Đợt triển khai của tàu sân bay này cùng các tàu hộ tống diễn ra giữa lúc căng thẳng tăng cao giữa Trung Quốc và Mỹ, và sau khi Trung Quốc tuyên bố vào năm 2021 rằng sẽ tổ chức thường xuyên các hoạt động của tàu sân bay.
Mỹ kể từ những năm 1940 đã duy trì lượng lớn lực lượng đồn trú ở Tây Thái Bình Dương, trên đảo Okinawa. Hòn đảo này dù là một phần của Nhật Bản nhưng đến mãi những năm 1970 vẫn thuộc quản lý của quân đội Mỹ, và hiện nay vẫn là một trung tâm quan trọng cho các hoạt động quân sự của Mỹ.
Các chiến đấu cơ trên tàu Liêu Ninh, mặc dù được cho là chủ yếu sử dụng cho các nhiệm vụ chiến đấu không-đối-không, cũng có khả năng khai hỏa các loại đạn dược định hướng có độ chính xác cao, đe dọa các chiến hạm và cơ sở quân sự của địch. Mặc dù tàu Liêu Ninh là một trong những tàu sân bay lớn nhất thế giới, nhưng khả năng tung các đòn tấn công của nó được cho là khá hạn chế. Trong khi đó, các tàu khu trục và tàu ngầm hộ tống nó, được trang bị nhiều loại tên lửa hiện đại, lại có thể gây ra nhiều thách thức hơn đối với các cơ sở quân sự của Mỹ ở Okinawa.
Liêu Ninh là tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, biên chế vào năm 2012, và đến năm 2019 được cải biến từ một tàu sân bay huấn luyện thành tàu sân chiến đấu đầy đủ khả năng. Con tàu này là 1 trong số 5 chiến hạm của Trung Quốc đi vào hoạt động, cùng với tàu Sơn Đông, biên chế năm 2019 và 3 tàu chở trực thăng lớp Type 075.
Một tàu thứ sáu lớn hơn dự kiến sẽ ra mắt trong vài tuần lễ, sẽ là siêu tàu sân bay duy nhất hoạt động bên ngoài Hải quân Mỹ, cũng sẽ là lớp tàu duy nhất trên thế giới ngoài lớp Gerald Ford của Mỹ được trang bị các hệ thống phóng điện từ. Tàu sân bay mới dự kiến sẽ chở chiến đấu cơ J-15, hiện đang có trên tàu Liêu Ninh, cùng các chiến đấu cơ tàng hình như FC-31 và nhiều loại drone, các chiến đấu cơ tấn công điện tử và máy bay hỗ trợ.