- Thường trú hay tạm trú đều được tiêm vaccine
Trước các diễn biến mới của dịch bệnh COVID-19 cùng sự xuất hiện của biến chủng Omicron vừa được phát hiện những ca đầu tiên, dự báo bắt đầu lây lan trong cộng đồng, nhằm thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 liều bổ sung và nhắc lại (hay còn gọi là mũi 3). Mỗi quận, huyện sẽ tổ chức tối thiểu 1 điểm tiêm cố định từ ngày 01/02/2022 và hoạt động xuyên Tết nguyên đán Nhâm Dần.
Cho đến hiện tại, TP.HCM đã ghi nhận 88 ca nhiễm biến chủng Omicron từ các trường hợp nhập cảnh và một số người dân trong cộng đồng. Tin vui là đa phần các ca nhiễm này không chuyển nặng.
Trong thời gian qua, hầu hết các trường hợp tử vong do COVID-19 trên địa bàn thành phố đa số thuộc nhóm nguy cơ như người lớn tuổi, người có bệnh nền, người chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều. Mặt khác, hiệu quả vaccine có thể giảm dần theo thời gian, vì vậy việc tiêm mũi 3 sẽ giúp tăng khả năng bảo vệ của cơ thể trước biến chủng Omicron và các biến thể khác của COVID-19.
HCDC khuyến cáo, nếu người dân đã từng mắc COVID-19 trước đó thì vẫn nên tiêm vaccine, vì thực tế cho thấy vẫn có khả năng tái nhiễm Omicron, vẫn có nguy cơ bị bệnh nặng, nguy cơ truyền virus cho người khác. Khi tiêm đủ liều vaccine, cho dù đã bị nhiễm COVID-19 hay chưa, là cách tốt nhất để bảo vệ cơ thể với Omicron để không bị bệnh nặng, không phải nhập viện và giảm nguy cơ tử vong.
Toàn bộ các đối tượng người già yếu, có bệnh nền, và người đủ 12 tuổi trở lên ở TP.HCM đều được tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: Phạm Nguyễn |
TP.HCM tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân bằng cách vẫn tiếp tục tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 trong suốt kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trên địa bàn 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Người dân đang ở tại TP.HCM bất kể là thường trú hay tạm trú, nếu có nhu cầu tiêm vaccine có thể đến bất kỳ địa điểm tiêm nào trên địa bàn để được tiêm chủng (không cần đăng ký danh sách trước). Thành phố sẽ nỗ lực bao phủ vaccine phòng COVID-19 trong cộng đồng đến hết tháng 2/2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Các chuyên gia chống dịch đồng thuận với ý kiến của bác sĩ Trương Hữu Khanh phân tích, cho rằng quan trọng nhất hiện nay là tỷ lệ bao phủ vaccine, sẽ giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh, giảm diễn biến xấu, ít chuyển nặng, giảm tử vong với người bệnh COVID-19.
Hàng hoá nhiều, giá ổn định, hoạt động văn hoá phong phú
Tại nhiều siêu thị lớn trên địa bàn TP.HCM các nhóm gia đình thực hiện khai báo y tế, khử khuẩn, tuân thủ giãn cách khi vào siêu thị sắm Tết. Hàng hóa Tết Nhâm Dần vô cùng đa dạng, khuyến mãi lớn, không có cảnh chen lấn hay chờ đợi tính tiền lâu như trước đây.
Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, đến thời điểm này, các đơn vị nằm trong chương trình bình ổn thị trường đã chuẩn bị hàng hóa trị giá trên 20.000 tỷ đồng phục vụ cho mùa Tết. Do đó, Tết năm nay sẽ không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hay tăng giá đột biến, ngược lại, nhiều doanh nghiệp còn đang lo lắng không bán hết được hàng trước Tết.
Linh vật hổ chính ở giữa Đường hoa Nguyễn Huệ cao 3,5m, dài 8m, trọng lượng gần 2 tấn |
Thông tin từ Giám đốc vận hành chuỗi siêu thị Co.opmart Nguyễn Ngọc Thắng cho biết, từ cuối tuần qua, hai nhóm hàng hóa có sức mua bật tăng mạnh so với tuần trước là trái cây nội địa và nhóm các mặt hàng thực phẩm bổ dưỡng, mứt Tết, với mức tăng hơn 50%.
Đường hoa Nguyễn Huệ với chủ đề "Xuân quê hương, ấm tình nhân ái" đang được tiếp tục hoàn thiện, sẽ mở cửa đón khách thăm quan từ tối 29/1/2022 (27 Tết) và kéo dài các tiểu cảnh trưng bày tới hết ngày 4/2/2022 (Mùng 4 Tết).
Linh vật hổ chính ở giữa đường hoa cao 3,5m, dài 8m, trọng lượng gần 2 tấn, với hoa văn sọc đặc trưng. “Ống heo” hình đầu hổ cao 1,82 m với đường kính 2,2 m là biểu tượng chung tay góp sức phòng chống COVID-19.
Những tiểu cảnh đồng lúa, miền quê năm nay được bài trí uốn lượn như dải lụa với độ cao đến 2 m trên diện tích hơn 600 m². Người Sài Gòn sẽ được tản bộ giữa một bên là các thửa ruộng bậc thang miền núi, một bên là ruộng lúa thẳng cánh cò bay ở đồng bằng.
Những tiểu cảnh đồng lúa, miền quê như dải lụa trên Đường hoa Nguyễn Huệ |
Người Sài Gòn sẽ được tản bộ giữa một bên là các thửa ruộng bậc thang miền núi, một bên là ruộng lúa thẳng cánh cò bay ở đồng bằng |
Với câu chuyện ấm tình nhân ái, ở giữa đường hoa, một “ống heo” hình đầu hổ cao 1,82 m với đường kính 2,2 m là biểu tượng chung tay góp sức phòng chống COVID-19. Chương trình đặt mục tiêu quyên góp, chăm lo cho 200 người dân, thanh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh ở TP. Người dân có thể quyên góp cho chương trình thông qua mã QR hoặc chuyển khoản, Thành đoàn TP.HCM sẽ bố trí nhân sự để hỗ trợ khách tham quan thực hiện việc quyên góp.
Nhân dịp Xuân Tân Sửu 2021, Hội nhà báo TP.HCM và Cty đường sách TP.HCM đã phối hợp tổ chức Sạp bán báo Xuân vì mục đích từ thiện tại đường sách Nguyễn Văn Bình. Thông tin từ Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM Trần Trọng Dũng cho hay, tham gia có 21 ấn phẩm của các cơ quan báo và tạp chí ( trong đó có 19 báo, tạp chí của TP.HCM và 2 báo Trung ương). Tổng số báo Xuân do các cơ quan báo chí ủng hộ là 710 cuốn báo xuân (Mỗi báo, tạp chí đóng góp trung bình từ 30-50 cuốn. Riêng báo Tuổi trẻ ủng hộ 150 cuốn). Tổng số tiền bán báo thu được là 32.877.000 đồng.
Ngoài tiền mua báo, một số độc giả còn đóng góp thêm vào thùng từ thiện. Toàn bộ số tiền nói trên đã được đưa vào các chương trình thăm hỏi các nhà báo đang điều trị bệnh hiểm nghèo, nhà báo không may bị tai nạn giao thông, thăm và tặng quà cho các nghệ sĩ già neo đơn tại Viện dưỡng lão nghệ sĩ TP.HCM (Quận 8)…
Tổng số tiền bán báo thu được là 32.877.000 đồng |
Người dân TP.HCM đón xuân Nhâm Dần trên Đường sách |
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu