Tại sao Trung Quốc bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Mới đây, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố dữ liệu nợ của Mỹ: Tính đến tháng 8 năm nay, tổng nợ quốc gia của Mỹ lên tới 33,6 nghìn tỉ USD, trở thành quốc gia mắc nợ lớn nhất thế giới.

Với tổng nợ quốc gia lên tới 33,6 nghìn tỉ USD, Mỹ đã trở thành nước mắc nợ lớn nhất thế giới (Ảnh: Sohu)
Với tổng nợ quốc gia lên tới 33,6 nghìn tỉ USD, Mỹ đã trở thành nước mắc nợ lớn nhất thế giới (Ảnh: Sohu)

Số tiền Mỹ nợ Trung Quốc dưới hình thức trái phiếu kho bạc vào cuối tháng 8 đã giảm xuống còn 805,4 tỉ USD, giảm 16,4 tỉ USD so với tháng 7. Dữ liệu cũng cho thấy từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay, Trung Quốc đã bán tháo tổng cộng 61,7 tỉ USD trái phiếu Mỹ và đã bán tháo trong 8 tháng liên tiếp.

Nhiều người cảm thấy rất lạ khi lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ liên tục tăng và lãi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm thậm chí đã lên tới 5%, lập mức cao kỷ lục. Trong bối cảnh lãi suất tăng cao, tại sao Trung Quốc liên tục giảm số trái phiếu kho bạc Mỹ họ nắm giữ? Về vấn đề này, trang Sohu ngày 2/11 đăng bài phân tích, cho rằng có ba lý do chính khiến Trung Quốc tiếp tục bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ thay vì mua thêm vào để hưởng lợi nhuận.

Điều chỉnh cơ cấu dự trữ ngoại hối

Trước đây, cơ cấu dự trữ ngoại hối của Trung Quốc không hợp lý: tài sản bằng đô la Mỹ chiếm 70%, tài sản không phải bằng đô la Mỹ (USD) chiếm 30%. Với cơ cấu dự trữ ngoại hối như vậy, nếu giá trị tài sản bằng đồng USD giảm, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc sẽ bị thiệt hại rất lớn.

Để tối ưu hoá cơ cấu dự trữ ngoại hối của Trung Quốc, ngân hàng trung ương nước này đã bắt đầu giảm dần việc nắm giữ tài sản bằng đồng USD và tăng cường nắm giữ các tài sản khác như vàng, euro và bảng Anh. Điều này có thể làm giảm đáng kể tổn thất do sự sụt giảm tài sản bằng đồng USD.

Trung Quốc du tru euro va Bang thay vi chi du tru USD.jpeg
Thay vì chỉ dự trữ USD, ngân hàng Trung Quốc đã tăng tỷ lệ nắm giữ vàng và các ngoại tệ khác như euro và Bảng Anh (Ảnh: Sohu)

Giảm thiểu rủi ro có thể phát sinh từ việc Mỹ vỡ nợ

Dữ liệu cho thấy tổng quy mô nợ quốc gia của Mỹ hiện lên tới 33,6 nghìn tỉ USD, và trong một tháng qua, số nợ mới của Mỹ đã lên tới 600 tỉ USD. Tốc độ tăng trưởng nợ của Mỹ thực sự đáng kinh ngạc. Quy mô GDP của Mỹ vào năm 2022 đạt 22 nghìn tỉ USD. Như thế có nghĩa là, quy mô nợ quốc gia của Mỹ vượt xa quy mô GDP.

Trước vấn đề này, Trung Quốc lo ngại rằng với việc quy mô nợ của Mỹ tiếp tục mở rộng, đến một ngày nào đó nước Mỹ sẽ rơi vào khủng hoảng nợ. Đến lúc đó, các quốc gia nắm giữ số nợ lớn của Mỹ có thể sẽ chịu thiệt hại nặng nề. Do đó, Trung Quốc tận dụng lúc lãi suất trái phiếu của Mỹ đang tăng để giảm tỷ lệ nắm giữ trái phiếu của Mỹ.

Lo ngại về tương lai của nền kinh tế Mỹ

Kể từ năm ngoái, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã liên tục tăng lãi suất. Lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện ở mức gần 5%, là mức cao kỷ lục trong lịch sử. Với việc lãi suất trái phiếu Mỹ liên tục tăng, điều này không chỉ khiến nền kinh tế Mỹ khó phục hồi hơn mà còn làm tăng áp lực lên Fed trong việc trả nợ. Khi đó, nước Mỹ sẽ phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ. Vì vậy, trong khi nợ của Mỹ vẫn chưa bị vỡ, Trung Quốc phải giảm nắm giữ trái phiếu Mỹ để tránh nguy cơ bị vạ lây do Mỹ có thể vỡ nợ trong tương lai.

Trên thực tế, trong khi Trung Quốc liên tục giảm lượng nắm giữ trái phiếu của Mỹ thì Fed cũng đang điên cuồng bán trái phiếu. Dữ liệu cho thấy trong năm qua, bảng cân đối kế toán của Fed đã giảm 1 nghìn tỉ USD, bao gồm trái phiếu kho bạc Mỹ và chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp (MBS) do Fed nắm giữ. Tại thời điểm này, người bán trái phiếu của Mỹ lớn nhất đã "nổi lên mặt nước" và đó chính là Fed.

Fed tro thanh noi ban trai phieu lon nhat.jpeg
Fed hiện đã trở thành nơi bán trái phiếu Mỹ lớn nhất (Ảnh: Sohu).

Về vấn đề này, nhiều cư dân mạng tỏ ra bối rối: Với tư cách là ngân hàng trung ương của Mỹ, tại sao Fed lại không tăng tỷ lệ nắm giữ trái phiếu Mỹ mà hiện tại lại giảm tỷ lệ nắm giữ trên quy mô lớn? Trên thực tế, có hai lý do dẫn đến điều này: Một là, Fed đã bán tháo một lượng lớn nợ của Mỹ nhưng thứ họ thu lại chỉ là USD. Kết quả là lượng USD trên thị trường tài chính toàn cầu sẽ giảm, điều này có thể có tác dụng làm giảm lạm phát ở nước Mỹ.

Mặt khác, việc Fed giảm mạnh nắm giữ nợ của Mỹ chủ yếu là để rút đồng USD khỏi thị trường tài chính, điều này có thể giữ chỉ số USD ở mức cao, nếu kết hợp với lãi suất trái phiếu Mỹ tăng cao, nó có thể gây ra làn sóng tiền vốn đầu tư toàn cầu tới tấp chảy trở lại Mỹ, giúp Mỹ tranh đoạt và nắm giữ tài sản USD nhằm làm vỡ bong bóng tài sản ở một số quốc gia và gây khủng hoảng kinh tế và tài chính cho các quốc gia khác.

Theo Sohu