Trao đổi với chúng tôi, hầu hết các chuyên gia đều nhất trí, chủ trương thoái vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp mà SCIC đang nắm giữ theo tinh thần của văn bản số 1787/TTg-ĐMDN là hết sức phù hợp, đúng đắn, góp phần quan trọng vào tiến trình đổi mới kinh tế và phát triển đất nước.
“Tôi thấy rằng việc đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước là một bước đi rất thích hợp. Quyết định đó cho thấy Chính phủ đã dần dần thoát ra khỏi việc tham gia vào các lĩnh vực kinh tế mà đáng lý ra nên để cho tư nhân. Nó làm tôi nhớ đến một câu nói của các nước Tây phương, đó là: “Của Caesar trả lại Caesar””, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu bình luận.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, TS. Nguyễn Đức Kiên cũng đánh giá, việc Chính phủ đồng ý cho SCIC chọn thời điểm thoái vốn tại 10 doanh nghiệp như đã nêu là một động thái hoàn toàn bình thường, thậm chí còn là muộn nếu đối chiếu với các văn bản luật đã được Quốc hội thông qua.
Cụ thể, căn cứ theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp thì hoạt động của cả 10 công ty được liệt kê tại văn bản 1787/TTg-ĐMDN đều không thuộc phạm vi cần phải đầu tư vốn nhà nước (bao gồm: Doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội (1); Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh (2); Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền tự nhiên (3); Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế (4)).
“Luật được ban hành từ ngày 26 tháng 11 năm 2014 và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2015 mà đến bây giờ - tháng 10 rồi - mới công bố quyết định thoái vốn của SCIC tại 10 công ty kia thì thực ra đã là chậm. Chứ không phải là một cái gì đó quá nhanh hay thảng thốt gì”, ông Kiên nói.
Theo TS. Nguyễn Đức Kiên điều mà xã hội cần thiết phải quan tâm, dư luận thực sự phải nghiên cứu, đó là việc thoái vốn của SCIC sẽ được thực hiện theo phương thức nào(?). Có hai cách phổ biến nhất hiện nay, đó là: bán cho nhà đầu tư chiến lược (1); bán đấu giá công khai (2).
Lấy trường hợp Vinamilk, vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội nêu ý kiến: “Vinamilk có cần nhà đầu tư chiến lược không (?) hay chúng ta bán Vinamilk với mục đích thu lại lợi nhuận cao nhất cho Nhà nước (?). Trước tiên, chúng ta phải tìm được lời giải cho bài toán đó!”.
“Không thể đấu giá theo kiểu chọn nhà đầu tư chiến lược”
Trên quan điểm của mình, ông Kiên cho rằng việc SCIC thoái vốn khỏi Vinamilk, FPT, VINARE hay các công ty khác phải đứng trên lập trường bán làm sao có lợi nhất cho đất nước.
“Vậy thì ở đây không cần cái gọi là đầu tư chiến lược cho ngành sữa, bởi, sữa ở đây không phải là ngành đầu tư chiến lược. Ngay cả tác động hỗ trợ của ngành sữa cho phát triển đời sống, kinh tế của bà con nông dân hiện nay, thực tế, cũng là rất hạn chế.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng trường hợp của Vinamilk không cần nhà đầu tư chiến lược vì thông thường chỉ những doanh nghiệp yếu mới cần nhà đầu tư chiến lược. Nhà đầu tư chiến lược là để bổ khuyết cho doanh nghiệp những hạn chế về kinh nghiệm, trình độ quản lý, thị trường, công nghệ, vốn…, và những cái đấy thì Vinamilk không thiếu. Tiềm lực và triển vọng phát triển của doanh nghiệp này là đặc biệt bền vững, thậm chí Vinamilk còn nằm trong top những doanh nghiệp hàng đầu khu vực.
TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội
Do đó, việc thoái vốn của SCIC khỏi Vinamilk phải đặt mục tiêu lợi nhuận lên cao nhất. Theo tôi, trong trường hợp này không thể đấu giá theo kiểu chọn nhà đầu tư chiến lược”, TS Kiên bày tỏ.
Vị quan chức Quốc hội nhưng luôn nhận mình chỉ là một người làm nghiên cứu ngay thẳng trao đổi với phóng viên: Chọn nhà đầu tư chiến lược, có nghĩa là chúng ta vẫn muốn duy trì doanh nghiệp đấy trong tầm kiểm soát của chúng ta. Còn về nguyên tắc khi đã thoát hết vốn khỏi một doanh nghiệp, chẳng một nhà đầu tư nào lại muốn quan tâm đến việc “ông mua tôi có phải đầu tư chiến lược hay không(?!)”, mà cái quan trọng nhất chỉ là giá giao dịch và lợi nhuận thu về. Và xét cho cùng, trong trường hợp này, SCIC (Nhà nước) cũng chỉ đứng trên vai trò của một nhà đầu tư.
Cẩn thận “củi lửa”
Một lý do khác mà theo TS. Nguyễn Đức Kiên phải nên tránh thoái vốn nhà nước theo phương thức lựa chọn nhà đầu tư chiến lược là nguy cơ “lợi ích nhóm”.
Bởi phương thức đó sẽ khiến việc thoái vốn nhà nước khỏi 10 doanh nghiệp như Vinamilk, VINARE, FPT hay FPT Telecom,… tiềm ẩn nhiều “điểm mù” trong việc lựa chọn nhà đầu tư, lựa chọn giá giao dịch, khối lượng chuyển nhượng…
TS. Kiên phân tích: Việc thoái vốn cần được thực hiện minh bạch, công khai trên nguyên tắc mang về lợi ích cao nhất cho nhà nước. Bài học tư hữu hóa công sản tại các nước Liên Xô và Đông Âu đầu thập niên 90 cần được nhớ lại, xem xét và rút kinh nghiệm.
“Trong trường hợp này, việc thoái vốn nhà nước cần thiết phải được thực hiện đấu giá công khai trên các sàn giao dịch chứng khoán”, ông nói.
Áp dụng phương pháp đấu giá cổ phần công khai trên sàn chứng khoán, theo TS. Nguyễn Đức Kiên, ngoài việc giúp nhà nước thu được lợi ích cao nhất, còn mang lại tác động quan trọng hỗ trợ thị trường chứng khoán hồi phục và tăng trưởng, kích thích thị trường vốn phát triển và phát huy vai trò kênh huy động vốn cho nền kinh tế.
Có nhất thiết SCIC phải là đơn vị đứng ra thực hiện việc tổ chức thoái vốn?
Đó cũng là một yếu tố mà Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng phải cân nhắc.
“Chọn ai làm người tư vấn đấu giá? Chọn ai làm người giám sát việc bán đấu giá của SCIC? Bộ Tài chính phải trả lời câu hỏi: Để SCIC với những “điều ong tiếng ve” về năng lực quản trị, điều hành thực hiện việc bán vốn tại Vinamilk, FPT,… có phải là một cách làm hay, một giải pháp tốt nhất, hiệu quả nhất (?)”, TS. Kiên thẳng thắn chia sẻ.
TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển – Bộ KH&ĐT
Đồng tình với quan điểm của ông Kiên, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển – Bộ KH&ĐT, cũng cho rằng, việc thoái vốn của SCIC nhất thiết phải được tổ chức công khai và giám sát chặt chẽ, tránh các kịch bản chi phối không lành mạnh. Ông khuyến nghị nên lựa chọn phương thức đấu giá công khai trên các sở giao dịch thay vì bán cho nhà đầu tư chiến lược.
“Đơn cử với trường hợp của Vinamilk, đây là một doanh nghiệp hiếm hoi của nước ta đạt tầm khu vực, hiệu quả hoạt động, sản xuất kinh doanh bền vững,… nên việc thoái vốn cần được thực hiện cẩn trọng, sao cho đem lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước. Nhưng cũng cần thiết chú ý tránh trường hợp để nước ngoài thôn tính”, TS. Hồ bổ sung thêm.
Ninh Giang