Có đi mới thấu hiểu những hy sinh của cha ông
“Tôi may mắn được tham gia vào Bệnh viện (BV) dã chiến cấp 2 số 1, được làm nhiệm vụ bảo vệ hòa bình ở Nam Sudan mới phần nào thấu hiểu quá trình gian khổ giành hòa bình, độc lập của dân tộc mình. Dù được học về nạn đói 1945 nhưng phải đến khi đến Nam Sudan, tôi mới hiểu được mức độ đói nghèo, thấu hiểu phần nào cơ cực của cha ông. Tôi thấu hiểu cái giá của hòa bình, độc lập và yêu hơn đất nước mình” – Đại úy Phạm Thị Thu Trang - BV dã chiến cấp 2 số 1 - trải lòng.
Đại úy Phạm Thị Thu Trang nhớ lại một ngày tháng 4/2015, chị cùng một người bạn đang làm việc thì nhận thông báo được tuyển chọn vào BV dã chiến cấp 2 số 1 đến Nam Sudan. Lúc ấy, chị vẫn chưa hình dung sẽ làm những gì ở đó, nhưng với tinh thần người lính cụ Hồ, đất nước gọi tên, chị sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ.
10 bóng hồng trong số 63 người lính cụ Hồ BV dã chiến cáp 2 số 1 được chọn sang Nam Sudan. Ảnh: P.T.T.T
|
Những ngày sau đó, chị sắp xếp gởi con gái đang học lớp 8 cho người thân chăm sóc và tham gia lớp học tiếng Anh, đào tạo nghiệp vụ sang Nam Sudan. Chị bắt đầu tìm hiểu về đất nước này qua thông tin và hình ảnh trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, phải đến khi đặt chân đến Sudan, chị mới thấu hiểu hết những cơ cực mà người dân đang gánh chịu.
Chị Trang kể, đó là vùng đất khô cằn sỏi đá, gió bụi mịt mùng và nắng chói chang. Vùng đất nhiều bụi đến nỗi cảm giác như bột mì đang trải dưới chân, đến mùa mưa trở thành sình lầy, khó lòng đi lại. Ngay khi đặt chân đến Nam Sudan, các y, bác sĩ BV dã chiến đã nhanh chóng bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, đồng thời cải tạo vùng đất, tăng gia sản xuất. Vùng đất trống khô cằn nơi BV dã chiến đóng quân đã được phủ xanh bằng vườn rau, thảm hoa tươi đẹp.
Vùng đất khô cằn sỏi đá, nơi ở của 63 y, bác sĩ cũng rất hoang sơ. Ảnh: Trung tá Bùi Đức Thành
|
Các chiến sĩ Việt Nam phối hợp thực hiện nhiệm vụ với tăng gia sản xuất, cải thiện bữa ăn hàng ngày và chiêu đãi bạn bè quốc tế. Ảnh: Trung tá Bùi Đức Thành
|
Những luống hoa tươi góp phần làm dịu mát vùng đất khô cằn ở Nam Sudan. Ảnh: Trung tá Bùi Đức Thành
|
Thảm hoa rực rỡ giữa vùng đất khô cằn. Ảnh: Trung tá Bùi Đức Thành
|
"Căn cứ BV Dã chiến đóng xa vùng chiến sự, nhưng mỗi lần nghe ai đó trong đoàn ra ngoài và kể lại nghe thấy tiếng súng, tiếng đánh nhau, cả đoàn vẫn không khỏi bàng hoàng. Người dân mất an toàn đến mức đi chăn bò cũng phải mang bên mình cây súng để phòng thân và chiến đấu bất kỳ lúc nào. Còn ở nhiều vùng khác, trẻ em phải ngủ dưới nền đất lạnh, đời sống không điện, khan hiếm nước sạch. Chúng vô tư tắm bằng nước sình đen, bốc mùi hôi thối, không biết và thậm chí không màng đến hiểm nguy, bệnh tật " - Nữ Đại úy nhớ lại.
Cũng như bao người con của dân tộc Việt, chị Trang biết về chiến tranh, hy sinh mất mát của thế hệ cha ông qua trang sử hào hùng hay lời kể của ông bà, cha mẹ. Phải đến khi tận mục sở thị cuộc sống khốn khó, nghe tiếng súng đì đoàng và sự mất an toàn trong cuộc nội chiến ở Nam Sudan, chị Trang mới thấu hiểu hơn những hy sinh của cha ông cho nền hòa bình nước nhà.
Bài học lớn dạy cho con
Bao nhiêu hình ảnh, câu chuyện đất nước, con người ở Nam Sudan, chị Trang đều kể lại cho con gái mỗi khi có dịp gọi về. Những câu chuyện mà chính chị được trải nghiệm đã truyền dạy cho con gái sự lạc quan, trân trọng cuộc sống hiện tại, yêu thương hơn những người quanh mình.
Các em nhỏ ở trại tị nạn DOC. Ảnh: P.T.T.T
|
BV dã chiến cấp 1 số 2 nhiều lần đến thăm các em nhỏ ở trại tị nạn DOC. Nữ đại úy cùng đồng nghiệp đã mang các bức tranh và bút chì màu đến cho các em tô màu. Những đứa trẻ đã chọn màu sắc rực rỡ để vẽ nên bức tranh của riêng mình. Từng mảng màu tươi tắn, sáng rực lên giữa không gian khô cằn, sỏi đá, đầy tiếng bom đạn cũng chính là tinh thần lạc quan của trẻ em ở Nam Sudan.
