Theo TS. Phạm Thế Anh – Trưởng khoa Ngoại Gan - Mật - Tụy của Bệnh viện, khối u được dự đoán có đường kính khoảng 25cm, choán toàn bộ khoang ổ bụng của bệnh nhân. Với những khối u có kích thước lớn như vậy, cách duy nhất để chữa trị là phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ.
Song, khi mở ổ bụng của bệnh nhân, các bác sĩ hoàn toàn choáng váng khi thấy khối u khổng lồ nằm đè lên các quai ruột, đẩy nội tạng ra khỏi vị trí vốn có. Bề mặt khối u có rất nhiều mạch máu nuôi dưỡng giúp u tăng kích thước. Khối u xuất phát từ mạc treo đại tràng vùng góc gan, khiến các bác sĩ rất vất vả trong việc bóc tách, lấy toàn bộ khối u ra. Thêm vào đó, bệnh nhân bị thiếu máu mạn tính khiến cho việc phẫu thuật càng trở nên khó khăn.
Sau nhiều giờ kiên nhẫn lần lượt cắt, loại bỏ những phần khối u xâm lấn, phục hồi hệ tiêu hóa cho bệnh nhân, các bác sĩ lấy ra một khối u nặng gần 4kg và phải truyền cho bệnh nhân tới 300ml máu.
Khối u nặng gần 4kg lấy ra từ bụng bệnh nhân
|
TS. Phạm Thế Anh cho biết, u mạc treo ruột rất hiếm gặp, có tần suất khoảng 1/100.000 – 1/250.000 người. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, khiến bệnh nhân bị đau bụng, tắc ruột do khối u chèn ép vào các cơ quan nội tạng. Khi mắc u mạc treo ruột, bệnh nhân có thể tự sờ thấy khối u ở vùng giữa bụng.
U mạc treo ruột có thể là u lành tính hoặc ác tính. Vì vậy, TS. Phạm Thế Anh khuyến cáo, người bệnh nên đi khám ngay khi có các triệu chứng như đau, chướng bụng, tự sờ thấy khối u bất thường vùng bụng, tránh để khối u phát triển quá lớn gây khó khăn trong việc điều trị bệnh.