Căng thẳng là không thể tránh khỏi
Trao đổi với PV VietTimes, ThS. BS. Nguyễn Đặng Khiêm cho hay: các bác sĩ, đặc biệt là những bác sĩ trên tuyến đầu chống COVID-19 - những người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân không thể tránh khỏi sự căng thẳng trong công việc.
“Khi các bác sĩ bị stress tâm lý, các tế bào trong cơ thể sẽ mệt mỏi, sức đề kháng giảm, khả năng chống chịu với bệnh tật suy yếu làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.” – BS. Khiêm nói.
Đã xác định làm nghề, điều trị cho người bệnh mắc COVID-19, các bác sĩ đều chấp nhận dấn thân, chấp nhận những rủi ro không may có thể xảy ra.
ThS. BS. Nguyễn Đặng Khiêm thăm khám cho bệnh nhân tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu Nghị. Ảnh: Minh Thúy
|
Không chỉ vậy, virus không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Khi các bác sĩ, nhân viên y tế làm việc trong một môi trường “đậm đặc” virus thì việc lây nhiễm, sơ xuất dẫn đến lây nhiễm đều có thể xảy ra.
Chính vì thế, các bác sĩ phải có ý thức tự giác nâng cao sức khỏe cho bản thân. Bởi việc chống lại virus phụ thuộc vào sức đề kháng của mỗi người. Muốn nâng cao được sức khỏe, sức đề kháng để chống lại bệnh tật thì các bác sĩ phải có lịch làm việc hợp lý, có chế độ thay ca, chế độ nghỉ ngơi, không nên làm việc gắng sức khiến sức khỏe giảm sút.
Ngoài ra, tinh thần lạc quan, thoải mái trong công việc không chỉ giúp các bác sĩ giảm stress mà còn làm tăng sức đề kháng cho cơ thể, hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh.
Làm gì để tránh lây nhiễm chéo?
Trong công việc hàng ngày, đặc biệt trong suốt một thời gian dài làm việc trong môi trường “nguy hiểm”, rất khó để có thể đảm bảo an toàn 100% với nguy cơ nhiễm bệnh. Thực tế, đã có một vài bác sĩ nhiễm virus SASR-CoV-2 trong quá trình điều trị cho bệnh nhân.
Để giảm thiểu tối đa nguy cơ này, ThS. BS. Nguyễn Đặng Khiêm nhấn mạnh: các bác sĩ, nhân viên y tế phải được trang bị những trang thiết bị phòng hộ đảm bảo tiêu chuẩn. Đây là yếu tố quan trọng nhất để chống dịch COVID-19.
Tiếp theo đó, các bác sĩ, nhân viên y tế phải có đầy đủ kiến thức cũng như kỹ năng để sử dụng các trang, thiết bị phòng hộ chống dịch. Nếu các bác sĩ được trang bị bảo hộ tốt nhưng không có kỹ năng sử dụng (từ lúc mặc vào đến lúc tháo ra) thì sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Nhân viên y tế đo nhiệt độ cho người dân tại Bệnh viện Hữu Nghị. Ảnh: Minh Thúy
|
Khi các bác sĩ, nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ giao tiếp với bệnh nhân mắc COVID-19, bề mặt của bộ đồ bảo hộ có thể là nơi chứa virus. Sau khi tiếp xúc với người bệnh mà các bác sĩ tháo ra không đúng cách, khử khuẩn không đúng quy trình sẽ tạo ra sơ hở để nguồn bệnh lây nhiễm ra bên ngoài.
Vì vậy, những bác sĩ làm công tác điều trị cho người bệnh phải có đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết để tránh lây nhiễm chéo, ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
BS. Khiêm nhấn mạnh, ý thức của bệnh nhân là yếu tố quan trọng để chủ động phòng bệnh. Nếu bệnh nhân tuân thủ đúng hướng dẫn của nhân viên y tế thì việc phát tán virus, nguồn bệnh ra môi trường bên ngoài sẽ được hạn chế.
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu Nghị tổ chức tiêp đón, sàng lọc bệnh nhân ngay khi nhập viện. Ảnh: Minh Thúy
|
Đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện Hữu Nghị chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân nghi ngờ mắc/mắc COVID-19.
Trước tình hình dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, số ca mắc liên tục tăng, Bệnh viện đã trang bị đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện phòng dịch cho bác sĩ, nhân viên y tế, đồng thời, tuyên truyền cho người bệnh cũng như người nhà bệnh nhân các biện pháp phòng dịch có hiệu quả; tổ chức sàng lọc, phân loại người có triệu chứng sốt, ho, khó thở ngay từ khu vực cổng vào của Bệnh viện.