Trực chiến với đại dịch
Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở nước ta, các y, bác sĩ đã xác định sẵn tinh thần chiến đấu hết mình vì sự an toàn và sức khoẻ của người dân. Họ đã gác lại niềm vui đoàn tụ với gia đình để nỗ lực, cố gắng hết sức mình cứu chữa cho bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 đang điều trị ở bệnh viện.
Tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp là nơi điều trị cho nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 nhất, với hơn 30 trường hợp. Vì thế, để đảm bảo công tác điều trị cho bệnh nhân trong dịp Tết, cả 5 y, bác sĩ của Khoa đều phải trực chiến xuyên Tết.
BS. Nguyễn Hồng Long - Phó Trưởng khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương – người nằm trong kíp trực nhận nhiệm vụ trực xuyên Tết từ ngày 4/2 cho đến ngày 24/2 – chia sẻ: “Sau khi xong nhiệm vụ, chúng tôi phải tiếp tục cách ly thêm 21 ngày rồi mới về cách ly tại nhà 1 tuần. Nghĩa là chuyến này đi, anh em xác định hơn 1 tháng nữa mới trở về với gia đình”.
BS. Long tâm sự: “Khi chưa có COVID-19, kíp trực đêm 30 vẫn thường quây quần, cùng nhau chờ đón khoảnh khắc giao thừa. Tuy nhiên, năm nay, để đảm bảo nguyên tắc an toàn trước dịch bệnh, chúng tôi không thể thực hiện điều đó. Bữa ăn đêm 30 cũng có bánh chưng, kẹo, mứt nhưng sẽ được chia thành từng phần cho mọi người ăn riêng. Và thay vì những cái bắt tay, lời chúc đầu năm sẽ là những cuộc gọi, tin nhắn trên điện thoại”.
BS. Nguyễn Hồng Long - Phó Trưởng khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh - Thảo Vy) |
Nhận nhiệm vụ trực xuyên Tết, mỗi y, bác sĩ sẽ phải hy sinh một “góc riêng” của bản thân mình - có người xa quê, người phải gửi con sang nhà ông bà để trông trong dịp Tết, vì cả hai vợ chồng cùng đang nhận nhiệm vụ chống dịch ở các mặt "trận khác" nhau. "Thực sự không ai muốn phải xa gia đình, quê hương vào dịp Tết. Tuy nhiên, đây là trách nhiệm với nghề y, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức vì mục tiêu chung" – BS. Long cho hay.
Cũng như BS. Long, chị Vũ Thị Hải - điều dưỡng Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương – đã cầm lòng gác lại niềm vui nhỏ của gia đình để lên đường "chiến đấu" với dịch COVID-19 trong suốt dịp Tết ở Bệnh viện.
Chị Vũ Thị Hải - điều dưỡng Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh - Thảo Vy) |
“Theo kế hoạch cũ, tôi sẽ bắt đầu trực từ ngày 11 tháng giêng. Thế nhưng dịch diễn biến phức tạp trở lại, tôi cùng các đồng nghệp trong Khoa nhận lệnh trực xuyên Tết. Thực sự, cảm giác hụt hẫng là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, khi COVID-19 vẫn còn hiện diện, lực lượng tuyến đầu như chúng tôi luôn phải chuẩn bị sẵn tinh thần có thể lên đường bất cứ khi nào" – chị Hải bày tỏ.
Chủ động, tự tin chống dịch từ kinh nghiệm sẵn có
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, BS. Thân Mạnh Hùng – Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương – đã chia sẻ về tinh thần chống dịch trong dịp Tết của các bác sĩ ở bệnh viện.
“Tết năm ngoái, các bác sĩ ở bệnh viện đều trong trạng thái sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ chưa từng biết đến trong tâm thế không biết kẻ thù của mình như thế nào. Thời điểm đó, mọi thông tin về bệnh COVID-19 đều đến với chung tôi qua phương tiện truyền thông, bài báo khoa học từ đồng nghiệp ở Trung Quốc đưa lên. Năm ngoái là vậy nhưng năm nay đã khác vì tôi cùng các bác sĩ đã ít nhiều có kinh nghiệm trong xử trí, điều trị cho bệnh nhân và biết được tương đối rõ tác nhân gây bệnh cũng như kinh nghiệm nhất định qua quá trình điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 nặng. Bản thân tôi cùng các bác sĩ cũng đã có những bài báo chia sẻ với đồng nghiệp các đơn vị khác ở 3 miền. Vì thế, tôi cho rằng năm nay các bác sĩ chống dịch ở tâm thế chủ động, tự tin hơn so với năm ngoái dù vẫn còn không ít lo lắng” – BS. Hùng nói.
