SouthernBank và Sacombank chính thức "về một nhà"

Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2015 của ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) diễn ra sáng ngày 11/7 chính thức công bố chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước về Đề án sáp nhập ngân hàng TMCP Phương Nam (SouthernBank) vào Sacombank.
Chủ tịch Sacombank - Kiều Hữu Dũng (trái) và Chủ tịch Eximbank - Lê Hùng Dũng (ngồi kế) tại cuộc họp.
Chủ tịch Sacombank - Kiều Hữu Dũng (trái) và Chủ tịch Eximbank - Lê Hùng Dũng (ngồi kế) tại cuộc họp.

 
Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2015 của Sacombank diễn ra với sự tham dự của hàng trăm cổ đông với tỷ lệ 79,19% cổ phần có quyền biểu quyết.

Theo nội dung Đề án sáp nhập giữa hai ngân hàng, tên mới của ngân hàng sau sáp nhập có tên là: Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), vốn điều lệ là 18.852 tỷ đồng, trụ sở chính tại 266-268 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP. Hồ Chí Minh.

Dự kiến, kế hoạch tài chính sau 3 năm sáp nhập của Sacombank từ năm 2015-2017, tổng tài sản năm 2015 là 290.861 tỷ đồng, năm 2016 là 319.976 tỷ đồng và năm 2017 là 354.678 tỷ đồng. Tổng vốn chủ sở hữu năm 2015 là 22.645 tỷ đồng, năm 2016 l à 24.458 tỷ đồng và năm 2017 là 26.633 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế trong 3 năm 2015-2017 lần lượt là: 781,899 tỷ đồng, 883,125 tỷ đồng và 1.039 tỷ đồng. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) trên 9%. Dự kiến tỷ lệ chi trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế trong 3 năm là 3%.

Trong 3 năm tới, Sacombank tập trung vào các mục tiêu chính: vốn điều lệ bình quân tăng gần 10%, tổng tài sản tăng bình quân hơn 10%, tổng vốn huy động bình quân tăng gần 11%, tổng cho vay bình quân tăng gần 17%, tổng thu nhập hoạt động tăng bình quân gần 30%, cổ tức hằng năm/vốn cổ phần bình quân 3%/năm.

Các mục tiêu trên được xây dựng trên quan điểm thận trọng trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn. Trường hợp nền kinh tế phục hồi nhanh thì các mục tiêu trên phấn đấu tăng bình quân từ 15-20%.

Giai đoạn 2015-2017, Sacombank cũng dự kiến tăng thành viên Hội đồng quản trị độc lập. Dự kiến thành viên nhân sự cấp cao của Sacombank sau sáp nhập: Hội đồng quản trị gồm 9 thành viên, Ban kiểm soát gồm 5 thành viên và Ban điều hành gồm 25 thành viên.

Sau khi đề án sáp nhập này thành công, quy mô ngân hàng sáp nhập sẽ tăng trưởng vượt nhanh, vốn điều lệ sẽ đạt trên 18.800 tỷ đồng, tổng tài sản đạt trên 290.000 tỷ đồng, như vậy ngân hàng sẽ nằm trong Top 5 ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam.

Tỷ lệ hoán đổi cổ phần hợp nhất sẽ theo tỷ lệ 1:0,75, tức 1 cổ phiếu của Southern Bank sẽ hoán đổi thành 0,75 cổ phiếu của Sacombank.

Việc hoán đổi cụ thể như sau: 1 cổ phiếu của cổ đông cũ Sacombank sẽ nhận thêm 0,387 cổ phiếu của Sacombank, bao gồm: cổ phiếu nhận thêm từ tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu PNB (0,087 CP); trả cổ tức 8% bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế của năm 2013 (0,080 CP), trả cổ tức 12% bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế của năm 2014 (0,120 CP); và thưởng cổ phiếu từ chia cổ phiếu quỹ (0,0875 CP) và từ thặng dư vốn cổ phần (0,0125 CP).

Lãnh đạo Sacombank cho biết, dự thảo đề án sáp nhập này đã được hai ngân hàng xây dựng và hoàn thiện từ tháng 2/2015. Dự kiến trong quý 3, việc sáp nhập sẽ được NHNN chấp thuận nguyên tắc và chính thức, đồng thời hai bên sẽ hoàn thiện các thủ tục khác trong thời gian này. Sang quý 4/2015 sẽ xin lưu ký và niêm yết bổ sung cổ phiếu Sacombank. Các thủ tục sau sáp nhập như sắp xếp mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch, sắp xếp nhân sự quản lý, điều hành… cũng sẽ thực hiện trong quý cuối năm nay.

