Sẽ có biện pháp rắn để thúc đẩy cổ phần hóa DNNN

Chính phủ dự định sẽ áp dụng hàng loạt biện pháp mạnh để “ép” cổ phần hóa về đích, vì sau nửa năm, kế hoạch cổ phần hóa mới chỉ hoàn thành được 21,1%, bán ra được 19,7% số cổ phần khi IPO.
Thoái vốn nhà nước tại các lĩnh vực ngân hàng, tài chính trong sáu tháng đầu năm mới đạt 15% yêu cầu đặt ra
Thoái vốn nhà nước tại các lĩnh vực ngân hàng, tài chính trong sáu tháng đầu năm mới đạt 15% yêu cầu đặt ra

Trong 6 tháng đầu năm nay chỉ có 46 doanh nghiệp được cổ phần hóa (CPH) so với kế hoạch phải CPH 228 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong năm nay. Và trong số 557 triệu cổ phiếu của 46 doanh nghiệp này được chào bán chỉ bán được 110 triệu cổ phiếu, thu về 1.098 tỉ đồng, một con số rất thấp.

Nửa đầu năm mới hoàn thành 21% kế hoạch CPH, thì việc hoàn tất CPH 79% số DNNN doanh nghiệp trong sáu tháng còn lại là một thách thức có lẽ khó vượt qua, chưa kể đến 125 doanh nghiệp được phê duyệt bổ sung kế hoạch CPH năm nay.

Trước tình hình này, Chính phủ cho rằng, trong quí 3 phải hoàn thành phê duyệt phương án CPH 44 doanh nghiệp đã có quyết định công bố giá trị doanh nghiệp; và phải hoàn thành công bố giá trị của 127 doanh nghiệp hiện đang tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp.

Tiếp theo, trong quí 4, hoàn thành phê duyệt phương án CPH 127 doanh nghiệp nêu trên. Nếu các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty thực hiện nghiêm túc tiến độ này thì năm 2015 có thể hoàn thành CPH 200 đến 230 doanh nghiệp; nói khác đi là tiến độ CPH doanh nghiệp vẫn về đích đúng hạn.

Những doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án CPH nhưng chưa có điều kiên tổ chức bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ngay thì chuyển thành công ty cổ phần với các cổ đông là nhà nước, tổ chức công đoàn, người lao động... để thay đổi mô hình quản trị.

Mặt khác, theo Ban chỉ đạo đổi mới phát triển doanh nghiệp trung ương, chính các bộ ngành chưa tập trung cho việc ban hành cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn khi CPH theo đúng kế hoach đã đề ra.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 5-2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết với một số nội dung mang tính đột phá để đẩy nhanh tiến độ, trong khi chưa sửa được các nghị định có liên quan, trong đó có việc áp dụng hình thức thoái vốn tại doanh nghiệp CPH chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán và chưa bàn giao về SCIC.

Nhưng sau đó Bộ Tư pháp lại cho rằng quyết định của Thủ tướng có hiệu lực pháp lý thấp hơn nghị định của Chính phủ nên không đủ hiệu lực pháp luật để thay thế các quy định có liên quan tại các nghị định đã ban hành. Trong khi đó, Ban chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp lại không đồng tình với Bộ Tư pháp, bởi lẽ nếu thể chế hoá dưới hình thức nghị định như ý kiến của Bộ Tư pháp thì đâu cần Chính phủ phải thảo luận và ban hành nghị quyết.

Biện pháp cứng rắn nhất mà Ban chỉ đao đổi mới doanh nghiệp nhấn mạnh với các bộ, ngành rằng: Ngay trong năm 2015, chủ tịch và tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và DNNN không hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch tái cơ cấu đã được phê duyệt mà không có lý do chính đáng hoặc lý do đó không được Thủ tướng chấp thuận thì không được không được xem xét bổ nhiệm, đưa vào quy hoạch lên chức vụ cao hơn hoặc bổ nhiệm lại.

Theo TBKTSG