhưng những loại thuốc rất đắt thì không phải ai cũng đủ tiền để mua để điều trị theo chỉ định của bác sĩ.

Ông Lê Văn Phúc – Trưởng Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam

Ông Lê Văn Phúc – Trưởng Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam

- Nhiều bệnh viện cũng như bệnh nhân đã đề nghị Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thanh toán cho bệnh nhân các loại thuốc, vật tư y tế mà các bệnh viện đang thiếu? Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Lê Văn Phúc: Trong quy định về thanh toán bảo hiểm y tế trực tiếp ở Nghị định 146, không có trường hợp người bệnh đi mua thuốc, vật tư y tế ở ngoài rồi về cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán. Trong Thông tư 09 của Bộ Y tế cũng vậy, dù có quy định trường hợp đặc biệt được thanh toán trực tiếp, nhưng không có trường hợp nào quy định là người bệnh mua thuốc, vật tư y tế ở ngoài được thanh toán.

Trong trường hợp được thanh toán lại, thì thanh toán theo giá nào? Theo giá bệnh nhân tự mua, hay theo giá trúng thầu trước đó của bệnh viện? Giả sử bệnh viện không có giá trúng thầu trước đó thì như thế nào? Hay bệnh nhân mua mỗi nhà thuốc một giá thì thanh toán theo giá nào?

Đó là chưa kể sẽ tạo tiền lệ là cơ sở khám, chữa bệnh không có thuốc, thì cứ kê đơn cho bệnh nhân để họ tự mua và Bảo hiểm Xã hội thanh toán. Vì thế, khi Nghị định 146 đã quy định việc cơ sở khám, chữa bệnh phải bảo đảm thuốc cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật phù hợp tuyến chuyên môn kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế…

- Nhưng thực tế, đã và đang có tình trạng người bệnh phải tự mua thuốc, vật tư y tế, nên cần phải quy trách nhiệm rõ ràng và có biện pháp xử lý việc đó để đảm bảo quyền lợi của người bệnh, thưa ông?

Ông Lê Văn Phúc: Để xảy ra việc thiếu thuốc, vật tư y tế, trước hết là trách nhiệm là của ngành y tế. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo quyết liệt phải bảo đảm thuốc và vật tư y tế cho người bệnh, không được để bệnh nhân phải tự mua.

Mua sắm đấu thầu trang thiết bị và thuốc có rất nhiều hình thức: Bộ Y tế thì tổ chức đấu thầu tập trung Quốc gia, Sở Y tế và các địa phương cũng tổ chức đấu thầu tập trung cấp tỉnh, các bệnh viện cũng tự mua sắm, đấu thầu được. Thời gian qua xuất hiện nhiều vấn đề vừa chủ quan, vừa khách quan như dịch bệnh, đứt gãy chuỗi vận chuyển, dẫn đến đấu thầu chậm, ở cả Trung ương lẫn cấp Sở, bệnh viện. Gói thầu 8-9 nghìn tỉ do Trung tâm mua sắm đấu thầu tập trung Quốc gia xây dựng kế hoạch từ năm ngoái đến tháng 8/2022 mới công bố kết quả đấu thầu được, là quá chậm; việc mua sắm thuốc thông qua đàm phán giá cũng chậm khi chỉ công bố được 19 thuốc trong tổng hơn 600 thuốc.

Một nguyên nhân dẫn đến đấu thầu mua sắm chậm là tại các cơ sở khám, chữa bệnh, nhân lực đấu thầu thiếu bởi không phải ai cũng sẵn sàng tham gia. Các bệnh viện cũng tập trung vào chuyên môn, nên các Sở Y tế chỉ đấu thầu giới hạn trong 129 thuốc, mặc dù có thể mở rộng, còn lại giao cho các cơ sở y tế.

Một nguyên nhân nữa là việc xây dựng giá kế hoạch đấu thầu không phù hợp với giá hiện tại, do chưa nghiên cứu kỹ diễn biến giá thuốc đấu thầu trong 12 tháng liền kề, đến thời điểm hiện tại giá mọi nguyên vật liệu, vận chuyển đều tăng lên, dẫn đến không có doanh nghiệp tham gia, hoặc không trúng thầu được, khiến phải xây dựng kế hoạch lại, đấu thầu lại, rất mất thời gian.

