Thứ trưởng Bộ Y tế: 4 công nhân, 3 học sinh tử vong sau tiêm vaccine là sự cố hết sức đau thương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, 4 công nhân ở Thanh Hoá, 3 học sinh ở Bắc Giang, Hà Nội, Bình Phước tử vong sau tiêm vaccine COVID-19 là sự cố hết sức đau thương.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chủ trì cuộc họp (Ảnh - Minh Thuý)
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chủ trì cuộc họp (Ảnh - Minh Thuý)

Nhằm tăng cường công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng, nhất là sau các sự cố sau tiêm vaccine, sáng nay, 4/12, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn tăng cường công tác an toàn tiêm vaccine COVID-19 với sự tham gia của 63 Sở Y tế tỉnh, thành phố và các cơ sở khám, chữa bệnh.

Tăng cường năng lực cho điểm tiêm vaccine COVID-19, giảm tối đa trường hợp tử vong

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: Tiêm vaccine là biện pháp giúp phòng bệnh hiệu quả. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiêm vaccine là biện pháp chủ động để phòng, chống dịch COVID-19 và những biến chủng mới. Các quốc gia được khuyến cáo phải đẩy mạnh tốc độ tiêm vaccine.

Tại Việt Nam, tính tới sáng 4/12, gần 127 triệu liều vaccine COVID-19 đã được tiêm, tỉ lệ bao phủ mũi 1 là 93% cho người từ 18 tuổi trở lên, hơn 70% người được tiêm mũi 2. Việt Nam đã triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi; có kế hoạch và hướng dẫn tiêm mũi tiêm thứ ba cho 1 số nhóm đối tượng được khuyến cáo.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (Ảnh - Minh Thuý)

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (Ảnh - Minh Thuý)

Bộ Y tế đã nghiên cứu các vấn đề liên quan đến sự cố sau tiêm vaccine COVID-19 và cập nhật các hướng dẫn xử trí sự cố bất lợi sau tiêm, tổ chức tập huấn cho y tế cơ sở để xử trí sự cố. Khi có tai biến xảy ra ở bất kỳ cấp độ nào, Bộ Y tế luôn có Hội đồng chuyên môn đánh giá và kết luận kịp thời.

“Gần đây đã có sự cố hết sức đau thương khi Thanh Hoá có 4 công nhân phản ứng sau tiêm vaccine. Khi triển khai chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em từ 12-17 tuổi đã có 3 trường hợp trẻ tử vong ở Hà Nội, Bắc Giang và Bình Phước. Do đó, bên cạnh việc kiểm điểm nguyên nhân khách quan, chủ quan về sự cố tiêm chủng, hội nghị lần này sẽ tập huấn cho các tỉnh, thành phố tăng cường năng lực, kĩ năng, kiến thức cho các điểm tiêm chủng trên cả nước để giảm tối đa trường hợp tử vong” – ông Sơn nói.

Theo Thứ trưởng Sơn, các địa phương phải tập huấn tiêm chủng cho các cơ sở để triển khai tiêm vaccine COVID-19 hiệu quả. Đặc biệt, các tỉnh, thành phố cần chuẩn bị về vật tư, trang thiết bị y tế, nhất là các phòng sơ cứu, cấp cứu phải được che chắn để phòng tránh hội chứng đám đông, khiến nhiều người chưa tiêm vaccine bị ảnh hưởng dây truyền.

Thông tin về công tác bảo đảm an toàn tiêm vaccine COVID-19, TS. Vương Ánh Dương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) – cho biết: Các điểm tiêm phải đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine nhưng phải đảm bảo an toàn tiêm chủng.
Các nội dung Bộ Y tế đã hướng dẫn về đảm bảo an toàn tiêm chủng cần được nhắc lại nhiều lần. Vì thế, đến nay, hướng dẫn sàng lọc trước tiêm vaccine COVID-19, xử lý sự cố bất lợi sau tiêm chủng đã được Bộ Y tế cập nhật 5 lần.

TS. Kidong Park – Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam (Ảnh - Minh Thuý)

TS. Kidong Park – Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam (Ảnh - Minh Thuý)

Chia sẻ về công tác tiêm vaccine COVID-19 tại Việt Nam, TS. Kidong Park – Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam – cho hay: Đến nay, Việt Nam có 5 công cụ hiệu quả để phòng, chống dịch COVID-19 là vaccine, biện pháp 5K, quản lý ca bệnh, giám sát và kiểm soát đường biên giới. Trong đó, vaccine là công cụ quan trọng để bảo vệ người dân trước đại dịch. Hiện, số ca mắc COVID-19 đang bùng phát trở lại tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Sự xuất hiện của biến chủng Omicron đe doạ sức khoẻ của người dân. Thời gian qua, chương trình tiêm chủng tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỉ lệ tiêm vaccine ở người 18 tuổi trở lên đạt gần 100% dân số; trẻ từ 12-17 tuổi được tiêm vaccine, người có bệnh nền, nguy cơ cao sẽ được tiêm liều vaccine bổ sung.

