CHUYỆN NGOÀI SÂN CỎ

Mai này “Sông Lam” chảy về đâu?

VietTimes -- Mùa giải V.League 2019 chưa kết thúc nhưng nỗi lo “cơm, áo, gạo tiền” đã hiện rõ lên quan chức CLB SLNA và những người yêu thích đội bóng. Lấy đâu quân để đá mùa giải sau khi không có tiền để gia hạn hợp đồng ngay khi mùa giải kết thúc?
Kiếm đâu ra tiền để giữ chân Nguyên Mạnh và 10 cầu thủ khác. Ảnh SLFC.
Kiếm đâu ra tiền để giữ chân Nguyên Mạnh và 10 cầu thủ khác. Ảnh SLFC.

Sau mối lương duyên một thập kỷ với Bắc Á thì Ngân hàng này vừa là nhà tài trợ vừa là chủ nợ của Công ty cổ phần bóng đá SLNA. Tất cả tài sản có giá nhất của đơn vị lâu nay đều thế chấp để vay tiền hòng tồn tại. Chắc chắn số nợ hơn 400 tỷ đồng được công bố cách đây 2 năm không giảm mà còn tăng nhiều.

Đi mắc núi, trở lại mắc sông

Nên mới có chuyện năm ngoái một đại gia bất động sản muốn đầu tư làm ăn ở Nghệ An hăm hở muốn tài trợ cho SLNA nhưng khi tiếp cận với báo cáo tài chính đã bỏ chạy mất dép. Suốt gần 20 năm làm bóng đá chuyên nghiệp SLNA được hiểu như một hộ chuyên chi, bởi những khoản thu tiền vé, bán biển quảng cáo, hay chuyển nhượng cầu thủ đều chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn.

Sở dĩ, mùa giải này nỗi lo lại dấy lên sớm vì có đến 11 cầu thủ (không kể 3 ngoại binh) đều hết hợp đồng và nguồn cầu thủ bổ sung từ tuyến trẻ thì chưa thấy đâu.

Niềm tự hào xứ Nghệ đang phải

Niềm tự hào xứ Nghệ đang phải "ăn đong" từng mùa bóng. Ảnh SLFC.

Ngoại trừ vài lão tướng, các cầu thủ của SLNA đều có giá từ 300 triệu - 1 tỷ đồng/năm, kể cả việc cầu thủ chấp nhận lấy tiền lót tay từng năm, thay vì 3 năm như thông lệ thì đây cũng là khoản khi phí không hề nhỏ.

Chắc chắn, SLNA sẽ không gia hạn cả 11 cái tên và nhiều cầu thủ cũng không có ý ở lại sân Vinh. Đến giờ thì những cầu thủ trụ cột như Nguyên Mạnh, Đình Hoàng, Khắc Ngọc, Ngọc Toàn đều tỏ ý muốn gắn bó với CLB, nếu được trả tiền lót tay đúng giá, thậm chí 80-90% thị trường.

Nhưng bao giờ thì hợp đồng được ký và lúc nào thì được giải ngân vẫn là câu hỏi nằm ngoài tầm kiểm soát của các ông bầu CLB. Nói như ông Hồ Văn Chiêm - Giám đốc Điều hành CLB SLNA cho biết: “Đến thời điểm này, đội bóng vẫn phải chờ gói tài trợ cho V.League 2020” và quả bóng, như thường lệ sẽ được đá sang… UBND tỉnh.

Theo luật Ngân sách thì địa phương cũng không thể cấp kinh phí cho đội bóng được mà phải tìm doanh nghiệp Mạnh Thường quân. Nhưng kiếm đâu ra doanh nghiệp chấp nhận cái thực tại của SLNA là điều không hề dễ, nếu như không muốn là quá khó. Ngoài thương hiệu và khoản nợ, SLNA còn gì hấp dẫn các nhà đầu tư?

Hợp đồng… hứa

Theo quy định của FIFA, trước khi kết thúc hợp đồng 6 tháng, cầu thủ đã tự do đi tìm bến đỗ mới. Năm ngoái, Trọng Hoàng và Hoàng Thịnh dù rất muốn về thi đấu gần nhà, nhưng chờ mãi, không thấy tín hiệu gì, đành khăn gói ra đi. Như Trọng Hoàng thậm chí còn nhận áo, đăng ký danh sách thi đấu cho SLNA, nhưng đành ra đi bởi hợp đồng... hứa.

Khá nhiều cuộc điện thoại của các CLB V-League đã nối mạng với các cầu thủ SLNA, trong đó thậm chí Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, Viettel, SHB Đà Nẵng đã thành công trong việc thỏa thuận miệng với vài cầu thủ SLNA, chỉ còn chờ mùa giải kết thúc là ký hợp đồng.

Mai này “Sông Lam” chảy về đâu? ảnh 2

 Bài học của Trọng Hoàng, phải ngồi ngoài suốt cả lượt đi V.League 2019, sẽ ít cầu thủ SLNA mạo hiểm với hợp đồng… hứa. Ảnh Viettel FC

Có lẽ từ bài học của Trọng Hoàng, phải ngồi ngoài suốt cả lượt đi V.League 2019, sẽ ít cầu thủ SLNA mạo hiểm với hợp đồng… hứa.

Thực ra, với đẳng cấp vượt trội thì Trọng Hoàng mới được Viettel dành cho sự ưu ái như thế, còn không là nằm chờ không biết đến bao giờ.

Khoảng lặng

3 năm gần đây, HLV Đức Thắng mới chỉ chọn được trung vệ Nguyễn Bá Đức, Lê Thành Lâm, Nguyễn Văn Đức và Dương Văn Cường lên đội 1. Nhưng cơ hội ra sân của các cầu thủ này dường như không có, nên khả năng đá chính ngay mùa sau là điều hiếm khi xảy ra.

Không những thế, việc U21 SLNA vừa thua đậm ở vòng loại U21 quốc gia và không thể có mặt ở VCK lại báo hiệu một khoảng trắng trong những mùa tiếp theo. Việc những tên tuổi như Nguyễn Bá Đức, Thái Bảo Trung… có thể làm mưa, làm gió ở các giải U13, U15 thậm chí U17 quốc gia nhưng có dấu hiệu chững lại khi đá U19, U21 là điều khiến cho các nhà làm chuyên môn đau đầu.

SLNA là một trong số ít đội V.League có đủ các cấp độ U11 đến U21 và tham gia đầy đủ các giải đấu trẻ toàn quốc. Hiện nay, có khoảng 250 VĐV trẻ thường xuyên được tập luyện tại SLNA.

Nhưng việc năm 2018, đội U22 Việt Nam tham dự vòng loại và VCK U23 châu Á 2020 hay SEA Games tới đây sẽ không hề khuôn mặt nào từ SLNA đã khiến cho các nhà chuyên môn đặt dấu hỏi. Tại sao các cầu thủ xứ Nghệ lại có “độ chững” vào thời điểm quan trọng thế?

Với tình cảnh “ăn đong” như hiện nay, SLNA khó mà nói đến chiến lược trung, dài hạn, kết quả thi đấu thất thường của SLNA các mùa giải xuất phát từ không chủ động trong kế hoạch chuẩn bị mùa giải mới. Câu chuyện không riêng gì của SLNA, khá nhiều đội V.League cũng lâm vào cảnh “dở khóc, dở mếu” vì cứ phải ngồi chờ…tiền. Nhưng khác với các CLB khác, các nhà quản lý CLB SLNA đều đã quá tuổi lao động từ lâu, nếu… khó quá thì nghỉ! Đó mới là bi kịch.