Tờ Nikkei của Nhật Bản viết rằng, các khách sạn hạng sang ở Việt Nam nhận thấy việc chuyển đổi thành các cơ sở cách ly là một giải pháp hợp lý vào thời điểm này, vì nó đảm bảo rằng các phòng được lấp đầy từ 14 đến 15 ngày. Họ có thể tính mức giá cao hơn bình thường cho các đợt lưu trú, được phục vụ 3 bữa ăn một ngày.
FLC Grand Hotel Hạ Long - một khách sạn 5 sao ở Vịnh Hạ Long - đã đón khoảng 500 du khách Nhật Bản trong tháng 5 và tháng 6. Hóa đơn cho một kỳ nghỉ 14 đêm tại khách sạn này lên đến 44 triệu đồng (1.900 USD) cho một du khách, một người từng lưu trú cho biết.
Du khách nhận được các dịch vụ gần giống như trước khi xảy ra đại dịch. Dịch vụ giặt là với tối đa 12 món đồ được cung cấp 2 ngày một lần, trong khi các phòng được dọn dẹp cách ngày bởi nhân viên mang thiết bị bảo vệ cá nhân. Nước đóng chai cũng được cung cấp 2 ngày một lần.
Một khách hàng cho biết: “Tôi không cảm thấy căng thẳng như tôi nghĩ, tôi đã hoàn thành rất nhiều việc trong phòng của mình”.
Sofitel Legend Metropole Hanoi, một khách sạn cổ kính hoạt động từ năm 1901 đến nay, cũng đã dành khoảng 90 phòng từ tháng 6 cho những người cần cách ly. Giá phòng cho mỗi đêm là 6,5 triệu đồng. Khách sạn này đã từng là địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai, là nơi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tiến hành hội đàm.
Tất cả các du khách nhập cảnh vào Việt Nam đều phải chịu cách ly 14 ngày. Công dân Việt Nam thường đến các cơ sở cách ly do chính quyền địa phương quản lý, trong khi công dân nước ngoài chủ yếu được lưu trú tại khách sạn.
Hơn 200 khách sạn với 18.000 nghìn phòng trên khắp Việt Nam đã biến thành cơ sở lưu trú cách ly cho người nước ngoài, theo thông tin từ truyền thông địa phương. Họ đã cung cấp chỗ ở cho các doanh nhân từ Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác. Các khách sạn này cũng mong đợi sẽ đón nhiều thành viên gia đình của những người đang lưu trú tại đây.
“Chúng tôi không thể đón khách du lịch quốc tế thông thường vào thời điểm này do dịch bệnh. Vì thế việc chuyển đổi thành cơ sở cách ly là hợp lý nhất vì nó mang lại lợi nhuận cao” - người quản lý của một khách sạn cho biết.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 7 là 14.000 người, giảm 98,9% so với một năm trước đó.
Tỷ lệ lấp đầy tại các khách sạn 5 sao do tập đoàn nước ngoài sở hữu tại các thành phố lớn đã giảm mạnh xuống còn 5% đến 10%. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục hoạt động vì việc đóng cửa tạm thời sẽ gây khó khăn cho việc đón khách khi họ mở cửa trở lại. Các vấn đề về bảo trì cũng khiến các khách sạn sang trọng không thể ngừng hoạt động trong một thời gian.
Sau hơn 90 ngày không phát hiện virus Corona trong cộng đồng, Việt Nam đã phải hứng chịu một làn sóng dịch Covid-19 mới bắt nguồn từ Đà Nẵng và lan ra cả nước. Du lịch hàng không nội địa lại một lần nữa giảm mạnh. Nhiều công ty hạn chế nhân viên công tác đường dài.