Thực ra không phải mùa giải V.League 2020 mà nhiều năm nay sân Vinh cùng với Lạch Tray (Hải Phòng) được đánh giá là “xấu và tối nhất vịnh Bắc Bộ”. Nó đang được mô tả là "ruộng có tường bao" hơn là sân bóng chuyên nghiệp theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Tất cả các đội bóng đến thi đấu tại sân Vinh đều có chung nỗi sợ hãi chấn thương, nền sân quá cứng, dễ dính chấn thương đáng tiếc, khi mưa nhỏ lại lầy lội, trơn trượt như trận đấu vòng 2 vừa qua. Chưa kể, ánh sáng dàn đèn sân Vinh chỉ trung bình đạt 382 lux, không đáp ứng yêu cầu tối thiểu 900 lux để tổ chức đá đêm như quy định của FIFA.
Nỗi sợ hãi mang tên “sân Vinh”
Trước các mùa giải, các đoàn công tác của VPF đều có mặt kiểm tra điều kiện thi đấu, đều có đánh giá sân Vinh “không đạt chuẩn để tổ chức trận đấu” để rồi cấp phép thi đấu theo kiểu "nợ (tiêu chuẩn) khó đòi".
Mặc nhiều năm qua, các đội bóng phàn nàn, hàng loạt cầu thủ tập luyện và thi đấu chấn thương, VPF vẫn im lặng làm lơ bỏ qua… nên đến nay, dẫu khán giả chưa được vào sân xem SLNA thi đấu nhưng vì lòng tự trọng, cổ động viên xứ Nghệ đã phải đồng loạt lên tiếng dẫu chẳng sung sướng gì khi "vạch áo cho người xem lưng".
Sân Vinh- "xấu và tối nhất vịnh Bắc bộ”. Ảnh chụp màn hình
|
Sân Vinh ra đời từ 1957 và được xây dựng bờ tường, khán đài từ 1973 khi thành phố Vinh được tái thiết lại sau chiến tranh. Đến 1976, sân Vinh được đầu tư nâng cấp dàn đèn chiếu sáng cho CHDC Đức tài trợ.
Đến năm 1999-2000, sân Vinh được nâng cấp toàn diện, mở rộng khán đài B và bố trí thêm 1.000 chỗ ngồi, xây mới khán đài A với sức chứa gần 7.000 chỗ ngồi. Thời điểm đó, hệ thống thoát nước được lắp đặt theo cấu trúc chạy xung quanh sân.
Năm 2002-2003, sân Vinh hoàn thành nâng cấp mặt sân thi đấu. Đến năm 2006, hệ thống thoát nước được bàn giao và đưa vào sử dụng. Phải đến năm 2016 nhờ đồng đăng cai Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc, sân Vinh được lắp ghế khán đài B và tu sửa một số hạng mục.
Như vậy đã gần 2 thập niên nay, mặt sân Vinh đã “trơ lì” cùng gió Lào và nắng gắt xứ Nghệ. Mùa hè, trước khi tập các cầu thủ SLNA phải thay nhau bơm nước tưới để làm mềm mặt sân. Nhưng rồi, hàng chục lượt cầu thủ SLNA dính chấn thương, trong đó có không ít thủ phạm là nền sân.
Tiếng vọng từ khán đài. Ảnh AT
|
Đã có lúc ngoài các trường hợp đứt dây chằng của tiền vệ Phan Văn Đức, Võ Ngọc Đức, Lê Văn Hùng thì hàng loạt cầu thủ khác như Cao Xuân Thắng, Lê Thế Cường, Hồ Phúc Tịnh cũng lâm vào tình trạng chấn thương. Đầu mùa giải trung vệ Sergio Osagho sinh năm 1993, quốc tịch Italia tưởng như đã được khoác áo SLNA thì lại vấp phải chấn thương trong một buổi tập.
Tiếng vọng của cổ động viên
Mặt sân xấu, không có những pha bóng kỹ thuật, khiến cho những mùa giải gần đây lượng khán giả đến sân ít hẳn. Khá nhiều cầu thủ SLNA, ngoài việc ra đi vì mưu sinh cũng có lý do để giữ gìn “chân cẳng”, họ cần được tập luyện và thi đấu ở một mặt sân tốt hơn.
