Đó là lưu ý của Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19 do Bộ Y tế tổ chức vào sáng nay (13/10).
Không sử dụng tờ khai y tế giấy
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Khai báo y tế điện tử đóng vai trò quan trọng giúp truy vết nhanh chóng ca bệnh. Vì thế, tất cả các cửa khẩu phải yêu cầu hành khách, người dân khai báo y tế điện tử, không khai báo y tế giấy. Bởi khai báo y tế điện tử giúp việc truy vết các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 nhanh hơn khai báo y tế giấy. Ngoài ra, hành khách phải có kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2 được cập nhật trên tờ khai y tế từ 3-5 ngày, thì mới được nhập cảnh vào Việt Nam.
“Các địa phương phải có danh sách cơ sở cách ly trên hệ thống để người dân được lựa chọn cơ sở cách ly. Vì thực tế đã xuất hiện trường hợp cách ly cơ sở cách ly tập trung nhưng không chịu nộp phí cách ly 120.000 đồng/ngày” – ông Long cho biết.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 (Ảnh: Minh Thúy)
|
Tới đây, việc khai báo y tế điện tử phải được quản lý thông qua mã QR CODE. Người cách ly phải tự cập nhật thông tin sức khỏe, quét mã QR CODE hàng ngày tại cơ sở cách ly. Bộ Y tế sẽ gửi tin nhắn cho tất cả các số thuê bao để yêu cầu bật GPS, nhằm quản lý những người nhập cảnh vào Việt Nam, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, khu cách ly tập trung và khu cách ly dịch vụ chỉ khác nhau về phí cách ly và điều kiện sinh hoạt, chứ không khác nhau về các quy định phòng, chống dịch. Vì vậy, các địa phương phải thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch ở khu cách ly, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.
Nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát vẫn hiện hữu
Sau khi nghe các đơn vị, địa phương báo cáo tình hình phòng, chống dịch, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý: Nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát vẫn đang hiện hữu. Dịch có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào. Nếu không kiểm soát tốt thì hậu quả sẽ khôn lường. Vì thế việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch của các Sở Y tế đóng vai trò quan trọng.
“Phải ngăn chặn dịch COVID-19 một cách triệt để, nhất là từ những người nhập cảnh từ bên ngoài; tăng cường giám sát, cách ly các chuyên gia nhập cảnh vào Việt Nam. Cùng với đó, các đơn vị phải rà soát lại toàn bộ các kết quả xét nghiệm COVID-19, vì nhiều chuyên gia Nga, Ấn Độ nhập cảnh vào Việt Nam đều dương tính với COVID-19. Ngay từ bây giờ, các địa phương phải chuẩn bị kịch bản để chủ động phòng, chống dịch. ” – ông Long lưu ý.
Các điểm cầu họp trực tuyến kết nối với Bộ Y tế (Ảnh: Minh Thúy)
|
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện phải tăng cường xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng, với cả nhân viên y tế, nâng cao công suất xét nghiệm.
Thống kê cho thấy, đến nay, toàn ngành y tế đã thực hiện tổng cộng 750.333 xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime-PCR. Trong đó, từ ngày 23/7 - 11/10, TP. Đà Nẵng đã thực hiện 180.431 xét nghiệm; Hà Nội đã thực hiện 132.635 xét nghiệm; TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện 146.526 xét nghiệm.
Tăng cường kiểm soát người nhập cảnh vào Việt Nam
Để tăng cường kiểm soát người nhập cảnh vào Việt Nam, ông Đặng Quang Tấn – Cục Trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế - cho hay: Trước khi lên máy bay, người nhập cảnh là công dân Việt Nam phải có giấy chấp thuận nhập cảnh do Bộ Công an hoặc Cục Lãnh sự cấp; có giấy xác nhận âm tính với virus SARS-CoV-2, được cơ quan thẩm quyền của nước sở tại cấp; có hóa đơn thanh toán khách sạn và được xác nhận, đồng thời, phải khai báo y tế điện tử trong vòng 12h trước khi khởi hành. Ngoài ra, với các chuyên gia nước ngoài cần có bảo hiểm y tế, cam kết chi trả.
Khi đã ở trên máy bay, người nhập cảnh phải tuân thủ quy định phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn,… Đến khi nhập cảnh tại sân bay, người nhập cảnh phải sử dụng khẩu trang và kiểm tra thân nhiệt; kiểm tra việc tuân thủ đầy đủ các yêu cầu trước khi lên máy bay; cài đặt và kết nối liên tục đủ 3 ứng dụng gồm: Vietnam Health Declaration, NCOVI và Bluezone; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống lây nhiễm trong thời gian di chuyển về địa điểm cách ly tập trung.
Tại khu cách ly tập trung, người nhập cảnh phải cách ly y tế tối thiểu 14 ngày, đeo khẩu trang, thực hiện quy định phòng, chống lây nhiễm tại khu cách ly; lấy mẫu xét nghiệm ngay trong ngày đầu tại khu cách ly; kết nối liên tục và cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày trên các ứng dụng đã khai báo. Người nhập cảnh sẽ được lấy mẫu xét nghiệm lần 2 vào ngày thứ 14 kể từ khi nhập cảnh.
Ông Tấn lưu ý, các địa phương tuyệt đối không được sử dụng phương tiện giao thông công cộng để vận chuyển người nhập cảnh đến khu cách ly tập trung, về nơi lưu trú và từ nơi lưu trú đến nới làm việc. Ngoài ra, người nhập cảnh cần tự theo dõi sức khỏe 14 ngày sau khi kết thúc cách ly tại nơi lưu trú, liên tục truy cập vào các ứng dụng phòng, chống dịch để khai báo tình trạng sức khỏe.