“Với chiến thắng này, đất nước chúng ta đã hoàn toàn thoát khỏi vũng lầy chiến tranh” – phát ngôn viên của Taliban, Zabihullah Mujahid tuyên bố.
Nhiều bức ảnh trên mạng xã hội cho thấy các chiến binh của Taliban đang đứng trước cổng của khu phức hợp hành chính của tỉnh Panjshir.
Trong khi đó, phát ngôn viên của Mặt trận Kháng chiến Quốc gia (NRF), nói rằng tuyên bố chiến thắng của Taliban là sai sự thực, và lực lượng kháng chiến vẫn tiếp tục chiến đấu, thêm rằng các lực lượng của họ đã có mặt ở “những vị trí chiến lược” trên khắp thung lũng Panjshir.
Hiện người ta chưa rõ vị trí của lãnh đạo phe kháng chiến Ahmed Massoud và Amrullah Saleh, Phó Tổng thống của chính quyền cũ Afghanistan. Massoud viết trên Twitter rằng ông vẫn an toàn. Saleh đã tuyên bố ông là Tổng thống tạm quyền của Afghanistan sau khi Tổng thống Ashraf Ghani bỏ trốn khỏi đất nước.
Trước diễn biến trên, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tới Qatar để thảo luận về tình hình hỗn loạn sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.
NRF là tổ chức quy tụ các chiến binh địa phương trung thành với Massoud – con trai của vị tướng lĩnh nổi tiếng từng chống Liên Xô và Taliban, Ahmad Shah Massoud – và những binh sĩ Afghanistan tháo chạy tới thung lũng Panjshir, cách thủ đô Kabul khoảng 125 km về phía Bắc.
NRF nói trong một đoạn tweet khác trong hôm Chủ nhật tuần trước rằng phát ngôn viên Fahim Dashty, một nhà báo có tiếng ở Afghanistan, và tướng Abdul Wudod Zara đã tử nạn trong cuộc đụng độ mới nhất với Taliban.
Mujahid, phát ngôn viên Taliban, trong cuộc họp báo hôm đầu tuần này, nói rằng lực lượng kháng chiến đã đưa ra “những câu trả lời tiêu cực” khi Taliban cố gắng đàm phán, thêm rằng không có thường dân thương vong trong cuộc chiến giành lại Panjshir.
Những kẻ cai trị mới của Afghanistan cũng hứa hẹn sẽ cởi mở hơn so với giai đoạn cầm quyền đầu tiên. Taliban cũng hứa hẹn sẽ thành lập một chính phủ đại diện cho nhiều thành phần thiểu số phức tạp của đất nước.
Phụ nữ sẽ được cho phép theo học trường đại học, miễn là lớp học phải được phân chia theo giới tính hoặc ít nhất là có một tấm màn chia tách nam và nữ trong lớp học; cơ quan giáo dục của Taliban nói trong một văn bản dài công bố hôm cuối tuần trước.
Thêm vào đó, nữ sinh bắt buộc phải mặc áo dài che kín người cùng mạng che mặt. Trước đây, trong giai đoạn Taliban cầm quyền (1996-2001), quyền tự do của phụ nữ gần như không có.
Trong lúc Taliban đang trong quá trình chuyển đổi từ một nhóm nổi dậy vũ trang sang một chính phủ, họ phải đối mặt với vô vàn thách thức – như giải quyết vấn đề nhân đạo, mà trong đó sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế là cực kỳ cần thiết.
Người đứng đầu cơ quan nhân đạo của LHQ, Martin Griffith, đã tới Kabul để tham dự các cuộc họp với lãnh đạo Taliban về vấn đề này.
“Chính quyền đã cam kết bảo đảm sự an toàn và an ninh cho đội ngũ nhân viên nhân đạo, và quyền tiếp cận với những người cần hỗ trợ. Họ cam kết sự tự do di chuyển cho các nhân viên nhân đạo” – phát ngôn viên Stephane Dujarric của LHQ cho hay.