Khởi đầu tuần, chỉ số VN-Index tăng 3,83 điểm (+0,42%) đạt mức 918,12 điểm với sắc xanh chiếm ưu thế ở cả 2 sàn HNX và HSX. Giá trị giao dịch tiếp tục xu hướng giảm là một dấu hiệu đáng lo ngại.
Chỉ riêng trên sàn HSX, giá trị giao dịch chỉ đạt khoảng 2.700 tỷ đồng, thấp hơn phiên giao dịch cuối tuần trước khoảng 452 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại bán ròng 215 tỷ trên HSX sau đợt mua ròng (với giá trị gần 342 tỷ đồng) kéo dài 5 phiên liên tiếp.
Các phiên giao dịch tiếp theo trong tuần, các cổ phiếu vốn hóa lớn có sự phân hóa rõ rệt.
Theo thống kê của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), các mã ảnh hưởng tiêu cực nhất tới VN-Index trong tuần qua là VIC, VHM và MSN khi lấy đi lần lượt 5,78, 5,01 và 1,71 điểm của chỉ số này.
Cũng cần phải lưu ý, các cổ phiếu trên đã duy trì được trạng thái đi ngang trong một vài phiên giao dịch trước khi áp lực bán chiếm ưu thế trong tuần qua.
Ở chiều hướng ngược lại, các mã ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index là là SAB, BID và FPT khi đóng góp lần lượt là 3,82, 0,53 và 0,29 điểm. Đà tăng của các cổ phiếu này đến từ những câu chuyện riêng ở từng doanh nghiệp.
Trong khi cổ phiếu SAB được hỗ trợ tích cực bởi tin tức Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco bỏ giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Cổ phiếu BID lại được hỗ trợ bởi thông tin Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam – BIDV xin ý kiến phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược đến từ Hàn Quốc.
Còn cổ phiếu FPT ghi nhận những phiên tăng điểm tích cực sau khi CTCP Tập đoàn FPT công bố kết quả kinh doanh 10 tháng năm 2018 khả quan.
Kết thúc tuần, chỉ số VN-Index đã giảm 16,1 điểm (1,76%) để mất ngưỡng kháng cự tâm lý 900 điểm, rơi về mức 898,19 điểm. Nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện bán ròng tới 829 tỷ đồng chỉ riêng trên sàn HSX.
Đồ thị phân tích kỹ thuật VN-Index (Nguồn: BVSC)
|
Về mặt kỹ thuật, dù TTCK Việt Nam có kết thúc tuần từ 12/11 – 16/11 với một phiên tăng điểm mạnh nhưng các chuyên gia BVSC vẫn tỏ ra khá thận trọng.
Phân tích của BVSC cho biết lực cầu vùng giá thấp tại nhóm cổ phiếu ngân hàng đã giúp thị trường hồi phục. Tuy nhiên, thanh khoản được duy trì ở mức thấp vẫn là dấu hiệu cho thấy dòng tiền lớn đang đứng ngoài thị trường. Do đó, đà hồi phục này cũng không được các chuyên gia BVSC đánh giá cao.
Một số nhà đầu tư có kinh nghiệm trên thị trường cũng tỏ ra thận trọng với đà hồi phục này. Bởi lẽ, các ngưỡng hỗ trợ đã bị phá vỡ bây giờ sẽ đóng vai trò là các ngưỡng cản cho đà hồi phục. Hơn nữa, nhiều cổ phiếu “blue-chips” (ngành ngân hàng, bất động sản) đã giảm điểm mạnh trong thời gian qua nhưng vẫn chưa tạo được thanh khoản với lực cầu bắt đáy mạnh.
Điều này cho thấy dòng tiền lớn vẫn đang chờ đợi mức giá được chiết khấu ở mức hợp lý hơn nữa thì mới bắt đầu nhập cuộc mạnh mẽ.
Tuy nhiên, khi cơ hội đầu tư ở các cổ phiếu vốn hóa lớn trở nên khó khăn thì dòng tiền thường hướng đến các mã cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ (nhóm cổ phiếu "penny"). Đây là những mã cổ phiếu thu hút được dòng tiền “nóng”, có tính đầu cơ cao phù hợp với các nhà đầu tư ưa thích lướt sóng.
Ngoài ra, TTCK phái sinh cũng được kỳ vọng sẽ thu hút được dòng tiền từ thị trường chứng khoán cơ sở./.