PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng: Triệu chứng hậu COVID-19 nào âm thầm “giết chết” bệnh nhân?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – PGS.TS Đỗ Văn Dũng (Trưởng Khoa Y tế Công cộng - Đại học Y Dược TP.HCM) trả lời phỏng vấn của VietTimes, phân tích triệu chứng hậu COVID-19 nào âm thầm “giết chết” bệnh nhân.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng (Trưởng Khoa Y tế Công cộng - Đại học Y Dược TP.HCM) trả lời phỏng vấn của VietTimes. Ảnh: Hoà Bình
PGS.TS Đỗ Văn Dũng (Trưởng Khoa Y tế Công cộng - Đại học Y Dược TP.HCM) trả lời phỏng vấn của VietTimes. Ảnh: Hoà Bình

Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi Giám đốc các đơn vị trực thuộc về việc chấn chỉnh tổ chức khám sức khỏe hậu COVID-19 sau khi có phản ánh về việc nhiều phòng khám, khoa, trung tâm điều trị di chứng hậu COVID-19 tăng giá dịch vụ. Sở Y tế yêu cầu các đơn vị không tăng giá các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh kể cả các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu. Không lạm dụng các chỉ định cận lâm sàng khi khám sức khỏe cho người bệnh hậu COVID-19 trong trường hợp không cần thiết. Không gợi ý, ép buộc người bệnh tham gia các gói dịch vụ khám sức khỏe hậu COVID-19 với giá khám theo yêu cầu. VietTimes đã có cuộc trao đổi với PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng - (Trưởng Khoa Y tế Công cộng - Đại học Y Dược TP.HCM) về vấn đề này.

Phóng viên: - Thưa bác sĩ, người dân làm thế nào để phân biệt chính xác rằng còn triệu chứng bao lâu sau nhiễm Covid-19 thì gọi là hậu Covid-19?

PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Có 3 nhóm bệnh chính được gọi là hậu COVID-19 hay còn gọi là COVID-19 kéo dài. Nhóm thứ nhất thuộc loại bệnh nguy hiểm, do những triệu chứng cụ thể của COVID-19 gây nên, rất đặc thù. Sau khi mắc COVID-19 xong thì bệnh nhân thường gặp những cơn khó thở, do tổn thương mô phổi; bệnh nhân bị các triệu chứng đông máu thì dễ mắc thêm nhồi máu cơ tim hoặc bị huyết khối tĩnh mạch.

Nhóm thứ hai, sau khi khỏi COVID-19 nhưng do tổn thương cơ thể nên dễ mắc các bệnh mãn tính khác như tăng huyết áp, mạch vành, đái tháo đường. Một số bệnh nhân thuộc nhóm thứ 3, còn lại triệu chứng lo âu, trầm cảm, trí nhớ sương mù.

Quan tâm tới các triệu chứng hậu COVID-19 là xác đáng, vì đây thực sự đều là những bệnh lý nguy hiểm. Nhưng các phòng khám sẵn sàng lạm dụng tình hình này, tăng chi phí khám-điều trị, hoặc kêu gọi bệnh nhân khám sàng lọc không cần thiết, gây lãng phí, thì chắc chắn là không nên.

Điều trị triệu chứng hậu COVID-19 như thế nào là phù hợp thì cần cân nhắc kỹ. Nếu các bệnh nhân sau khi khỏi COVID-19 nhưng vẫn có những triệu chứng nguy hiểm như đau thắt ngực, khó thở, đi lại rất mệt… thì tất nhiên cần khám xét cẩn thận để loại trừ nguy cơ cao mắc thêm các bệnh nặng ngoài COVID-19.

Nhóm có các triệu chứng đỡ nguy hiểm hơn, không phải cấp cứu nhưng vẫn làm cho mình cảm thấy rất khó chịu thì không nên vội đến các phòng khám mà nên cân nhắc, tự tìm ra các phương thức tập luyện thể thao phù hợp, tăng cường vận động, dinh dưỡng đúng mức, có thể chia sẻ những triệu chứng này với những người cùng mắc bệnh, và động viên nhau giữ tinh thần lạc quan thì các triệu chứng này sẽ tự khỏi trong một thời gian. Đừng góp phần tạo nên một nhu cầu giả tạo về hội chứng hậu COVID-19 bởi vì để điều trị cho nhóm này cũng chỉ là các biện pháp giúp bệnh nhân tự điều chỉnh là chính.

PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng - Trưởng Khoa Y tế Công cộng - Đại học Y Dược TP.HCM - khẳng định không nhất thiết phải đi khám, điều trị hội chứng hậu COVID-19 nếu không thật sự ảnh hướng tới tính mạng

PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng - Trưởng Khoa Y tế Công cộng - Đại học Y Dược TP.HCM - khẳng định không nhất thiết phải đi khám, điều trị hội chứng hậu COVID-19 nếu không thật sự ảnh hướng tới tính mạng

*Bệnh nhân mắc COVID-19 đã âm tính cả tháng trời nhưng vẫn còn mang tâm lý cực kỳ lo lắng khi vừa trải qua một đợt bệnh nặng luôn cảm thấy lo lắng không biết đã điều trị dứt điểm hẳn chưa, hay con virus vẫn còn âm thầm ẩn náu đâu đó trong cơ thể mình, như vậy có gọi là hậu Covid-19 không, thưa bác sĩ?

PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Đa số các trường hợp, theo nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới đã chỉ ra, có tới 99,9% bệnh nhân khỏi bệnh là không còn mang virus COVID-19 ẩn náu âm thầm trong cơ thể. Chỉ có những trường hợp bị suy giảm miễn dịch thì virus mới tồn tại được. Còn tất cả các cơ thể bình thường sau khi mắc bệnh đã tạo kháng thể, trung hoà mọi virus SARS-CoV-2 trong cơ thể rồi. Nếu con virus này nằm trong tế bào thì cơ thể đã nhận diện và tấn công, tiêu diệt nó rồi. Nên chắc chắn các bệnh nhân đã lành bệnh không bao giờ còn mang virus trong cơ thể.

Nỗi lo âu của các bệnh nhân là virus còn ẩn náu đâu đó trong cơ thể thì không có cơ sở. Nhưng nên lo lắng về việc bệnh nhân có thể bị tái nhiễm COVID-19. Gần đây, tỷ lệ bệnh nhân mắc COVID-19 tái nhiễm lần 2 ở Việt Nam cũng không phải là thấp. Để phòng tránh khả năng này xảy ra, thì các ca bệnh COVID-19 sau khi khỏi vẫn cần thực hiện 5 K để phòng tránh cho bản thân và cộng đồng.

*Tuy không còn mang virus nữa, và các triệu chứng hậu COVID-19 không còn liên quan đến virus nhưng nếu không kịp điều chỉnh thì các triệu chứng này vẫn có thể âm thầm “giết chết” bệnh nhân, đúng không thưa bác sĩ?

PGS.TS Đỗ Văn Dũng: - Hội chứng hậu COVID-19 phối hợp giữa ba vấn đề, đầu tiên là tổn thương cơ thể, nếu virus đã tấn công vào phổi, khiến phổi suy yếu thì sau đó tất nhiên bệnh nhân thường cảm thấy khó thở. Vậy thì bệnh nhân cần tập luyện thở, vận động để chức năng phổi được tăng dần.

Vấn đề thứ hai là phản ứng chống lại virus quá mức cũng làm cho cơ thể bệnh nhân mất cân bằng, tăng khả năng đông máu, đau ở các vùng gân cơ… Các triệu chứng này hoàn toàn không do virus tác động nữa mà do chính cơ thể bệnh nhân phản ứng quá mạnh làm tăng triệu chứng bệnh. Cũng như các bệnh tâm lý, suy nghĩ tiêu cực sẽ rất dễ làm cho người bệnh thêm suy yếu thực thể.

Khi mình không còn mang virus nữa nhưng cũng giống như vừa trải qua một “cuộc chiến”, cơ thể - tài nguyên của mình đổ vỡ, suy yếu, lão hoá, tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh khác, dễ bị các bệnh khác tấn công, nên ở thời kỳ khỏi COVID-19, điều quan trọng nhất là bệnh nhân cần vận động vừa sức, dinh dưỡng hợp lý và giữ tinh thần lạc quan. Hãy cẩn thận vì đúng là chỉ cần những triệu chứng thấp nhất, lẽ ra không nguy hiểm tới tính mạng nhưng nếu bệnh nhân không giữ được bình tĩnh thì cũng có thể gây nguy hiểm tới tính mạng.

Đưa TP.HCM vượt qua đỉnh dịch, trở thành vùng xanh như hiện tại là nỗ lực khắc phục dịch bệnh của nhiều lực lượng. Ảnh: Phạm Nguyễn

Đưa TP.HCM vượt qua đỉnh dịch, trở thành vùng xanh như hiện tại là nỗ lực khắc phục dịch bệnh của nhiều lực lượng. Ảnh: Phạm Nguyễn

*Sau thời gian khắc phục dịch bệnh, với sự cố gắng của nhiều lực lượng đã nỗ lực đưa TP.HCM trở thành vùng xanh như vừa rồi nhưng sau dịp Tết nguyên đán, với tốc độ đi lại rất đông của người dân như hiện tại, có thể dự báo được về số ca nhiễm sẽ tăng lên nhanh chóng trong thời gian tới. Với kinh nghiệm phòng chống dịch, vượt qua đỉnh dịch thời gian trước, xin bác sĩ cho biết ý kiến về việc hệ thống y tế của TP.HCM sẽ ứng xử với tình hình mới như thế nào?

PGS.TS Đỗ Văn Dũng: - Chắc chắn chúng ta không ai mong sân bay Tân Sơn Nhất lại vắng vẻ, đường phố TP.HCM lại không bóng người qua như thời gian đỉnh dịch hồi trước.

Hiện nay, với số người di chuyển đông đi về nhiều vùng miền khác nhau, đúng là số ca mắc mới COVID-19 ở TP.HCM thời gian tới sẽ tăng. Nhưng điều rất quan trọng là toàn bộ người dân TP.HCM đã được tiêm đủ mũi vaccine và cả mũi bổ sung. Trải qua đỉnh dịch đợt trước, TP.HCM đã có kháng thể cộng đồng. Nên hiện giờ, theo tôi, nếu người dân TP.HCM vẫn hoạt động bình thường, đi lại, di chuyển nhưng giữ vững 5K, hạn chế tiếp xúc thì chắc chắn sẽ không có cảnh tăng đến cấp số nhân, không tạo thành làn sóng dịch gây quá tải ngành y tế như thời gian trước.

Sau thời gian này, khi hiệu lực của vaccine và miễn dịch đã giảm dần đi, hoặc nếu TP.HCM phải đối mặt với sự lây nhiễm mạnh của biến chủng Omicron và các biến chủng mới hơn nữa, thì tới lúc đó, TP.HCM cần tính lại về sức chống chịu với dịch bệnh COVID-19.

*Xin cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ!