Theo thông báo này, SCIC sẽ chào bán đấu giá toàn bộ 38.529.750 cổ phần mà đơn vị này đang sở hữu tại Viettronics, với giá khởi điểm là 15.100 đồng/cổ phần.
“Đề nghị Công ty chứng khoán có nhu cầu làm đại lý cho cuộc đấu giá gửi Đơn đăng ký làm đại lý đấu giá về Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (số 2 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội) chậm nhất đến 16 giờ ngày 23/03/2017”- HNX thông tin.
Tuy đã được cổ phần hóa từ cách đây hơn chục năm (năm 2006), nhưng cơ cấu sở hữu của Viettronics hiện vẫn do Nhà nước chi phối chủ yếu, với tỷ lệ lên đến 73,11% (385,3 tỷ đồng/438 tỷ đồng vốn điều lệ doanh nghiệp).
Báo cáo tài chính gần nhất mà Viettronics (Quý IV/2016) công bố cho thấy, kết quả hoạt động của doanh nghiệp này không xấu nhưng cũng không quá nổi trội. Báo cáo do doanh nghiệp tự thống kê và công bố, nên vẫn cần kết quả soát xét của đơn vị kiểm toán để xác nhận lần cuối.
Lũy kế cả năm 2016, công ty đạt doanh thu 342,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gấp 3,5 lần 2015 song không quá lớn về số tuyệt đối: 11,5 tỷ đồng. Cập nhật tại 31/12/2016, tổng tài sản của Viettronics là 740,2 tỷ đồng; Trong đó, vốn chủ sở hữu là 530 tỷ đồng, nợ phải trả là 209,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, giá trị của Viettronics có lẽ ẩn tiềm ở đặc thù hoạt động (Điện tử dân dụng; Năng lượng và Công nghiệp; Cơ điện tòa nhà; Điện tử Y tế) và một số mảnh đất đắc địa mà tổng công ty này hay các đơn vị thành viên đang quản lý, sở hữu.
Báo cáo tài chính của Viettronics có liệt kê một số tài sản vô hình là quyền sử dụng đất mà doanh nghiệp đang sở hữu.
Có thể kể đến như quyền sử dụng đất vô thời hạn tại 197 Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Nội; Quyền sử dụng đất vô thời hạn tại 29F Hai Bà Trưng, Hà Nội; Quyền sử dụng đất vô thời hạn tại số 118 Cát Bi, quận Hải An, Tp. Hải Phòng. Viettronics xác định giá trị của lô tài sản vô hình này, cập nhật tại 30/09/2016, ở mức 17,8 tỷ đồng.
Được biết, Tổng Công ty Cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam (Viettronics) tiền thân là Phòng Nghiên cứu Ðiện tử thuộc Bộ Cơ khí và Luyện kim (nay là Bộ Công Thương), được thành lập tháng 10/1970.
Năm 1980, trên cơ sở các xí nghiệp điện tử thuộc Bộ Cơ khí và Luyện kim trong cả nước, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã quyết định thành lập Liên hiệp các Xí nghiệp Điện tử trực thuộc Bộ Cơ khí và Luyện kim có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh. Sau đổi thành Liên hiệp Ðiện tử Tin học Việt Nam trực thuộc Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương).
Ngày 27/10/1995, Tổng Công ty Điện tử và Tin học Việt Nam được thành lập theo mô hình Tổng Công ty 90 trên cơ sở Liên hiệp Ðiện tử Tin học Việt Nam hoạt động trong 3 lĩnh vực chính là: điện tử dân dụng, điện tử chuyên dụng và công nghệ thông tin với 13 doanh nghiệp thành viên doanh thu hàng năm khoảng 100 triệu USD, gia công xuất khẩu đạt khoảng 30 triệu USD/năm.
Tháng 5 năm 2004 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định cho phép tiến hành Cổ phần hóa thí điểm 5 doanh nghiệp Nhà nước ở cấp độ Tổng Công ty trong đó có Tổng Công ty Điện tử và Tin học Việt nam. Đề án cổ phần hóa Tổng Công ty Điện tử và Tin học Việt nam đã được Thủ tướng phê duyệt ngày 7/1/2005.
Ngày 21/11/2006, tại hai Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Tổng Công ty Điện tử và Tin học Việt Nam đã thực hiện thành công phiên đấu giá bán cổ phần lần đầu tiên ra bên ngoài.
Ngày 3/2/2007, Đại hội đồng Cổ đông lần thứ nhất, đồng thời là đại hội đồng cổ đông thành lập Tổng Công ty Cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam đã được tổ chức thành công tại Hà Nội.
Ngày 1/3/2007, Tổng Công ty Cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam chính thức đi vào hoạt động với mô hình mới. Phần vốn Nhà nước được giao về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) quản lý.
Ngày 25/08/2013 Đại hội Cổ đông Tổng công ty CP Điện tử và Tin học Việt Nam đã nhất trí thông qua thay đổi tên giao dịch tiếng Anh của Tổng công ty là VIETTRONICS CORPORATION.
Hiện, cấu trúc của Viettronics Corporation bao gồm Tổng công ty mẹ, 7 công ty con, 4 công ty liên kết, 1 công ty liên doanh. Ngoài ra còn có Trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics.
Trong số các công ty con của Viettronics có CTCP Viettronics Đống Đa. Tại đây, Viettronics đang nắm giữ 51,07% cổ phần trên tổng số 22 tỷ đồng vốn điều lệ.
Tiền thân của Công ty cổ phần Viettronics Đống Đa là Viettronics Đống Đa - tên viết tắt của “Xí nghiệp sửa chữa và chế tạo các thiết bị điện tử công nghiệp”. Viettronics Đống đa được đổi tên từ: “Phòng nghiên cứu điện tử “ ngày 30 tháng 4 năm 1982. Phòng Nghiên cứu Điện tử trực thuộc Bộ Cơ khí và Luyện kim được ra đời ngày 29/10/1970.
Công ty cổ phần Viettronics Đống Đa được thành lập theo quyết định số 3861 QĐ-BCN ngày 24 tháng 11 năm 2005 của Bộ Công Nghiệp (nay là Bộ Công Thương) về việc phê duyệt phương án và chuyển Công ty Điện tử Đống Đa thành Công ty cổ phần Viettronics Đống Đa. Công ty nhận được Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu số: 0103013134 ngày 13 tháng 07 năm 2006 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội cấp.
Năm 2009, Công ty Cổ phần Viettronics Đống Đa bắt tay với Công ty Cổ phần Vicom (Vingroup hiện tại) thành lập Công ty TNHH Bất động sản Viettronics để xây dựng dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại – Văn phòng – Căn hộ cao cấp tọa lạc trên khu đất rộng 1,3 ha do Công ty Cổ phần Viettronics Đống Đa quản lý, tại số 56 đường Nguyễn Chí Thanh.
Dự án này ban đầu có tên Viettronics Tower nhưng sau khi hoàn thành hầu như chẳng mấy ai gọi nó với cái tên đó. Hiện, phần đông đang biết đến tổ hợp này dưới tên gọi Vinhomes Nguyễn Chí Thanh, hay Vicom Center Nguyễn Chí Thanh.