Facebook là mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay và với không ít người, Facebook đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ. Nhiều người thường xuyên chia sẻ mọi câu chuyện, vấn đề mà họ gặp phải trong cuộc sống lên Facebook. Thậm chí những vấn đề riêng tư, cá nhân… nhiều người cũng không ngần ngại chia sẻ lên Facebook.
Việc người dùng thường xuyên chia sẻ các thông tin, hình ảnh lên Facebook giúp mạng xã hội này nắm giữ nhiều thông tin cá nhân của họ. |
Ngoài ra, dựa vào thói quen và quá trình hoạt động trên Facebook, mạng xã hội này còn có thể tự động phân tích để nắm giữ thêm nhiều thông tin khác của người dùng, cho dù họ không chia sẻ trực tiếp lên Facebook. Chẳng hạn dựa vào những hình ảnh mà người dùng chia sẻ lên Facebook, mạng xã hội này sẽ biết được người dùng đang đi loại xe gì, thích ăn thức ăn nào hoặc thường xuyên đi du lịch đến đâu…
Ngoài ra, hầu hết các trang web ngày nay đều đặt các nút bấm "Like" và "Share" từ Facebook, sẽ giúp mạng xã hội này có thể tiếp cận được người dùng dễ dàng hơn, cho dù họ không trực tiếp truy cập vào Facebook.
Vậy thực sự Facebook đang biết những thông tin gì về người dùng? Các chuyên gia nghiên cứu của hãng bảo mật Avast đã thực hiện một cuộc nghiên cứu để đi tìm câu trả lời.
Dưới đây là những loại thông tin mà Facebook đang nắm giữ được từ phía người dùng. Nhiều thông tin có thể khiến nhiều người phải bất ngờ khi không nghĩ rằng Facebook có thể biết được:
1. Họ, tên thật của người dùng.
2. Địa chỉ email, số điện thoại của người dùng.
3. Địa điểm đang sống, nơi sinh hoặc nơi đã sống trước khi chuyển đến địa điểm hiện tại.
4. Ngày sinh nhật, tuổi tác hiện tại.
5. Các loại giấy tờ tùy thân như căn cước công dân, bằng lái… (trong trường hợp người dùng phải khai báo các loại giấy tờ tùy thân để khai báo thông tin cá nhân và lấy lại tài khoản Facebook).
6. Các mối quan hệ trong gia đình.
7. Giới tính.
8. Ngôn ngữ, các loại ngoại ngữ có thể biết.
9. Trình độ học vấn, lĩnh vực học tập, nghiên cứu.
10. Trường học.
11. Quốc tịch.
12. Thu nhập.
13. Sở hữu nhà và kiểu nhà.
14. Quy mô tài sản.
15. Những kỷ niệm, cột mốc đáng nhớ trong đời.
16. Người dùng đang ở xa gia đình hoặc xa quê nhà.
17. Người dùng đang yêu xa.
18. Người dùng vừa có mối quan hệ mới.
19. Người dùng mới có việc làm.
20. Người dùng mới đính hôn.
21. Người dùng mới tổ chức đám cưới.
22. Người dùng mới chuyển đến một nơi ở mới.
23. Người dùng sắp trở thành cha, mẹ.
24. Quan điểm chính trị của người dùng.
25. Người dùng có tính cách tự do hay bảo thủ.
26. Chủ lao động hay người đi làm thuê.
27. Lĩnh vực công tác, chức danh trong công việc.
28. Sở thích, thể loại nhạc, chương trình TV hoặc phim yêu thích.
29. Người dùng có sở hữu phương tiện hay không, loại phương tiện, thương hiệu.
30. Người dùng đang có dự định mua xe mới (kiểu xe, thương hiệu xe và thời điểm dự định).
31. Số lượng nhân viên đang làm việc tại công ty của người dùng.
32. Người dùng đang sở hữu doanh nghiệp nhỏ.
33.Người dùng có ủng hộ từ thiện.
34. Hệ điều hành, loại thiết bị đang sử dụng.
35. Người dùng chơi game đơn giản trên trình duyệt.
36. Người dùng đã sử dụng dịch vụ thanh toán Facebook Payments.
37. Người dùng có quản lý trang Facebook hay không.
38. Trình duyệt web, dịch vụ email đang sử dụng.
39. Người dùng đang sử dụng thẻ tín dụng hay không, dạng thẻ tín dụng.
40. Thông tin về hạn mức trên thẻ tín dụng.
41. Loại kết nối Internet đang sử dụng.
42. Các loại trang phục mà người trong gia đình thường mua.
43. Các loại đồ uống, thực phẩm mà người dùng yêu thích hoặc thường mua.
44. Loại vật nuôi mà người dùng đang sở hữu.
45. Người dùng có xu hướng mua sắm trực tuyến hay không.
46. Loại nhà hàng mà người dùng thường ăn.
47. Loại cửa hàng mà người dùng thường mua sắm
48. Người dùng thường xuyên đi du lịch vì sở thích hoặc công việc. Các xu hướng nghỉ dưỡng mà người dùng yêu thích.
Facebook có bán dữ liệu người dùng hay không?
Đây là một vấn đề được nhiều người quan tâm. Câu trả lời là "Có".
Dựa vào các thông tin thu thập được, Facebook sẽ hiển thị các nội dung quảng cáo phù hợp với sở thích và quan tâm của người dùng. Chẳng hạn nếu người dùng là một tín đồ công nghệ, Facebook sẽ ưu tiên hiển thị các quảng cáo về thiết bị công nghệ. Hoặc khi người dùng tiến hành tìm kiếm thông tin về một sản phẩm nào đó, Facebook sẽ lập tức hiển thị các nội dung quảng cáo liên quan, điều này sẽ giúp các nội dung quảng cáo của Facebook nhắm đối tượng tốt hơn.
Bên cạnh đó, Facebook cũng sẽ bán thông tin của người dùng cho các bên thứ 3. Thông tin này có thể được sử dụng cho mục đích hiển thị quảng cáo phù hợp đến người dùng, hoặc có thể thực hiện các phân tích về xu hướng chính trị, sở thích, thói quen… cho nhiều mục đích khác nhau.
Bạn có cần quan tâm việc thông tin cá nhân của mình đang bị Facebook nắm giữ?
Câu trả lời là "Có" và "Không", tùy thuộc vào quan điểm của mỗi cá nhân.
Việc cung cấp thông tin cá nhân cho Facebook như một cách "đánh đổi" để có thể tiếp tục sử dụng mạng xã hội này miễn phí. Facebook có được thông tin của người dùng, đổi lại người dùng có thể tiếp tục sử dụng Facebook mà không mất phí.
Nếu cho rằng thông tin cá nhân của mình không quá quan trọng và để Facebook nắm giữ các thông tin đó cũng không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của mình, bạn có thể dễ dàng chấp nhận việc Facebook đang nắm giữ nhiều thông tin của mình.
Trong trường hợp bạn lo ngại thông tin cá nhân của mình bị Facebook nắm giữ quá nhiều, cách tốt nhất đó là ngưng sử dụng mạng xã hội này, hoặc chia sẻ càng ít thông tin lên Facebook càng tốt. Bạn có thể sử dụng Facebook như một công cụ để kết nối với bạn bè đơn thuần, thay vì chia sẻ mọi thứ lên Facebook.
Theo Dân trí