BS. Thân Mạnh Hùng – Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - theo dõi tình hình sức khoẻ của bệnh nhân ở bệnh viện (Ảnh - Minh Thuý) |
Chia sẻ về công việc trực Tết ở bệnh viện, BS. Hùng tiết lộ: “Với cá nhân tôi, gia đình đã quen với việc trực Tết xa nhà nên dường như không có gì đặc biệt. Thực ra việc ở lại bệnh viện 2-3 cũng thường xuyên nên tôi thấy cũng bình thường, không có vấn đề gì”.
Là một bác sĩ làm việc ở Khoa Cấp cứu trong bối cảnh đa phần bệnh nặng không thể ra viện, nhiều trường hợp phải hỗ trợ hô hấp, máy thở, điều kiện sức khỏe không đảm bảo nên khó tương tác với bác sĩ, đã có lúc BS. Hùng không thể cầm lòng.
“Có bệnh nhân muốn nói lời cảm ơn với tôi nhưng không nói được. Bệnh nhân hôn mê thường có người nhà đi cùng, tiếp nhận quà của Ban Giám đốc và lãnh đạo BV. Có người vẫn tỉnh táo, ý thức nhưng vì thiết bị hỗ trợ nên không nói được, thì biểu lộ bằng cảm xúc, có thể chỉ cần nhìn vào ánh mắt người ta mình cũng thấy được sự xúc động của bệnh nhân. Một cái nắm tay, một cái ôm,… đó là nghĩa cử truyền thống tốt đẹp của bà con mình, nhất là vào dịp Tết, khi mà ai đi xa cũng muốn trở về và hướng về gia đình, quê hương. Ở một lý do nào đó, họ phải bất đắc dĩ phải ở lại bệnh viện, được sự quan tâm của đồng bào thì họ cũng ấm lòng hơn. Trong tất cả các liệu pháp điều trị, chăm sóc bệnh nhân thì liệu pháp tâm lý rất quan trọng. Người ta nói rằng, khi có niềm tin, chúng ta sẽ dễ dàng chiến thắng bệnh tật hơn. Đây chính là truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình” – BS. Hùng nhấn mạnh.
BS. Đồng Phú Khiêm – Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh - Minh Thuý) |
Có thể thấy, với các bác sĩ ở BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trực Tết dường như đã trở thành công việc không thể thiếu đối với họ. BS. Đồng Phú Khiêm – Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực - cho biết: “Kế hoạch trực Tết của Khoa Hồi sức tích cực năm nay có khoảng 5-6 bác sĩ. Trong dịp nghỉ Tết, các bác sĩ sẽ chia nhau mỗi người trực 1 ngày, những người ở xa sẽ trực sau để có thêm thời gian nghỉ ngơi. Trực Tết khá vất vả, quê tôi ở Bắc Giang và thường trực ở bệnh viện vào giao thừa và mùng 1. Hơn 10 năm làm việc ở bệnh viện thì có tới 4-5 năm trực giao thừa”.
Trong quá trình điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 nặng, ca bệnh để lại nhiều kỷ niệm nhất đối với BS. Khiêm là bệnh nhân 19 (bác gái ruột bệnh nhân 17). Sự hồi phục của bệnh nhân một trong những kỳ tích của ngành hồi sức, bởi bệnh nhân mắc bệnh rất nặng, thậm chí còn ngừng tuần hoàn – tim ngừng đập, cơ hội sống rất ít. Trên thế giới, xác suất cấp cứu thành công trong bệnh nhân mắc COVID-19 bị ngừng tuần hoàn cực thấp. Ở Trung Quốc, Mỹ, 100% bệnh nhân ngừng tuần hoàn không thể cứu được. Nếu bệnh nhân được cấp cứu kịp thời thì cũng để lại biến chứng.
Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân 19 ở bệnh viện (Ảnh - Minh Thuý) |
Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các bác sĩ, bệnh nhân 19 đã được cấp cứu thành công với sức khoẻ ổn định, không để lại biến chứng. Để có được thành công này, các bác sĩ phải theo dõi sát sao từng phút, từng giây. Khi phát hiện tình huống bệnh nhân bị ngừng tuần hoàn, bác sĩ phải có trình độ rất tốt để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Hiện tại, BV Bệnh Nhiệt đới là nơi tiếp nhận hầu hết các bệnh nhân mắc COVID-19 nặng, nhiều ca phải thở máy, áp dụng tim phổi nhân tạo (ECMO). Trong quá trình điều trị, một vài bệnh nhân có nguy cơ ngừng tuần hoàn nhưng may mắn vẫn cứu được nhờ công tác chuẩn bị tốt, phương tiện và con người chưa quá tải, có sự quan tâm hỗ trợ của ban lãnh đạo và Bộ Y tế.