Việc Ukraine từ chối gia hạn thỏa thuận trung chuyển là một động thái được dự đoán từ trước, nhưng mang tính biểu tượng sau gần 3 năm chiến tranh toàn diện với Nga, và diễn ra sau khi châu Âu đã cắt giảm mạnh lượng khí đốt nhập khẩu của Moscow. Bộ năng lượng Ukraine cho biết họ đã chấm dứt thỏa thuận "vì lợi ích an ninh quốc gia".
"Chúng tôi đã dừng việc vận chuyển khí đốt của Nga. Đây là một sự kiện lịch sử", Bộ này cho biết trong một tuyên bố, đồng thời nói thêm rằng cơ sở hạ tầng vận chuyển khí đốt của họ đã được chuẩn bị trước khi hết hạn.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gọi động thái này là "một trong những thất bại lớn nhất của Moscow". Trong một bài đăng trên Telegram hôm 1/1, ông cáo buộc Moscow "biến năng lượng thành vũ khí và tham gia vào hành vi tống tiền năng lượng một cách vô đạo đức đối với các đối tác của mình" và bày tỏ hy vọng rằng Mỹ sẽ tăng nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu.
Năm ngoái, gã khổng lồ khí đốt Gazprom của Nga – từng ký thỏa thuận trung chuyển với Naftogaz của Ukraine vào năm 2019 – đã ghi nhận khoản lỗ 6,9 tỷ USD, lần đầu tiên sau hơn 20 năm, do doanh số bán sang châu Âu giảm, Reuters đưa tin. Điều đó xảy ra bất chấp những nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu sang bên mua mới là Trung Quốc.
Theo hãng thông tấn, Ukraine hiện phải đối mặt với khoản lỗ khoảng 800 triệu USD mỗi năm do không còn được thu phí trung chuyển từ Nga, trong khi Gazprom sẽ mất gần 5 tỷ USD doanh số bán khí đốt. Một số quốc gia châu Âu vẫn mua khí đốt của Nga trước đó đã sắp xếp các tuyến cung cấp thay thế, hãng thông tấn này đưa tin.
Theo tổ chức nghiên cứu Bruegel có trụ sở tại Brussels, thỏa thuận đã hết hạn này chiếm khoảng 5% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của Liên minh châu Âu và chủ yếu cung cấp cho Áo, Hungary và Slovakia. Hiện tại, sau khi hết hạn, châu Âu nhận khí đốt Nga thông qua một tuyến đường duy nhất: Đường ống Turkstream, chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ và đến Bulgaria, Serbia và Hungary, Bruegel cho biết.
Henning Gloystein, giám đốc bộ phận Năng lượng, Khí hậu và Tài nguyên tại Eurasia Group, cho biết việc thỏa thuận kết thúc "không có gì bất ngờ" nhưng dự kiến nó sẽ kích hoạt một đợt tăng giá khí đốt giao ngay khi thị trường mở cửa trở lại vào hôm 2/1.
Nhưng "một đợt tăng giá lớn như đã thấy trong các đợt cắt giảm nguồn cung trước đây của Nga là không thể xảy ra vì các nhà nhập khẩu EU đã chuẩn bị cho (kịch bản) này từ lâu", ông nói với CNN, đồng thời nói thêm rằng hầu hết châu Âu đã có một khởi đầu nhẹ nhàng cho mùa đông.
Liên minh châu Âu đã làm việc với các quốc gia trong hơn một năm để chuẩn bị cho khả năng thỏa thuận hết hạn, một phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu nói với CNN.
"Cơ sở hạ tầng khí đốt của châu Âu đủ linh hoạt để cung cấp khí đốt có nguồn gốc không phải từ Nga cho (trung và đông Âu) thông qua các tuyến đường thay thế", người phát ngôn cho biết. "Nó đã được củng cố bằng các công suất nhập khẩu (khí tự nhiên hóa lỏng) mới đáng kể kể từ năm 2022".
Tuy nhiên, Thủ tướng Slovakia Robert Fico hôm 1/1 cho biết việc dừng dòng khí đốt của Nga qua Ukraine sẽ có tác động "mạnh mẽ" đến EU chứ không phải đến Nga, theo báo cáo của Reuters.
Hãng thông tấn này cho biết ông Fico trước đây đã lập luận rằng việc chấm dứt thỏa thuận sẽ dẫn đến giá khí đốt và điện cao hơn ở châu Âu.
Châu Âu chịu ảnh hưởng ra sao?
Trước khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát vào năm 2022, Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất của EU. Theo Hội đồng châu Âu, khối này đã cắt giảm thị phần khí đốt nhập khẩu qua đường ống của Nga từ hơn 40% vào năm 2021 xuống còn khoảng 8% vào năm 2023.
Để lấp đầy khoảng trống, châu Âu đã nhập khẩu một lượng lớn khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) – một dạng khí đốt tự nhiên lạnh, lỏng có thể vận chuyển bằng tàu chở dầu – từ Mỹ và các quốc gia khác, cũng như khí đốt qua đường ống từ Na Uy. EU cũng đã tăng cường nhập khẩu LNG của Nga để giúp sưởi ấm hộ gia đình và cung cấp năng lượng cho các nhà máy của mình, nhưng phải đối mặt với thời hạn tự đặt ra là năm 2027 và có kế hoạch phá vỡ sự phụ thuộc vào tất cả nhiên liệu hóa thạch của Nga.
Các nhà phân vào tháng trước nói rằng các quốc gia nhận khí đốt của Nga thông qua thỏa thuận trung chuyển với Ukraine không có nguy cơ thiếu hụt năng lượng và có khả năng sẽ lấp đầy khoảng trống bằng cách nhập khẩu nhiều LNG hơn hoặc nhiều khí đốt tự nhiên hơn qua đường ống từ các quốc gia châu Âu khác.
Tuy nhiên, Massimo Di Odoardo, một nhà nghiên cứu khí đốt tự nhiên cấp cao tại công ty dữ liệu năng lượng Wood Mackenzie, đã nói với CNN vào cuối tháng 12 rằng việc thỏa thuận hết hạn sẽ khiến châu Âu khó có thể nạp đầy các kho dự trữ trước mùa Đông năm sau. Đó là một trong những lý do tại sao giá khí đốt ở châu Âu có khả năng vẫn gần mức hiện tại hoặc có thể tăng vào năm 2025, ông cho biết.
Giá đã giảm mạnh so với mức cao nhất mọi thời đại đạt được vào mùa Hè năm 2022 nhưng vẫn cao hơn gấp đôi mức lịch sử.
Đã có những dấu hiệu căng thẳng trong khu vực. Reuters hôm 1/1 đưa tin rằng Transnistria, một khu vực ly khai của Moldova, một quốc gia ngoài EU cũng nhận khí đốt của Nga qua Ukraine, đã cắt nguồn cung cấp nước nóng và sưởi ấm cho các hộ gia đình sau khi thỏa thuận trung chuyển hết hạn.