Một trong những nội dung tái cơ cấu Sacombank đặt ra trong giai đoạn 2015-2017 là chuyển dịch mô hình kinh doanh theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng, tăng nguồn thu nhập phi tín dụng.

Cụ thể, Sacombank tiếp tục đẩy mạnh mảng ngân hàng bán lẻ, tăng cường liên kết, hợp tác với các tổ chức kinh tế, cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trọn gói, nhiều tiện ích, dịch vụ ngân hàng đặc trưng cho các phân khúc khách hàng riêng biệt. Sacombank cũng ưu tiên phát triển nhanh các kênh phân phối dịch vụ ngân hàng hiện đại: ATM, dịch vụ ngân hàng trực tuyến, dịch vụ mobile Banking, dịch vụ ngân hàng qua điện thoại.

Tổng số điểm giao dịch của Sacombank sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho phép chuyển đổi 12 chi nhánh và thành lập mới 18 điểm giao dịch và thành lập 52 phòng giao dịch sẽ là 649 điểm, gồm trong nước 112 chi nhánh, 526 phòng giao dịch, ngoài nước gồm 2 ngân hàng con và 09 chi nhánh.

Theo đề án được Phó chủ tịch Sacombank Nguyễn Miên Tuấn trình bày ngay sau khi khai mạc, nhà băng sau sáp nhập sẽ nằm trong Top 5 ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam, có vốn điều lệ trên 18.853 tỷ đồng. Trong đó, vốn điều lệ Sacombank hơn 12.425 tỷ đồng, Southern Bank là 4.000 tỷ đồng và hơn 2.427 tỷ đồng từ vốn điều lệ dự kiến tăng thêm từ chia cổ tức (2013-2014) và cổ phiếu thưởng. 

Tổng tài sản của tổ chức mới là 290.000 tỷ đồng và dự kiến tăng lên gần 355.000 tỷ vào năm 2017. Ngân hàng sẽ có mạng lưới hoạt động 567 điểm giao dịch trải dài trên cả nước và tại Campuchia, Lào, với tổng số lượng khách hàng khoảng 3,5 triệu khách hàng và trên 15.510 cán bộ.

Tính đến cuối năm 2014, nợ xấu của SouthernBank ở mức hơn 2.500 tỷ đồng (tăng 948 tỷ so với đầu năm), chiếm 5,89% tổng dư nợ. Riêng nợ xấu đã bán cho VAMC là 619 tỷ đồng.

Tổng tài sản của SouthernBank đạt hơn 82.000 tỷ đồng, tăng 5,82% so với đầu năm. Tổng nguồn vốn huy động tăng 5,71%, dư nợ cấp tín dụng của SouthernBank đạt 43.329 tỷ đồng, chỉ tăng 0,08% so với đầu năm 2014. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 17 tỷ đồng, giảm gần 5% so với 2013. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) đạt trên 14%.

Sau đại hội bất thường của Sacombank sáng nay, ngày 14/7 Southern Bank cũng tổ chức họp tương tự để quyết định kế hoạch sáp nhập. Ảnh:Lệ Chi

Sau đại hội bất thường của Sacombank sáng nay, ngày 14/7 Southern Bank cũng tổ chức họp tương tự để quyết định kế hoạch sáp nhập. Ảnh:Lệ Chi

Trong khi đó, năm 2014 theo báo cáo hoạt động từ ban điều hành, riêng Sacombank (công ty mẹ) đạt tổng tài sản gần 189.000 tỷ đồng, tăng 17,8% so với 2013; huy động vốn tăng 19,3%; dư nợ tín dụng tăng 18,3%. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2.800 tỷ đồng, và nếu loại trừ các yếu tố bất thường do ảnh hưởng từ các khoản nợ bán cho VAMC thì lợi nhuận trước thuế là hơn 3.400 tỷ đồng.

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 13,21%; tỷ suất lợi nhuận trên tổng tàn sản (ROA) đạt 1,31%; lợi nhuận trên một cổ phần (EPS) đạt 1.931 đồng. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 9,87%; tỷ lệ nợ xấu 1,18% trên tổng dư nợ.

Năm 2015, ngân hàng này đặt mục tiêu tăng tổng tài sản thêm 14% lên trên 214.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tăng lên 19.900 tỷ, trong đó vốn điều lệ 14.853 tỷ - tăng 19,5% so với năm 2014. Tín dụng dự kiến tăng trưởng 11%, huy động vốn tăng khoảng 14%. Lợi nhuận trước thuế đặt ra là 3.000 tỷ đồng và có thể điều chỉnh tăng giảm 10% tùy theo diễn biến nền kinh tế. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến không quá 2,5% và tỷ lệ cổ tức 8 - 10%.

Theo VNE