Việc gia hạn thuốc tự động theo Nghị quyết 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị định 29 của Chính phủ mãi đến tháng 7/2022 mới có và chỉ được gia hạn lưu hành đến 31/12/2022, tức là thời gian còn lại rất ngắn. Do đó, Bộ Y tế phải lường trước để xây dựng sớm cơ chế ban hành tiếp về gia hạn đăng ký lưu hành thuốc, mà theo thống kê có khoảng 12.000 loại thuốc. Trong dự thảo Luật Dược sửa đổi cũng có quy định gia hạn tự động, cải cách lại thủ tục để gia hạn hợp lý. Do đó, Cục Quản lý Dược của Bộ Y tế phải đề xuất tiếp để có thêm thời gian gia hạn, đồng thời đưa ra được những biện pháp quản lý phù hợp.

-Theo ông, giải pháp cần thiết cho vấn đề thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế ở các bệnh viện làm ảnh hưởng đến quyền lợi người bệnh bảo hiểm y tế là gì?

Ông Lê Văn Phúc: Việc đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư y tế trong các cơ sở khám, chữa bệnh là trách nhiệm của ngành y tế. Thời gian tới, Bộ Y tế cần đẩy nhanh tiến độ ký hợp đồng đấu thầu tập trung quốc gia. Thủ tướng đã có nhiều chỉ thị đảm bảo việc cung ứng thuốc, vật tư y tế, ràng buộc trách nhiệm của UBND các tỉnh và các sở y tế

Bộ Y tế cần có đánh giá tổng thể về thực trạng công tác đấu thầu, trong đó có sự phân biệt khác nhau giữa đấu thầu thuốc, vật tư tiêu hao và trang thiết bị y tế để từ đó phân loại cụ thể những loại thuốc, vật tư nào không cần tham gia đấu thầu, qua đó giao quyền chủ động cho cơ sở.

Việc đấu thầu tập trung cũng giúp quản lý giá thuốc tốt hơn, điều phối thuốc tốt hơn, giá cả thống nhất. Đấu thầu phải gối đầu, có kế hoạch xây dựng cho gói thầu tiếp theo. Bảo hiểm xã hội luôn hỗ trợ đấu thầu, xây dựng kế hoạch về nhu cầu, thông báo về số lượng sử dụng trong năm trước, tránh tình trạng xây dựng nhu cầu nhiều nhưng không mua sắm, hoặc mua sắm rất ít.

-Đó là giải pháp căn cơ, còn giải pháp trước mắt để giải quyết ngay quyền lợi cho bệnh nhân khi đi khám, chữa bệnh mà phải mua thuốc, vật tư y tế ngoài là gì, thưa ông?

Ông Lê Văn Phúc: Việc bệnh nhân có được hoàn trả thanh toán thuốc, vật tư y tế đã phải mua ngoài hay không và nếu có thì tính cho bệnh viện hay cho người bệnh, đều phải chờ ý kiến của các cấp có thẩm quyền. Luật Bảo hiểm y tế quy định Bộ trưởng Bộ Y tế được quyết định trong một số trường hợp đặc biệt để thanh toán trực tiếp. Nhưng trước tiên, cần xác định đây có phải là trường hợp đặc biệt hay không.

Các bệnh viện thiếu thuốc, vật tư y tế đang khiến người bệnh rơi vào hoàn cảnh khó khăn

Các bệnh viện thiếu thuốc, vật tư y tế đang khiến người bệnh rơi vào hoàn cảnh khó khăn

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vẫn đang chờ hướng dẫn từ Bộ Y tế để triển khai việc thanh toán này, đồng thời, đã đề xuất thanh toán bảo hiểm y tế cho bệnh nhân với 2 hình thức:

Cách thứ nhất: Cơ sở khám, chữa bệnh tổng hợp các thuốc, vật tư y tế bệnh nhân phải mua ngoài và thanh toán cho người bệnh, sau đó Bảo hiểm Xã hội sẽ quyết toán với cơ sở y tế. Cách thức này sẽ giảm được tối đa tiêu cực. Tuy nhiên, sẽ gặp khó là những hồ sơ hầu hết đã được quyết toán xong, nên nếu tổng hợp lại sẽ lại phải quyết toán, bóc lại hồ sơ.

Cách thứ hai: là Bảo hiểm Xã hội thanh toán trực tiếp cho người bệnh. Việc này đòi hỏi giám định viên phải kiểm tra từng bệnh án, giám định hồ sơ, mất nhiều thời gian, đồng thời, còn gặp khó là áp mức giá nào, chất lượng thuốc bệnh nhân mua ngoài có đảm bảo không. Do đó, cần đề xuất được giá thanh toán là không cao hơn giá thuốc trúng thầu liền kề. Việc này có lợi là Bảo hiểm Xã hội sẽ quản lý được tốt hơn giá thanh toán, đồng thời, quản lý được giá thuốc và đề xuất xử lý nếu phát hiện các nhà thuốc bán giá chênh lệch quá cao.

Dù sao, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thấy rằng cần sớm chấm dứt việc bệnh nhân bảo hiểm y tế phải mua thuốc và vật tư y tế ngoài, bởi có những loại thuốc đắt và bệnh nhân không thể bỏ số tiền lớn để mua rồi về chờ thanh toán bảo hiểm y tế, mà còn tránh được việc bác sĩ kê đơn thuốc do được trả “hoa hồng”.

- Xin cám ơn ông đã trao đổi!

Trong công văn 8123 / BYT-BH ngày 28/9/2021 về việc thanh toán trực tiếp chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn ký gửi Bảo hiểm Xã hội Việt Nam có nêu: “Bộ Y tế nhận được Công văn số 2272/BHXH-DVT ngày 26/6/2019 của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề nghị cho ý kiến về thanh toán đối với trường hợp người bệnh phải tự mua thuốc, vật tư y tế do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung ứng không đầy đủ, không kịp thời hoặc không đúng quy định. Qua quá trình họp để trao đổi, thảo luận giữa Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về vấn đề này, Bộ Y tế có ý kiến như sau: Theo quy định của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013 và các văn quy phạm pháp luật về bảo hiểm y tế thì quỹ bảo hiểm y tế chỉ thanh toán chi phí cho cơ sở khám, chữa bệnh đối với các thuốc, vật tư y tế đã được mua sắm theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu…

…Theo quy định của Luật bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn thực hiện thì trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh cung ứng không đầy đủ, không kịp thời, không đúng quy định nêu trên thì không thuộc trường hợp được thanh toán trực tiếp với cơ quan bảo hiểm xã hội.

…Vì vậy, không có cơ sở để thực hiện thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với trường hợp người bệnh phải tự mua thuốc, vật tư y tế do cơ sở khám, chữa bệnh cung ứng không đầy đủ, không kịp thời hoặc không đúng quy định của pháp luật.”

Công văn mới nhất của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam gửi Bộ Y tế

Công văn mới nhất của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam gửi Bộ Y tế

Ngày 11/8/2022, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tiếp tục có công văn số 2185/BHXH-CSYT về việc thanh toán trực tiếp chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 31 Luật Bảo hiểm y tế, nêu: “Thời gian vừa qua, BHXH Việt Nam nhận được nhiều đề nghị thanh toán trực tiếp của người bệnh do cơ sở khám chữa bệnh không cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc, vật tư y tế trong khám, chữa bệnh, người bệnh phải tự mua thuốc, vật tư y tế. Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp quyết liệt để khắc phục tình trạng cơ sở khám, chữa bệnh không cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư y tế trong khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam kính đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu, hướng dẫn thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho người bệnh trong các trường hợp nêu trên để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh bảo hiểm y tế.”

Tuy nhiên, đến nay, đã hơn một tháng trôi qua, theo ông Lê Văn Phúc, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vẫn chưa nhận được hồi âm từ Bộ Y tế về công văn trên.