Sau COVID-19:

Thị trường bán lẻ TP.HCM “bám” truyền thông xã hội để kinh doanh

VietTimes – Dịch COVID-19 buộc các cửa hàng bán lẻ truyền thống phải thay đổi chiến lược kinh doanh bằng việc thúc đẩy thương mại điện tử, sử dụng mạng xã hội để tăng doanh thu.
Thị trường bán lẻ khu vực trung tâm TP HCM dần hồi phục sau đợt giãn cách xã hội vì COVID-19
Thị trường bán lẻ khu vực trung tâm TP HCM dần hồi phục sau đợt giãn cách xã hội vì COVID-19

Nguồn cung tăng bất chấp dịch bệnh


Theo Báo cáo nghiên cứu thị trường BĐS TP.HCM 6 tháng đầu năm 2020 của Savills Việt Nam, mặc dù dịch bệnh COVID-19 vẫn hoành hành trên thế giới và Việt Nam vẫn chịu tác động tiêu cực, nhưng thị trường bán lẻ TP.HCM vẫn ghi nhận thêm nguồn cung sản phẩm bán lẻ từ 2 dự án gia nhập thị trường vào đầu quý 1 và trong quý 2/2020. 

“Việc xuất hiện một trung tâm thương mại mở rộng diện tích cho thuê đã làm thay đổi nguồn cung ở khu vực ngoài trung tâm. Tính đến cuối quý 2/2020, tổng nguồn cung tại địa phương đã đạt khoảng 1,5 triệu m2, ổn định theo quý và tăng 5% theo năm” – chuyên gia Savills Việt Nam chia sẻ.

Không những vậy, theo các chuyên gia Savills Việt Nam, vào nửa cuối năm 2020, thị trường TP.HCM sẽ đón nhận hơn 96.000m2 diện tích bán lẻ gia nhập thị trường, trong đó khu ngoài trung tâm chiếm 84% thị phần. 

“Hầu hết các dự án ngoài trung tâm là các khối đế bán lẻ phục vụ chủ yếu nhu cầu của dân cư nội khu. Tại những lưu vực bán lẻ thấp, chủ mặt bằng khó có thể tìm được khách thuê lâu dài. Xu hướng chuyển dịch ra ngoài khu trung tâm có thể dẫn đến giá thuê giảm dần” – chuyên gia Savills phân tích.

Mặc dù nguồn cung tăng, nhưng công suất trung bình của phân khúc bán lẻ vẫn ở mức 95%, ổn định theo quý và giảm nhẹ 1 điểm phần trăm theo năm. Mức giảm nhẹ được lý giải là do nhiều dự án ngoài trung tâm có công suất giảm và chủ yếu do khách thuê bị hủy, cũng như một số khách thuê F&B và thời trang ngưng gia hạn hợp đồng.

Số liệu nghiên cứu về tình hình hoạt động bán lẻ tại TP.HCM do Savills nghiên cứu
Số liệu nghiên cứu về tình hình hoạt động bán lẻ tại TP.HCM do Savills nghiên cứu

Bên cạnh đó, nhờ dịch bệnh trong nước được kiểm soát hiệu quả cũng như những triển vọng tích cực về kinh tế, niềm tin của chủ mặt bằng tại các khu trung tâm dần được củng cố,… đã giúp thị trường bán lẻ ấm dần sau giai đoạn giãn cách xã hội. 

Theo thống kê của Savills, sau giai đoạn giãn cách xã hội, doanh thu thị trường bán lẻ tại TP.HCM đã trở lại đà tăng trưởng theo tháng ở mức 20% vào tháng 5 và 5% vào tháng 6. Trong đó, doanh thu lưu trú và ăn uống tăng mạnh 80% trong tháng 5 và 42% trong tháng 6; doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng tháng 5 ở mức 12% và tháng 6 là 3%.

“Bám” truyền thông xã hội và thương mại điện tử để đi lên


Trong khi thị trường bán lẻ tại các khu trung tâm dần được củng cố thì khối nhà phố cho thuê chịu tác động mạnh bởi dịch COVID-19 khiến nhiều khách thuê nhà phố phải tái cấu trúc kinh doanh, hàng loạt chuỗi ăn uống và thời trang tại các vị trí đắc địa có kinh doanh giảm sút phải đóng cửa. 

Thậm chí nhiều nhà phố tại khu vực trung tâm phụ thuộc lĩnh vực thương mại du lịch bị hoàn trả do chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn chế đi lại giữa các quốc gia cùng với những trở ngại của việc xây dựng tuyến metro đang dở dang. 

“Khảo sát gần đây của Savills cho thấy các khách thuê tiềm năng đang tìm kiếm các ưu đãi giảm giá thuê lên tới -40% so với cuối năm trước và ở mức tối đa -20% do ảnh hưởng của dịch COVID-19” – chuyên gia Savills chia sẻ.

Và trong cái khó ló cái khôn, tại giai đoạn giãn cách dịch COVID-19, các cửa hàng bán lẻ truyền thống đã thay đổi chiến lược bằng việc thúc đẩy thương mại điện tử và sử dụng công nghệ để tăng doanh thu và cải thiện dịch vụ. 

Một trong những thương hiệu sử dụng truyền thông xã hội để kinh doanh
Một trong những thương hiệu sử dụng truyền thông xã hội để kinh doanh

“Các chiến lược cần được thay đổi khi thương mại điện tử phát triển. Cách tiếp cận trực tuyến hiệu quả sẽ giúp cho việc tăng trưởng kinh doanh” - bà Thu Hà, quản lý Bộ phận Cho thuê - Bán lẻ của Savills Việt Nam cho biết.

Cũng theo bà Hà, cùng với việc tập trung nhiều hơn vào truyền thông xã hội, các trang web được nâng cấp và nền tảng thương mại điện tử và ứng dụng di động có sự tăng trưởng. Về phía người tiêu dùng, họ nhanh chóng nhận thấy sự tiện lợi của mua sắm trực tuyến với dịch vụ giao hàng nhanh và hưởng lợi từ các chương trình khuyến mãi, ưu đãi, qua đó tăng thêm sức mua đã giúp thị trường bán lẻ tại TP.HCM trở lại đà tăng trưởng.