Trong buổi hội thảo MBS Talk 15, các chuyên gia MBS đã điểm lại một số diễn biến chính của TTCK Việt Nam từ đầu năm 2018 tới nay và tỏ ra lạc quan về triển vọng phát triển của thị trường.
Cụ thể, quý 1/2018, TTCK trong nước ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong chu kỳ 10 năm trở lại đây nhờ dòng tiền ngoại hoạt động tích cực. Việt Nam đã lọt vào danh sách những nước có TTCK tăng điểm tốt nhất.
Tuy nhiên, bước sang Quý 2/2018, thành quả của giai đoạn tăng điểm trước đó đã bị xóa nhòa trước do TTCK trong nước đã có sự điều chỉnh mạnh trước bối cảnh kinh tế vĩ mô thế giới có nhiều biến động khó lường.
Ở thị trường Mỹ, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục phát đi các tín hiệu bình thường hóa chính sách tiền tệ và nâng lãi suất cơ bản. Ngày 13/6/2018, Fed đã nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm từ 1,75% lên mức 2,0% và tiếp tục hé lộ kế hoạch sẽ có tổng 4 lần tăng lãi suất, thay vì 3 lần như dự kiến trước đó, trong năm 2018.
Điều này đã khiến cho các dòng vốn đầu tư nước ngoài đẩy nhanh tốc độ cơ cấu danh mục đầu tư quay trở lại Mỹ. Bên cạnh đó, chính sách bình thường hóa tiền tệ khiến cho kênh đầu tư vào các tài sản có tính đầu cơ cao như TTCK bị tác động mạnh và tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn, dòng vốn bắt đầu tìm kiếm đến các tài sản an toàn hơn.
Hoạt động điều hành của Fed còn gây ra áp lực gia tăng tỷ giá đối với Việt Nam, điều này gây ra lo ngại về tăng trưởng kinh tế và tác động tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư. Theo các chuyên gia Công ty cổ phần chứng khoán MB (MBS), sự điều chỉnh tỷ giá của Việt Nam là bình thường chủ yếu do đồng USD mạnh lên khi FED bình thường hóa chính sách tiền tệ và kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt. Không có động thái nào cho thấy Việt Nam chủ động phá giá.
Năm 2018, kinh tế vĩ mô cũng đón nhận rủi ro mới từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Diễn biến của cuộc chiến này căng thẳng hơn dự báo và khó lường cũng khiến giới đầu tư lo ngại về tiềm năng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.
Các biến động từ thị trường tài chính và tiền tệ trên thế giới đã góp phần khiến TTCK Việt Nam điều chỉnh khá mạnh từ vùng đỉnh 1.200 điểm xuống thấp nhất 884 điểm, mức định giá của cổ phiếu trên thị trường cũng có sự giảm sâu.
Nguồn : MBS Talk 15
|
Thanh khoản thị trường từ mức trung bình 8.000 tỷ đầu năm đã suy giảm mạnh xuống mức trung bình 3.000 tỷ/phiên trong giai đoạn thị trường khó khăn tháng 4, 5 và 6. Dòng tiền chuyển dịch sang TTCK phái sinh nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư và phòng vệ khiến khối lượng giao dịch tăng vọt từ trung bình 35.000 hợp đồng lên mức trung bình trên 120 nghìn hợp đồng.
Được biết, dữ liệu thực tế tại các thị trường quốc tế cũng cho thấy, khi thị trường cở sở giảm điểm mạnh thì thanh khoản trên thị trường phái sinh tăng mạnh; ngược lại, khi thị trường cơ sở tăng điểm trở lại thì thanh khoản trên thị trường phái sinh giảm. TTCK phái sinh lúc này trở thành giải pháp hữu hiệu để giữ chân nhà đầu tư, tránh tình trạng họ tháo chạy khỏi TTCK khi thị trường cơ sở sụt giảm.
Sức hút riêng của TTCK Việt Nam
Trong trung và dài hạn, các chuyên gia MBS vẫn tỏ ra lạc quan với sự phát triển của TTCK Việt Nam.
Về nền tảng kinh tế vĩ mô, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP nằm trong top cao nhất tại khu vực Đông Nam Á và Châu Á với khả năng thu hút FDI tốt. Bên cạnh đó, chính sách điều hành linh hoạt và kiên định của Chính phủ đã khiến lạm phát, tỷ giá và lãi suất được giữ ở mức ổn định.
Đối với TTCK, Việt Nam hướng đến câu chuyện nâng hạng thị trường trong thời gian tới khi quy mô thị trường tăng trưởng mạnh, chất lượng hàng hóa ngày càng được củng cố. Lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục duy trì tăng trưởng, mặt bằng định giá giảm về mức tương đối hấp dẫn.
Các chuyên gia MBS cũng kỳ vọng dòng vốn ngoại khả năng sẽ quay trở lại khi rủi ro của khu vực thị trường mới nổi (EM) giảm bớt, chọn lọc các thị trường có tốc độ tăng trưởng cao, tỷ giá tương đối ổn định, FDI tốt và có thặng dư thương mại.
Do đó, cơ hội tại thị trường Việt Nam vẫn còn sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước./.