Bộ trưởng Bộ Y tế:

Tham nhũng vặt trong bệnh viện đã giảm mạnh

VietTimes -- Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, chỉ số tham nhũng vặt tại các bệnh viện đã giảm từ hơn 20% xuống còn 9% vào năm 2017 và dưới 4/1000 trong năm 2018.
Tại buổi hội nghị do Bộ Y tế tổ chức ngày 7/6, ngành y tế sẽ công bế những kết quả trong công tác đổi mới thái độ, nâng cao chất lượng bệnh viện và thẳng thắn chỉ ra các hạn chế còn tồn tại để khắc phục.
Tại buổi hội nghị do Bộ Y tế tổ chức ngày 7/6, ngành y tế sẽ công bế những kết quả trong công tác đổi mới thái độ, nâng cao chất lượng bệnh viện và thẳng thắn chỉ ra các hạn chế còn tồn tại để khắc phục.

Thông tin được Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh – bệnh viện xanh, sạch, đẹp; Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; Đổi mới cơ chế tài chính – bảo hiểm y tế (BHYT) khu vực phía bắc do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội ngày 6 – 7/6.

Chỉ số tham nhũng vặt trong bệnh viện giảm chính là một trong những nỗ lực của ngành y tế nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh trong suốt 5 năm qua.

Không chỉ chỉ số tham nhũng vặt được cải thiện, các tiêu chí khác cũng có kết quả rõ rệt như như sự hài lòng của người bệnh đạt 80% vào năm 2018, 60 – 70% bệnh viện xanh – sạch  - đẹp, 80% nhà vệ sinh đạt yêu cầu, bộ mặt của bệnh viện được thay đổi với những biển báo chỉ dẫn khoa phòng, có đường dây nóng phản ánh thông tin, thái độ phục vụ của nhân viên y tế thay đổi, có đồng phục bệnh viện, tỷ lệ bệnh nhân nằm ghép giảm rõ rệt…

Mặc dù đánh giá cao nỗ lực của toàn bộ ngành y tế trong việc nâng chất lượng, giữ chân người bệnh, song Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục sớm, để làm tốt hơn nữa công tác phục vụ bệnh nhân.

“Trong khảo sát chỉ số hài lòng, điều người dân khó chịu nhất là hạ tầng của bệnh viện. Chính tôi đi khảo sát cũng thấy cổng bệnh viện còn lộn xộn, nhiều rác, mất an ninh trật tự. Tôi rất thông cảm rằng bệnh viện ở trong khu dân cư, gần trường học nên nhiều việc còn khó kiểm soát, quản lý, nhưng các bệnh viện cần biết sắp xếp để cổng bệnh viện sạch hơn” – Bộ trưởng nói.

Bên cạnh đó, còn có tới 20% nhà vệ sinh bệnh viện chưa đạt tiêu chuẩn, nhân viên y tế chưa niềm nở với bệnh nhân. Thời gian chờ thanh toán tại các bệnh viện vẫn còn lâu, nhiều thủ tục,…

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị

Trong quản lý chất lượng bệnh viện, Bộ trưởng chỉ ra tình trạng "tham bát bỏ mâm" khi mỗi bệnh viện tuyến trung ương có tới 5.000 lượt khám, chữa bệnh mỗi ngày, bao gồm cả kỹ thuật khám, chữa bệnh cơ bản mà có thể chuyển về tuyến dưới.

“Bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh có tới 5.000 lượt khám mỗi ngày thì làm sao đảm bảo chất lượng? Việc này dứt khoát phải cải thiện, nâng cao hình ảnh của toàn bộ hệ thống khám, chữa bệnh” – Bộ trưởng thẳn thắn nói.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, trong một quần thể khám bệnh, có khoảng 5% bệnh nhân cần điều trị tại tuyến trung ương do mắc các bệnh nặng, 15% tập trung ở bệnh viện huyện, còn lại phải khám ở trạm y tế xã và trung tâm y tế huyện. Nhưng chúng ta đang làm ngược lại, các dịch vụ khám, chữa bệnh cơ bản như chăm sóc sức khỏe lần đầu, khám bệnh định kỳ… cứ tập trung hết ở tuyến trung ương, trong khi các bệnh viện đó phải sử dụng kỹ thuật cao, phục vụ người bệnh nặng, các ca bệnh khó, thu hút người nước ngoài tới khám, chữa bệnh …

Chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến mong muốn các bệnh viện cần quyết liệt hơn trong nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; tiếp tục tập huấn, thực hiện 8 thông tư về đổi mới trang phục, công tác xã hội, quy tắc ứng xử, thứ tư hòm tư góp ý, cơ sở xanh sạch đẹp, quy chuẩn khám, chữa bệnh, đổi mới phong cách thái độ và chỉ thị về đường dây nóng tại các bệnh viện.

Bên cạnh đó tăng cường đào tạo năng lực, chuyển giao kỹ thuật y tế xuống các trạm y tế xã, phường; cải thiện tình trạng quá tải bệnh viện; đẩy mạnh áp dụng bệnh viện thông minh, áp dụng tiêu chuẩn JCI trong quản lý chất lượng, đổi mới cơ chế tài chính; xây dựng quy định về khám bệnh theo yêu cầu; tiếp tục bổ sung quy định về liên doanh liên kết, xã hội hóa trong bệnh viện; tính đúng tính đủ giá dịch vụ y tế…