Vingroup thay đổi Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

VietTimes -- Thông tin vừa được Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) công bố cho thấy, ngày 17/03/2017, CTCP Tập đoàn Vingroup (Mã chứng khoán: VIC), đã nhận được Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần 63.
Con số 63 lần thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cũng là một “thành tích” khó sánh. (Ảnh: Internet)
Con số 63 lần thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cũng là một “thành tích” khó sánh. (Ảnh: Internet)

Giấy chứng nhận trên do Phòng Đăng ký kinh doanh số 1 – Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội cấp ngày 28/02/2017, trong đó thay đổi nội dung: Nhận sáp nhập Công ty TNHH Năng lượng Hải Linh.

Trước đó, cuối năm 2016, Vingroup đã tiến hành xin ý kiến Đại hội đồng cổ đông dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản để thông qua việc nhận sáp nhập này.

Công ty Năng lượng Hải Linh có vốn điều lệ 10 tỷ đồng, trong đó VIC nắm giữ 94% vốn. Công ty được thành lập ngày 27/4/2006, do Phòng ĐKKD – Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hải Phòng cấp đăng ký lần đầu; có trụ sở tại đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đông Hải 2, quận Hải An, Tp. Hải Phòng; hoạt động trong lĩnh vực kho bãi và lưu giữ hàng hóa. Công ty do bà Nguyễn Mai Hoa đảm nhiệm cương vị Giám đốc, kiêm người đại diện pháp luật.

Theo tờ trình lúc đó, VIC sẽ nhận chuyển nhượng 6% vốn góp của các cổ đông còn lại trong Hải Linh để trở thành chủ sở hữu 100% và chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV. Sau đó nhận sáp nhập Hải Linh vào VIC.

Ngày 24/01/2017, Đại hội đồng cổ đông VIC ra Nghị quyết số 01/2017/NQ-ĐHĐCĐ-Vingroup, chính thức thông qua nội dung trên.

Việc Vingroup hoàn tất thủ tục nhận sáp nhập cũng đồng nghĩa với việc chấm dứt tồn tại của Công ty TNHH Năng lượng Hải Linh. Vingroup sẽ thừa kế toàn bộ tài sản, dự án, các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của Công ty bị sáp nhập (tức Công ty TNHH Năng lượng Hải Linh) một cách toàn bộ và nguyên trạng.

Theo tìm hiểu, Vingroup từng ủy quyền cho ông Trần Lê Phương (SN: 1969) đại diện 10 tỷ đồng vốn góp tại Hải Linh.

Trở lại với Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần 63 của Vingroup, theo Giấy này, CTCP Tập đoàn Vingroup có tên cũ là CTCP Vincom, được cấp đăng ký lần đầu vào ngày 03/05/2002. Trong quá trình phát triển, DN có hai lần nhận sáp nhập các công ty khác.

Ngoài trường hợp nhận sáp nhập Công ty TNHH Năng lượng Hải Linh vừa đề cập, ngày 20/12/2013, Vingroup đã nhận sáp nhập một DN, là CTCP Đầu tư và Thương mại PFV.

Vingroup có mã số doanh nghiệp 0101245486, trụ sở chính tại số 7, đường Bằng Lăng 1, KĐT sinh thái Vinhomes Riverside, phường Việt Hưng, Quận Long Biên, Hà Nội; vốn điều lệ là 26.377.079.540.000 đồng, chia làm 2.637.707.954 cổ phần.

Tập đoàn này chính thức đưa cổ phiếu lên niêm yết và giao dịch tập trung tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) từ ngày 19/09/2007, với mã chứng khoán VIC.

Khi đó, Vingroup vẫn mang tên Công ty Cổ phần Vincom, với vốn điều lệ chỉ 800 tỷ đồng. Có nghĩa, từ ngày lên sàn, vốn điều lệ của VIC đã tăng tới 33 lần.

Thật ra, không mấy doanh nghiệp trên HoSE hiện nay sở hữu mức tăng trưởng vốn ấn tượng như VIC. Bên cạnh đó, con số 63 lần thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cũng là một “thành tích” khó sánh./.