"Nói thuỷ điện xả lũ gây cộng hưởng lũ là không đúng"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo PGS.TS Vũ Thanh Ca, Việt Nam không có tên trên thế giới về phát triển thuỷ điện, nhiều nước có nhiều đập thuỷ điện hơn nhưng không gây ra lũ lụt.

Chia sẻ tại buổi toạ đàm “Thuỷ điện nhỏ và vấn đề lũ lụt” do CLB Café Số và VietTimes phối hợp thực hiện, PGS.TS Vũ Thanh Ca (Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho biết thuỷ điện phá một phần rừng trong lòng hồ và khu vực xây dựng công trình vận hành, đường xá.

Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Vũ Thanh Ca, diện tích rừng bị phá phục vụ vận hành nhà máy thuỷ điện nhỏ hơn rất nhiều phần rừng bị phá trong lòng hồ.

“Có chuyện phá rừng để làm đập thuỷ điện, nhưng đó là vấn đề của kiểm lâm chứ không phải vấn đề của thuỷ điện” – ông Ca nêu quan điểm.

Nói về tác dụng của rừng, ông Ca cho biết rừng nguyên sinh nhiều tầng, lượng nước giữ trên cây rất lớn, ngăn dòng chảy làm cho nước duy trì lâu, tồn tại lâu trên mặt đất. Lượng nước mà rừng có thể giữ được phụ thuộc vào từng khu vực.

PGS. TS Vũ Thanh Ca (trái) phát biểu tại buổi toạ đàm “Thuỷ điện nhỏ và vấn đề lũ lụt” do CLB Café Số và VietTimes phối hợp thực hiện
PGS. TS Vũ Thanh Ca (trái) phát biểu tại buổi toạ đàm “Thuỷ điện nhỏ và vấn đề lũ lụt” do CLB Café Số và VietTimes phối hợp thực hiện

Theo quan điểm của vị chuyên gia này, rừng chỉ có thể tích được 0,2 m nước, trong khi một đập thuỷ điện có thể tích được 4 m. Cho nên, nói rằng thuỷ điện xả lũ mang tính cộng hưởng là không đúng.

“Thuỷ điện nhỏ miền Trung tích được rất ít nước, không phát được lâu. Nhưng khi điện gió, điện mặt trời không phát điện được thì thuỷ điện có thể phát bù, hoà lưới. Đây là loại điện cực kỳ quan trọng giúp ổn định an ninh năng lượng” – ông Ca nói.

Trích dẫn một số tài liệu, ông Ca cho biết thuỷ điện có thể điều hoà những trận lũ nhỏ, cục bộ nhưng hầu như không có tác động với lũ xảy ra trên diện rộng, cực đoan.

Trên thế giới, thuỷ điện được coi là một dạng năng lượng sạch, là năng lượng tái tạo, không sản sinh ra các chất thải độc hại, ví dụ thủy ngân, các o-xít ni-tơ và lưu huỳnh như các nhà máy nhiệt điện đốt than.

Các đại dương trên thế giới đang bị nhiễm độc thuỷ ngân do nhiệt điện than. Nhờ áp dụng công nghệ mới, lọc được 80% chất độc trong khí thải của các nhà máy nhiệt điện than ra ngoài khí quyển, hiện tượng mưa axít trên thế giới đã ngừng lại.

Thủy điện cũng không thải ra chất thải rắn, phóng xạ và theo quan điểm kinh tế môi trường, thủy điện tạo ra ít tác động ngoại ứng. Cánh quạt thủy điện mặc dù cuốn và giết chết nhiều cá tôm, nhưng hồ thuỷ điện cũng tạo ra môi trường thuỷ sinh mới./.