Nỗi sợ của các chủ kênh YouTube

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Công cụ kiểm soát bản quyền Content ID của YouTube hoạt động chưa tốt khiến những nhà sáng tạo nội dung lo sợ vì có thể gặp khiếu nại bất cứ lúc nào.
Internet hứa hẹn giảm bớt rào cản, giúp bất cứ ai có máy tính và kết nối mạng đều có thể mang sản phẩm sáng tạo của mình đến với thế giới.
Internet hứa hẹn giảm bớt rào cản, giúp bất cứ ai có máy tính và kết nối mạng đều có thể mang sản phẩm sáng tạo của mình đến với thế giới.

Tuy nhiên, chính YouTube, một trong những nền tảng tải video hàng đầu, nơi hứa hẹn bảo vệ những nhà sáng tạo nội dung, lại đang đưa ra những quy định khiến họ sợ hãi và kìm nén sự sáng tạo. Hệ thống bảo vệ bản quyền tự động Content ID của YouTube ưu tiên chủ sở hữu bản quyền hơn là người làm video, khiến YouTuber nơm nớp lo sợ vì không biết lúc nào sẽ gặp rắc rối.

Trong nghiên cứu đăng tải trên Electronic Frontier Foundation (EFF), bà Katharine Trendacosta, Giám đốc Chính sách và Hoạt động tại EFF cho rằng YouTube cố tình tạo ra quy trình cực kỳ phức tạp cho Content ID để miễn trừ trách nhiệm, và những nhà sáng tạo nội dung sẽ phải tự đi giải quyết khi có rắc rối về bản quyền.

"Sự phức tạp này không phải là lỗi, nó là một tính năng. Nó khiến cho các YouTuber khó phản đối khiếu nại, và người nắm giữ quyền hay YouTube đỡ mất công nhất", bà Trendacosta.

Hệ thống Content ID bị cho là thiên lệch

Là thế lực thống trị thị trường chia sẻ video trực tuyến, YouTube đưa ra những quy định vô hình trung trở thành tiêu chuẩn của toàn ngành. Không may cho các chủ kênh, YouTube quan tâm đến việc làm vừa lòng các chủ sở hữu bản quyền hơn là thúc đẩy sự sáng tạo.

Thông qua công cụ lọc bản quyền tự động Content ID, YouTube đã tạo ra luật chơi riêng của chính mình, kiểm soát và quyết định mọi thứ.

Khi bị khiếu nại bản quyền, người tạo video có thể bị khóa kênh, mất doanh thu hoặc lượt xem vào chủ sở hữu bản quyền. Ảnh: Ustels.
Khi bị khiếu nại bản quyền, người tạo video có thể bị khóa kênh, mất doanh thu hoặc lượt xem vào chủ sở hữu bản quyền. Ảnh: Ustels.

"Content ID là một vấn đề rất phức tạp. Ngay cả khi diễn đạt theo cách đơn giản nhất, nó vẫn là một mê cung mà mọi lối ra đều dẫn đến DMCA - Đạo luật bản quyền thiên niên kỷ kỹ thuật số của Mỹ", bà Trendacosta chia sẻ.

Sự phức tạp của Content ID không phải là lỗi, mà là tính năng giúp YouTube đỡ mất công đối phó với bản quyền

Katharine Trendacosta, Giám đốc Chính sách và Hoạt động tại EFF trình bày trong một nghiên cứu

Content ID tác động đến cả 2 phía, người sáng tạo nội dung được quét và chủ sở hữu bản quyền có kết quả trùng khớp.

Theo giới thiệu của YouTube, các video tải lên được quét dựa trên cơ sở dữ liệu, được xây dựng từ thông tin do chủ sở hữu bản quyền cung cấp.

Nếu xảy ra tranh chấp, vấn đề sẽ được xử lý theo 3 hướng:

- Toàn bộ video bị chặn, công chúng không thể xem.

- Chủ bản quyền kiếm tiền từ video bằng cách đặt quảng cáo trên đó hoặc bằng cách xác nhận doanh thu từ các quảng cáo đã có trên đó, họ có thể chia sẻ doanh thu với người tạo video hoặc các chủ bản quyền khác có nội dung trùng khớp.

- Số lượt xem được chuyển sang video gốc.

Chủ sở hữu bản quyền có thể chọn một trong 3 cách này mà không cần phải làm gì thêm, trừ khi YouTuber muốn khiếu nại.

Mặc dù YouTube luôn nói rằng quy trình của mình rất rõ ràng và minh bạch, thực tế là nó phức tạp và thường thiên vị các hãng phim, đài truyền hình và đơn vị thu âm sở hữu bản quyền.

Hầu hết trường hợp bị đánh dấu bản quyền tự động và YouTuber phải giải quyết bằng cách chỉnh sửa video đến khi không bị báo vi phạm, ngay cả khi họ đã có thỏa thuận bản quyền với chủ sở hữu.

Ngay cả các giáo sư tại Trường Luật New York cũng phải lắc đầu ngao ngán về quy trình này. Video trong thử nghiệm của họ, được xác nhận bởi các bên uy tín về bản quyền, đã bị chặn khi tải lên. Sau quy trình kháng nghị kéo dài, mọi thứ vẫn không được giải quyết.