Không những vậy, các cầu thủ đội khách khi đến sân Vinh cũng phải dè chừng vì nền sân quá cứng, dễ dính chấn thương đáng tiếc như trường hợp của tiền đạo Vũ Quang Nam, cựu cầu thủ SLNA đang thi đấu cho TP HCM gặp chấn thương đầu gối ngay trên sân Vinh trong trận đấu mùa giải trước.
VFF hay VPF sẽ là người đứng ra trả lời câu hỏi cho khán giả sân Vinh: “Đã bao lâu rồi khán giả xứ Nghệ không được thấy một pha bóng đập tí tách của cả Sông Lam lẫn đội khách trên mặt sân này”?. Quả thực, sân Vinh lúc này được đánh giá còn thua xa sân huyện, cả kể huyện miền núi gặp nhiều khó khăn. Rất nhiều nữ cổ động viên xứ Nghệ đang gặp phải bất tiện vì các phòng WC sân Vinh luôn trong tình trạng lộ thiên.
“Có nhất thiết bằng mọi giá để tổ chức đá trên sân Vinh như thế không?”. Ảnh SLFC
|
Sân Vinh đã và đang lấy đi nhiều nguồn cảm hứng của cầu thủ thi đấu lẫn người xem trên khán đài. Các đội bóng như HAGL, Hà Nội FC, Than Quảng Ninh… chỉ còn biết lắc đầu mỗi khi nhắc đến 2 chữ sân Vinh. Mới đây HLV Thanh Sơn của B.Bình Dương lại lần nữa ngán ngẩm khi nói đến điều kiện thi đấu tại đây.
Dù trước trận đấu, BTC sân Vinh đã cho đắp vội vài xe cỏ trước khu vực cầu môn, nhưng trời mưa nhỏ chỉ tổ khiến cho khán giả cả nước thấy bộ mặt lem luốc của sân bóng của một địa phương nổi tiếng cuồng nhiệt với bóng đá. Buồn thật.
“Vì những đôi chân lành lặn”
“Tôi thấy lo lắng cho những cầu thủ như Phan Văn Đức vì cậu ấy vừa trở lại sau chấn thương. Vốn năng nổ, xông xáo thì việc mặt sân như thế rất dễ tái phát hoặc chấn thương. Cậu ấy cần phải cẩn trọng vì ngoài vai trò thi đấu tại V-League còn là nhiệm vụ, trọng trách tại ĐT Việt Nam nữa”, khán giả xứ Nghệ lo xa khi thấy tuyển thủ Xuân Mạnh, Quốc Trung vẫn chưa thể vào sân thi đấu cho SLNA do chấn thương.
Không biết VFF và VPF có chung nỗi lo này với cổ động viên sân Vinh không. Liệu rồi “chiếc bẫy V.League” này có làm cho tuyển thủ quốc gia nào chấn thương nữa hay không?
“Không hiểu tiêu chuẩn để tham gia V- League có bao gồm cả chất lượng mặt sân không? Một vote treo sân Vinh cho đến khi cải tạo mặt sân” rồi “Chúng tôi không thể chấp nhận việc một SVĐ của tỉnh lại trở thành nỗi hổ thẹn mỗi khi lên sóng truyền hình” hàng loạt thông điệp được các cổ động viên gửi lãnh đạo tỉnh và các địa chỉ liên quan. Phải chăng chính VPF sợ "treo sân" nên lâu nay cứ làm ngơ??!!
Năm 2011, một quan chức VFF từng có câu nói nổi tiếng: “Đi xem bóng đá có nhất thiết phải đông như thế không?”. Nếu giờ đây có mặt tại sân Vinh, tận mặt chứng kiến những gì đang tồn tại nhiều năm ở đây, chắc chắn ông tự hỏi: “Có nhất thiết bằng mọi giá để tổ chức đá trên sân Vinh như thế không?”
VPF, đơn vị tổ chức V.League chỉ cách sân Vinh 300 km, liệu có nghe thấy thông điệp “Vì những đôi chân lành lặn”. VFF có hiểu vì sao lần đầu tiên lại có yêu cầu “treo sân Vinh” đến từ chính những cổ động viên xứ Nghệ?
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu