Trung Quốc liên tiếp bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ, lượng nắm giữ hiện ở mức thấp kỷ lục

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Theo dữ liệu mới nhất do Bộ Tài chính Mỹ công bố ngày 18/9, lượng trái phiếu Mỹ mà Trung Quốc, chủ nợ nước ngoài thứ hai của Mỹ, nắm giữ đã giảm xuống còn 821,8 tỉ USD trong tháng 7, mức thấp nhất trong 14 năm.

Lượng trái phiếu Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ hiện ở mức thấp kỉ lục kể từ năm 2019 (Ảnh: LTN)
Lượng trái phiếu Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ hiện ở mức thấp kỉ lục kể từ năm 2019 (Ảnh: LTN)

Vào ngày 18/9, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố Báo cáo lưu động vốn quốc tế (Treasury International Capital, TIC), cho thấy trong tháng 7, tổng số trái phiếu kho bạc Mỹ do nước ngoài nắm giữ đã tăng thêm 92 tỉ USD so với tháng 6, lên 7.650 tỉ USD, mức cao kỷ lục mới kể từ đầu tháng 2/2022.

Tính theo quốc gia và khu vực, Nhật Bản vẫn giữ vị trí dẫn đầu về lượng nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ ở nước ngoài với tổng cộng 1.112,5 tỉ USD trong tháng 7, tăng 6,9 tỉ USD so với tháng 6. Nhật Bản đã tăng lượng nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ hai tháng liên tiếp nhưng do tháng 5 giảm mạnh nên lượng nắm giữ tăng lên trong tháng 6 và tháng 7 vẫn chưa bù đắp được lượng giảm mạnh trong tháng 5. Vào tháng 5, Nhật Bản đã giảm 30,4 tỉ USD trái phiếu Mỹ họ nắm giữ, là mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 10 năm ngoái.

Bieu do Trung Quoc nam giu trai phieu My.jpg
Biểu đồ quy mô (cột màu xanh) và mức tăng giảm hàng tháng (đường màu vàng) trái phiếu Mỹ Trung Quốc nắm giữ gần 1 năm qua (Nguồn: Bộ Tài chính Mỹ).

Báo cáo TIC cho thấy Trung Quốc vẫn là quốc gia nắm giữ trái phiếu Mỹ ở nước ngoài lớn thứ hai sau Nhật Bản trong tháng 7, nhưng lượng nắm giữ đã giảm tháng thứ 4 liên tiếp xuống còn 821,8 tỉ USD, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2009, giảm 13,6 tỉ USD so với tháng 6, và từ tháng 5 đến tháng 7 mỗi tháng giảm ít nhất hơn 10 tỉ USD.

Kể từ tháng 4 năm ngoái, số trái phiếu Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ đã giảm xuống mức dưới 1 nghìn tỉ USD. Tính đến tháng 2 năm nay, Trung Quốc đã giảm lượng trái phiếu kho bạc Mỹ trong 7 tháng liên tiếp và tổng lượng nắm giữ của nước này đã ở mức thấp kỷ lục trong hơn 12 năm qua. Sau khi tăng lên vào tháng 3 và 4, đến tháng 5 lại xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2010.

Số liệu của TIC cho thấy trong số 10 quốc gia và khu vực nắm giữ trái phiếu Mỹ nhiều nhất, có tổng cộng 6 quốc gia đã tăng lượng nắm giữ trong tháng 7. Trong số đó, Quần đảo Cayman, đứng thứ 7 về tổng lượng nắm giữ, đã nắm giữ thêm 31,5 tỉ USD, mức tăng lớn nhất. Canada, xếp thứ 8, tăng lượng nắm giữ 22,9 tỉ USD; Luxembourg, nước xếp thứ 4, nắm giữ thêm 18,1 tỉ USD. Mức tăng ở các quốc gia và khu vực khác đều không bằng Nhật Bản.