“Chúng tôi tặng các em sách, quà, tập vẽ, các em hào hứng lắm. Điều đặc biệt là khi vẽ màu, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên với cách chọn màu tươi sáng của các em. Những bức tranh rất đẹp, màu sắc rực rỡ như chính cách các em vẫn sống. Các em chào đón chúng tôi bằng nụ cười hiền lành, tươi roi rói, cũng chính là tinh thần lạc quan của các em khi đất nước đang bị nội chiến” – Đại úy Trang chia sẻ.
Các em nhỏ ở Nam Sudan chụp hình "tự xướng" cùng các y bác sĩ BV dã chiến cấp 2 số 1. Ảnh: P.T.T.T
|
Giữa cuộc sống khắc nghiệt, thiếu ăn, thiếu mặc, đến giấc ngủ còn không được vẹn tròn, người dân Nam Sudan vẫn có thể nhảy mỗi khi nghe tiếng nhạc cất lên. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bất kỳ không gian nào, từ người ngoài đến trong vùng tị nạn, từ người lớn đến trẻ em đều nhảy những điệu nhảy lạc quan, yêu đời. Mỗi khi đưa điện thoại lên chụp hình, các em nhỏ sẽ “xúm” lại, tạo dáng rất vui vẻ. Trong công việc thường ngày, người dân Nam Sudan rất nhiệt thành, vui vẻ. Không khí tươi vui của họ trong mọi hoàn cảnh khắc nghiệt phải chăng cũng chính là sự lạc quan, tin tưởng vào tương lai đất nước?
Mỗi khi có thời gian gọi về nhà, chị Trang đều kể chuyện hàng ngày ở Nam Sudan cho con gái nghe. Mỗi câu chuyện thực tế của mẹ đều đọng lại trong con gái những bài học vô giá về tình yêu thương, sự lạc quan trong cuộc sống.
“Con gái tôi ít nói, cũng ít khi thể hiện tình cảm với mẹ. Nói chuyện với tôi, cháu không khen mẹ mà ríu rít kể bạn con nói về mẹ thế nào, ở trường đi đâu ai cũng biết con là con của mẹ. Lời kể của con chất chứa niềm hãnh diện về tôi. Tôi kể cho con nghe về trẻ em thiếu ăn, thiếu mặc, phải tắm vùng nước đầm lầy bốc mùi hôi, con đã cảm thán “Sao các bạn lại khổ đến như thế, con mong các bạn được có cơm ăn, áo mặc và hạnh phúc mỗi ngày”” - Ước mơ của con gái cũng là nỗi trăn trở của người mẹ.
Những bông hoa hướng dương rực rỡ giữa vùng chiến sự cũng chính là niềm hy vọng đất nước Nam Sudan nhanh chóng được hòa bình. Ảnh: Trung tá Bùi Đức Thành
|
Trở về từ vùng đất nhiều chiến sự, đọng lại trong tâm trí người mẹ là hình ảnh những đứa trẻ đen nhẻm, tóc xoăn tít, môi luôn mở nụ cười hồn hậu nhưng phải sống thiếu thốn, cơ cực. “Tôi mong ngày đất nước Nam Sudan sớm chấm dứt nội chiến, người dân được sống trong hòa bình, trẻ em được ăn no, được đến trường và có điều kiện sống tốt hơn” – Đại úy Phạm Thị Thu Trang trải lòng.
“Nếu có cơ hội tiếp tục làm nhiệm vụ ở BV Dã chiến Nam Sudan, chị có sẵn sàng tham gia không?”
“Mình vẫn có thể tham gia!” – Đại Úy Trang trả lời không chần chừ một giây phút nào.
Nam Sudan là quốc gia ở Đông Phi, có hơn 13 triệu dân. Người dân ở quốc gia này hiện phải đối mặt các cuộc xung đột sắc tộc, nội chiến, nạn đói và dịch bệnh. Ngày 8/7/2011, Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại Nam Sudan (UNMISS) được thành lập, nhiệm vụ bảo vệ hòa bình, góp phần xây dựng sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế cho Nam Sudan. Đồng thời, Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại Nam Sudan có nhiệm vụ hỗ trợ Chính phủ nước này hạn chế xung đột, bảo vệ người dân. Tháng 10/2018, BV dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam bắt đầu tham gia UNMISS. Cán bộ, chiến sĩ của BV dã chiến đã được huấn luyện khả năng sinh tồn, cấp cứu hàng loạt, bom đạn, trang bị ngoại ngữ,... để tham gia gìn giữ hòa bình. Đến ngày 21/11/2019, BV dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ và trở về nước. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình thế giới. Cán bộ y, bác sĩ BV dã chiến cấp 2 số 1 đã tích cực thực hiện công tác dân quân kết hợp, hoàn thành nhiệm vụ và được bạn bè quốc tế yêu mến, khen ngợi. Trung tá Bùi Đức Thành - Giám đốc BV dã chiến cấp 2 số 1 Việt Nam |