SSI: Khó đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 10% trong năm nay

VietTimes – Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2020 khoảng 10%, cách xa mức 13.65% của năm 2019. Dẫu vậy, theo SSI, để đạt được mục tiêu này, tín dụng 6 tháng cuối năm phải tăng trưởng tương đương cùng kỳ năm ngoái – điều khá khó khăn trong bối cảnh hiện tại.
Ảnh minh họa (Nguồn: khamphamoingay.com)
Ảnh minh họa (Nguồn: khamphamoingay.com)

Theo bản tin thị trường tiền tệ, trái phiếu tuần từ ngày 13/7 – 17/7/2020, CTCP Chứng khoán SSI (SSI) cho biết, tuần qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bơm ròng 6,4 tỷ đồng trên thị trường mở thông qua mua kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 3%/năm.

Thanh khoản tại các ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn rất dồi dào, lãi suất chốt tuần ở mức 0,19%/năm (giảm 0,03%) với kỳ hạn qua đêm và 0,27%/năm (giảm 0,05%) với kỳ hạn 1 tuần. Lãi suất tiền gửi đi ngang sau bước giảm mạnh trong tuần đầu tháng 7, hiện ở mức 3.5-4.25%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 4.4-6.7%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng, từ 5.5-7.5%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng.

NHNN ước tính tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 10%, cách xa mức 13.65% của năm 2019. SSI cho rằng, để đạt được mục tiêu này, tín dụng 6 tháng cuối năm phải tăng trưởng tương đương cùng kỳ năm ngoái.

“Đây là điều khá khó khăn trong bối cảnh hiện tại’’ – SSI đánh giá.

Tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng huy động từng tháng so với cuối năm liền kề
Tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng huy động từng tháng so với cuối năm liền kề (Nguồn: SSI)

Theo SSI, tình trạng dư thừa thanh khoản của từng ngân hàng phụ thuộc lớn vào đầu ra tín dụng, lãi suất tiền gửi có thể phân hóa và kéo rộng khoảng cách giữa các nhóm ngân hàng. Trong đó, các ngân hàng có đầu ra tín dụng yếu có thể giảm tiếp lãi suất, đặc biệt là các kỳ hạn ngắn.

Về thị trường ngoại hối, SSI cho biết, dù diễn biến dịch bệnh vẫn rất phức tạp nhưng các thông tin tích cực về triển vọng điều chế vắc xin và sự hồi phục của 2 đầu tàu kinh tế Mỹ và Trung Quốc đã giúp tâm lý thị trường có phần lạc quan hơn các tuần trước.

Dòng tiền rút mạnh khỏi các quỹ tiền tệ tại Mỹ và chảy vào chứng khoán (cổ phiếu và trái phiếu), chỉ số đo lường sức mạnh đồng USD (DXY) giảm mạnh về mức 95.9, đây là mức ngang với thời điểm đầu tháng 3, trước khi dịch bệnh bùng phát tại Mỹ.

Chốt tuần, EUR tăng giá +1.13% nhờ kỳ vọng về gói kích thích kinh tế chung 750 tỷ euro, CNY cùng tăng giá +0.1% trong khi JPY giảm nhẹ -0.08%, giá vàng nhích tăng +0.65% lên mức 1.810 USD/ounce.

Tại Việt Nam, tỷ giá USD/VND do các NHTM niêm yết tăng 10 đồng/USD, lên mức 23.070/23.280 trong khi tỷ giá thị trường tự do lại giảm 5 đồng/USD chiều mua vào và 15 đồng/USD chiều bán ra, về mức 23.165/23.185. Tỷ giá trung tâm tăng thêm 19 đồng/USD, lên mức 23.235 đồng/USD.

Theo Tổng cục Hải Quan, cán cân thương mại trong tháng 6 tiếp tục thặng dư 1.85 tỷ USD, lũy kế 6 tháng 2020 thặng dư 5.46 tỷ USD, cao gấp 3.2 lần 6 tháng đầu năm 2019. Theo SSI, cung cầu ngoại tệ vẫn khá thuận lợi và đồng USD có xu hướng giảm giá, tỷ giá USD/VND sẽ vẫn đi ngang ở vùng hiện tại./.