Trong số các quốc gia và khu vực đã giảm lượng nắm giữ, Bỉ đã giảm 13,7 tỉ USD, chỉ nhiều hơn 100 triệu USD so với Trung Quốc và Vương quốc Anh, những nước đứng tiếp theo về tổng lượng nắm giữ; Thụy Sĩ giảm 4,2 tỉ USD.

Trai phieu My.png
Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn thứ hai của Mỹ, sau Nhật Bản (Ảnh: LTN).

Mặc dù báo cáo của TIC cho thấy Trung Quốc trong những tháng gần đây đã nhiều lần bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ, một số nhà bình luận cho rằng lượng nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ của Trung Quốc dường như đã giảm nhưng trên thực tế họ đã chuyển sang trái phiếu cơ cấu với lãi suất cao hơn.

Số liệu chính thức của Trung Quốc cho thấy dự trữ ngoại hối của Trung Quốc kể từ giữa năm nay đã liên tiếp tăng trở lại. Cục Quản lý Ngoại hối Quốc gia Trung Quốc (State Administration of Foreign Exchange, SAFE) tháng 8 công bố dự trữ ngoại hối của Trung Quốc trong tháng 7 là 3.204,3 tỉ USD, tăng 0,35% so với tháng 6, tăng 2 tháng liên tiếp.

Đồng thời, Trung Quốc tiếp tục tăng lượng vàng nắm giữ trong tháng 7. SAFE công bố dự trữ vàng trong tháng 7 là 68,69 triệu ounce, tăng 740.000 ounce so với tháng 6 và là tháng thứ 9 liên tiếp tăng.

Ban trai phieu My de bao ve NDT.jpeg
Các nhà nghiên cứu cho rằng Trung Quốc bán tháo trái phiếu Mỹ để bảo vệ
đồng Nhân dân tệ (Ảnh: CNS).

Các quỹ đầu tư nước ngoài đổ vốn vào Mỹ

Báo cáo của TIC Mỹ hôm 11/9 cho thấy sau khi Quốc hội Mỹ đã đạt được thỏa thuận vào tháng 6 để giải quyết cuộc khủng hoảng trần nợ, các quỹ đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ tiền trở lại vào thị trường tài sản Mỹ.

Tính cả các khoản đầu tư vào chứng khoán dài hạn và ngắn hạn cùng ngân hàng của Mỹ, dòng vốn từ nước ngoài vào Mỹ trong tháng 7 là 140,6 tỉ USD, đánh dấu hai tháng liên tiếp có dòng vốn đổ vào, với mức vượt quá 140 tỉ USD mỗi tháng.

Trong số đó, các nhà đầu tư tư nhân nước ngoài có dòng vốn ròng là 168,2 tỉ USD trong tháng 5 và 140,6 tỉ USD trong tháng 7, vượt mức 119,8 tỉ USD trong tháng 6. Dòng vốn vào từ các tổ chức chính thức ở nước ngoài như ngân hàng trung ương và quỹ tài sản chính phủ là 8,8 tỉ USD, thấp hơn nhiều so với con số 28 tỉ USD trong tháng 6, nhưng cao hơn quy mô 600 triệu USD hồi tháng 5.

Trong tháng 7, các nhà đầu tư tư nhân nước ngoài đã mua ròng 45,6 tỉ USD chứng khoán dài hạn của Mỹ, thấp hơn nhiều so với mức 183,9 tỉ USD trong tháng 6. Trong số đó, các nhà đầu tư tư nhân đã mua 58,6 tỉ USD, trong khi các tổ chức chính thức ở nước ngoài mua 60,2 tỉ USD vào tháng 6; trong tháng 7 lại bán tháo 13,1 tỉ USD.

Về động thái Trung Quốc bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ, các nhà phân tích chỉ ra rằng Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực bảo vệ sự mất giá của đồng NDT và việc bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ có thể được sử dụng cho mục đích can thiệp để hỗ trợ đồng tiền này.

Lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đầu tháng 7 ở mức 3,858% và tăng 9,9 điểm cơ bản lên 3,957% vào cuối tháng 7.

Theo Sohu, LTN