Tổng thống Zelensky nói trong bài phát biểu vào hôm 1/1 rằng "30% mọi thứ mà quân nhân của chúng ta có trên chiến trường năm 2024 - tất cả đều được sản xuất ở Ukraine". Ông nói thêm rằng tâm trí và nỗ lực của những người làm việc trong ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine “đã khiến chúng ta mạnh mẽ hơn”.
Ngành công nghiệp quân sự Ukraine đã phát triển mạnh mẽ kể từ khi Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào tháng 2/2022.
Theo truyền thông phương Tây, Ukraine đang ngày càng chế tạo được nhiều loại vũ khí cho riêng mình, như máy bay không người lái của hải quân, pháo và bom lượn. Nước này cũng tự sản xuất tên lửa và thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo tự chế đầu tiên vào tháng 8.
Ngày càng nhiều nhà sản xuất phương Tây đang thiết lập hoạt động tại Ukraine. Trong số này phải kể đến công ty AeroVironment, một nhà thầu quốc phòng của Mỹ có trụ sở tại bang Virginia, nhà sản xuất vũ khí Rheinmetall của Đức và BAE, một công ty quốc phòng lớn của Anh.
Trong bài phát biểu của mình, ông Zelenskyy nói rằng khi đi thăm một cơ sở sản xuất vũ khí, ông đã hỏi một kỹ sư trẻ, "Làm thế nào mà anh có thể đạt được nhiều thành tựu như vậy? Làm sao những người này có thể làm được tất cả những điều đó?". Kỹ sư trẻ trả lời dí dỏm rằng: “Họ không chỉ là người, họ còn là tên lửa”.
Các đồng minh của Ukraine đã hỗ trợ quân sự cho nước này hàng tỷ USD. Nhưng Ukraine đang phải đối mặt với một quân đội Nga đông đảo hơn nhiều, và tính chất tàn khốc của cuộc chiến đang khiến cả hai bên phải tiêu tốn một lượng lớn trang thiết bị.
Vào nhiều thời điểm, Ukraine thiếu hụt nghiêm trọng các loại vũ khí và đạn dược quan trọng.
Tờ New York Times tuần trước đưa tin rằng nước này hiện đang thiếu tên lửa ATACMS tầm xa do Mỹ sản xuất để có thể tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.
Ukraine đã nhiều lần nói rằng họ cần thêm vũ khí và thiết bị phòng thủ để tự bảo vệ mình, đồng thời các chuyên gia chiến tranh đã cáo buộc phương Tây viện trợ nhỏ giọt cho Ukraine thay vì cung cấp đủ số lượng để tạo ra sự khác biệt lớn trên chiến trường.
Những người lính chiến đấu ở Ukraine nói rằng cách thức viện trợ quân sự như vậy có thể khiến việc lập kế hoạch và chiến lược dài hạn trở thành một thách thức.
Việc Tổng thống đắc cử Donald Trump trở lại Nhà Trắng cũng có thể dẫn đến việc Ukraine cần phải phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung tự lực, bởi ông Trump trước đó đã chỉ trích quy mô viện trợ của Mỹ cho Ukraine.