Đây là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra tại buổi làm việc của Bộ KH&CN với các bộ, ngành, các nhà khoa học để trao đổi, đánh giá và đề xuất định hướng, giải pháp toàn diện của ngành khoa học, công nghệ phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong trạng thái bình thường mới diễn ra vào ngày 18/10.
Sẵn sàng ứng phó với bất kỳ tình huống nào
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: "Những bài học mang tính chủ trương, nguyên tắc như: Sớm, kiên quyết, dứt khoát, kết hợp khoa học với thực tiễn, nghĩ đến tình huống xấu hơn, sẵn sàng cho tình huống xấu nhất, huy động toàn dân chống dịch COVID-19 là hoàn toàn đúng đắn. Việt Nam đã chủ động hơn trong công tác phòng, chống dịch khi bước đầu đúc kết một số kinh nghiệm từ thực tiễn, nhất là trong điều hành, phối hợp giữa các lực lượng. Năng lực ứng phó của hệ thống y tế từng bước được nâng lên. Diện bao phủ vaccine, nhất là đối với nhóm người có nguy cơ cao, các đô thị lớn tăng nhanh, từng bước bảo đảm được nguồn sinh phẩm xét nghiệm, thuốc điều trị".
Theo Phó Thủ tướng, các nhà khoa học đã vào cuộc rất sớm, có nhiều đóng góp trí tuệ, thầm lặng nhưng hết sức hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch từ y tế, công nghệ đến khoa học xã hội, chính trị, luật pháp. Từ đó, góp phần xây dựng các chủ trương phòng, chống dịch đúng hướng, phù hợp với xu hướng thế giới và điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, truyền thống của Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Việc chung sống an toàn với dịch bệnh là ở trong trạng thái bình thường mới kết hợp chủ động điều chỉnh tích cực ở mọi hoạt động đời sống xã hội" (Ảnh - Bộ KH&CN) |
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Việc chung sống an toàn với dịch bệnh là ở trong trạng thái bình thường mới kết hợp chủ động điều chỉnh tích cực ở mọi hoạt động đời sống xã hội. Từ thực tế dịch COVID-19 đã tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực như kinh tế, xã hội, chính trị, ngoại giao ở quy mô toàn cầu, Phó Thủ tướng giao các cơ quan nghiên cứu khẩn trương đánh giá tác động toàn diện của dịch COVID-19 từ y tế, sức khỏe, kinh tế, xã hội, tâm lý xã hội, giáo dục đến quản lý, điều hành, vận hành một đất nước, một cơ quan, một nhà máy xí nghiệp, đưa ra dự báo xu thế tương lai".
Về y tế, bên cạnh các chương trình đang triển khai về vaccine, thuốc điều trị, công nghệ xét nghiệm, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&CN cần duy trì cơ chế mở để giao nhiệm vụ KHCN mới ngay khi có yêu cầu từ thực tế. Đặc biệt, Bộ KH&CN, Bộ Y tế cần phối hợp chặt chẽ trong thử nghiệm lâm sàng, cấp phép lưu hành, sử dụng các loại vaccine, thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị điều trị.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế, Bộ KH&CN khẩn trương xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở để sẵn sàng ứng phó dịch COVID-19 với bất kỳ biến chủng nào hoặc dịch bệnh khác lây nhiễm qua đường hô hấp trong tình huống khác nhau từ mức độ bình thường đến sự cố y tế công cộng nghiêm trọng, thậm chí tới mức thảm họa.
“Việc nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở phải kế thừa, kết hợp được những lợi thế hiện nay, lực lượng y tế tại chỗ gồm: y, bác sĩ nghỉ hưu, sinh viên trường y, quân y, dân y; ứng dụng công nghệ và một số biện pháp khác để giám sát dịch bệnh tốt hơn trong thời gian tới” - Phó Thủ tướng nói.
Nghiên cứu, sản xuất vaccine COVID-19 là nhiệm vụ trọng tâm
Thảo luận tại buổi làm việc, GS.TS. Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu chống độc Việt Nam - cho rằng: Qua các đợt dịch COVID-19, các bộ, ngành cần xây dựng cơ chế huy động nhanh nhất tất cả các nguồn lực, đặt dưới sự chỉ đạo thống nhất để triển khai các giải pháp phòng, chống dịch nhanh nhất, tận dụng thời gian quý giá để khoanh vùng, dập dịch.
Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu – Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) - hiện tình hình dịch ở các địa phương trên cả nước khác nhau, tỉ lệ tiêm chủng khác nhau… thì cách ứng xử với dịch bệnh không thể giống nhau. Chiến lược ngăn chặn, phát hiện, truy vết, khoanh vùng, cách ly, điều trị vẫn phát huy hiệu quả với những biện pháp điều chỉnh, bổ sung khi chúng ta đang đẩy mạnh tiêm vaccine, chủ động nguồn sinh phẩm xét nghiệm, thuốc điều trị. Các biện pháp phòng, chống dịch phải phù hợp với thực tế của Việt Nam, không thể áp dụng nguyên mô hình của những nước khác. Đặc biệt, các nhà khoa học cần nghiên cứu sâu hơn về giải trình tự gene, đánh giá kháng thể, hiệu quả bảo vệ của các loại vaccine tiêm ở Việt Nam, điều tra dịch tễ.
Còn PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - đưa ra ý kiến: “Thời gian tới, các đơn vị cần xây dựng ngay bộ tiêu chí đánh giá, phân loại mức độ triệu chứng đối với bệnh nhân COVID-19 làm cơ sở ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để thăm khám trực tuyến, kết nối, điều phối giường bệnh ở các tầng điều trị, sản xuất các trang thiết bị y tế mà các đơn vị trong nước năng lực làm tốt thay vì phải nhập khẩu như máy đo nồng độ oxy trong máu, máy oxy khí nén, máy thở oxy dòng cao,…”
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu (Ảnh - Bộ KH&CN) |
Ghi nhận ý kiến của các nhà khoa học, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt khẳng định: “Thời gian qua, cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam đã nỗ lực, chủ động thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng ngay vào sản xuất và đời sống.
Thời gian tới, ngành KH&CN sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ KH&CN phục vụ mục tiêu chung sống với COVID, cũng như tiếp tục xây dựng tiềm lực KH&CN của đất nước nhằm đáp ứng việc phục vụ phòng, chống các đại dịch tương tự như COVID-19 trong tương lai. Trọng tâm là triển khai các nghiên cứu cơ bản về dịch tễ, virus học và tập trung thực hiện Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia: “Nghiên cứu, sản xuất vaccine sử dụng cho người đến năm 2030”.
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, từ góc độ quản lý nhà nước về KH&CN, việc triển khai các nhiệm vụ KH&CN phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã mang lại nhiều bài học kinh nghiệm, trong đó có ba bài học được rút ra như sau:
Một là, nền KH&CN của Việt Nam, với nòng cốt là các nhà khoa học rất tâm huyết, tài năng có đủ năng lực, tiềm lực để giải quyết các bài toán của đất nước.
Hai là, việc huy động tiềm lực của xã hội, nhất là từ doanh nghiệp vào thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ đóng vai trò rất quan trọng.
Ba là, kiên quyết hơn nữa trong việc cắt giảm thủ tục hành chính trong việc tổ chức các nhiệm vụ KH&CN nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà khoa học, các doanh nghiệp tham gia thực hiện các nhiệm vụ, chương trình KH&CN do ngân sách nhà nước tài trợ.