Người tiêm vaccine COVID-19 phản vệ được cấp cứu như thế nào?

Thông tin về việc cấp cứu khi người tiêm vaccine COVID-19 phản vệ, PGS.TS. Đặng Quốc Tuấn – Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai – cho biết: Phản vệ là một phản ứng dị ứng, có thể xuất hiện từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên, gây ra các bệnh cảnh lâm sàng khác nhau, có thể nghiêm trọng dẫn đến tử vong nhanh chóng. Còn sốc phản vệ là mức độ nặng nhất của phản vệ do đột ngột giãn toàn bộ hệ thống mạch và co thắt phế quản.

Theo PGS.TS. Đặng Quốc Tuấn, vaccine COVID-19 có thể gây phản vệ cho người mẫn cảm với thuốc hoặc các chất có trong thành phần của thuốc. Tỉ lệ xuất hiện phản vệ với vaccine của Astrazeneca, Pfizer, Moderna trong thời gian Bệnh viện Bạch Mai thực hiện tiêm chủng là 1/5000 – 1/6000 mũi tiêm (thống kê tháng 10/2021). Người tiêm vaccine có phản vệ được xử trí kịp thời thì sẽ hồi phục nhanh, không tử vong.

Thống kê cho thấy có từ 80 – 90% số bệnh nhân phản vệ gặp phải các triệu chứng như: Đỏ da, ngứa, nổi mày đay, phù mạch, ngứa, phù, mẩn đỏ quanh mắt, kết mạc đỏ, ngứa, phù môi, lưỡi.

Học sinh được tiêm vaccine COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý)

Học sinh được tiêm vaccine COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý)

Ngoài ra, các biểu hiện hô hấp gặp ở khoảng 70% bệnh nhân phản vệ sau tiêm vaccine như: Ngứa mũi, ngạt mũi, chảy nước mũi, nói khàn, nói khó, đau họng, thở rít, ho, thở nhanh, nông, chẹn ngực, ho, co thắt phế quản, giảm PEF (lưu lượng khí tối đa có thể thở ra), tím, ngừng thở. Còn các biểu hiện tim mạch (Đau ngực, nhịp nhanh, nhịp chậm, loạn nhịp, đánh trống ngực, hạ huyết áp, mạch nhỏ, đại tiểu tiện không tự chủ, sốc, ngừng tim) gặp ở khoảng 45% bệnh nhân phản vệ.

Các biểu hiện tiêu hóa (đau bụng, buồn nôn, ỉa chảy) gặp ở 45% bệnh nhân phản vệ.

Để xử trí, điều trị cho bệnh nhân phản vệ độ I (dị ứng nhưng có thể chuyển thành nặng hoặc nguy kịch), các bác sĩ có thể sử dụng thuốc methylprednisolon hoặc diphenhydramin uống hoặc tiêm tùy tình trạng người bệnh; tiếp tục theo dõi ít nhất 24 giờ để xử trí kịp thời.

Đối với bệnh nhân phản vệ độ II (nặng, nguy kịch) sau tiêm vaccine, PGS.TS. Đặng Quốc Tuấn cho hay: Bệnh nhân có thể nhanh chóng chuyển sang độ III, độ IV. Vì vậy, các bác sĩ phải khẩn trương, xử trí đồng thời theo diễn biến bệnh theo các bước sau:

Ngừng ngay tiếp xúc với thuốc hoặc dị nguyên (nếu có).

Tiêm hoặc truyền adrenalin.

Cho người bệnh nằm tại chỗ, đầu thấp, nghiêng trái nếu có nôn.

Thở oxy: người lớn 6-101/phút, trẻ em 2-41/phút qua mặt nạ hở.

Còn bệnh nhân phản vệ mức độ nặng (độ II, III), các bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng hô hấp, tuần hoàn, ý thức và các biểu hiện ở da, niêm mạc của người bệnh; ép tim ngoài lồng ngực và bóp bóng (nếu ngừng hô hấp, tuần hoàn); đặt nội khí quản hoặc mở khí quản cấp cứu (nếu khó thở thanh quản); thiết lập đường truyền adrenalin tĩnh mạch với dây truyền thông thường nhưng kim tiêm to hoặc đặt catheter tĩnh mạch và một đường truyền tĩnh mạch thứ hai để truyền dịch nhanh; hội ý với các đồng nghiệp, tập trung xử lý, báo cáo cấp trên, hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa cấp cứu, hồi sức và/hoặc chuyên khoa dị ứng (nếu có).