Nỗi sợ hãi mà Content ID tạo ra cho các chủ kênh

Điều khoản bảo vệ an toàn của DMCA cho phép các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến như YouTube miễn trừ trách nhiệm pháp lý đối với hành vi vi phạm bản quyền của người dùng. Nền tảng này không lo bị kiện, miễn là họ đáp ứng các yêu cầu nêu trong Mục 512 của DMCA, trong đó bao gồm việc nhanh chóng xóa tài liệu sau khi nhận được thông báo gỡ xuống hợp lệ và chấm dứt tài khoản của những người nhiều lần bị cáo buộc vi phạm.

Nếu bị thông báo gỡ nội dung theo DMCA, nhà sáng tạo đối mặt với nguy cơ bị kiện hoặc phải xóa hẳn kênh. Đây là điều không ai mong muốn, nhất là khi họ đã đầu tư nhiều năm vào một kênh nội dung.

Nhà sáng tạo nội dung bị đối xử thiếu công bằng, khó có thể khiếu nại những quyết định từ hệ thống Content ID. Ảnh: MT.
Nhà sáng tạo nội dung bị đối xử thiếu công bằng, khó có thể khiếu nại những quyết định từ hệ thống Content ID. Ảnh: MT.

Quy trình gỡ xuống theo DMCA rất đáng sợ, có khả năng khởi kiện, yêu cầu tiết lộ thông tin cá nhân và mất toàn bộ tài khoản, xóa tất cả video. Do đó, YouTuber cố gắng tránh bằng mọi giá. Với việc tạo ra một hệ thống riêng tư có thể dẫn đến DMCA nếu bị tranh chấp, YouTube đã tận dụng sự sợ hãi của luật pháp để ngăn cản những người tạo video tranh chấp Content ID.

Mọi người quá sợ bị xóa khỏi nền tảng, hoặc mất đi thu nhập, và điều đó tạo nên một văn hóa sợ hãi

Tổ chức EFF trích lời Lindsay Ellis, chủ kênh YouTube có hơn 1 triệu người theo dõi

Trong thử nghiệm của các giáo sư Trường Luật New York kể trên, ngay cả khi nội dung được các chuyên gia xác nhận không vi phạm bản quyền, họ vẫn không đo lường được việc tranh chấp Content ID tác động thế nào đến tài khoản của họ theo DMCA.

"Cuối cùng, họ bỏ cuộc vì không chắc tranh chấp Content ID thành công và liệu kênh có bị đóng vì việc này. Đến khi video được khôi phục, YouTube không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào", bà Trendacosta cho biết.

YouTube dựa vào một quy định, cho phép người dùng khiếu nại ngược tranh chấp bản quyền. Tuy nhiên, việc khiếu nại ngược thường ít có hiệu quả và cũng không được cân nhắc nhiều. Năm 2017, YouTube nhận 2,5 triệu lượt khiếu nại bản quyền nhắm đến 7 triệu video, và họ từ chối hoặc yêu cầu cung cấp thêm thông tin với 300.000 video.

Trong khi đó, chỉ có 150.000 lượt khiếu nại ngược được gửi tới YouTube. Nền tảng này từ chối 2/3 số đó.

Theo bà Trendacosta, YouTube một mặt tỏ ra nghiêm khắc và liên tục cảnh báo nhà sáng tạo về bản quyền, mặt khác lại khuyến khích họ chấp nhận những quyết định thiếu công bằng.

Buộc chấp nhận vì sự sợ hãi và không có lựa chọn nào khác

Trong nghiên cứu của mình, bà Trendacosta dẫn ra nhiều ví dụ cho thấy hệ thống Content ID đã làm khó những nhà sáng tạo nội dung trên YouTube như thế nào.

Harry Brewis, được biết đến trên Internet với cái tên “hbomberguy”, là một người chuyên đưa ra các bình luận bằng video, với kênh có hơn 600.000 người đăng ký. Tháng 7/2020, Brewis đăng video bình luận về một bộ phim hoạt hình. Ông liên tục nhận những thông báo từ Content ID về việc vi phạm, và mất gần 10 ngày, tốn thêm khoảng 1.000 USD để chỉnh sửa và đảm bảo không có clip nào từ nhà nắm giữ bản quyền dài hơn 5 giây

Những báo cáo bản quyền là nỗi ám ảnh với những nhà sáng tạo nội dung nghiêm túc trên YouTube. Ảnh: Gizmodo.
Những báo cáo bản quyền là nỗi ám ảnh với những nhà sáng tạo nội dung nghiêm túc trên YouTube. Ảnh: Gizmodo.

Tôi mất thời gian, doanh thu và thiệt hại về mặt tinh thần. Nếu Content ID là một người, tôi đã đưa ông ta ra tòa

EFF trích lời của Harry Brewis, chủ kênh hbomberguy trên YouTube

“Tôi tiêu tốn rất nhiều thời gian, doanh thu và thiệt hại về mặt tinh thần. Nếu Content ID là một người, tôi đã đưa ông ta ra tòa”, Brewis nói lời cuối cùng về Content ID.

Trong khi đó, Todd Nathanson, một nhà bình luận âm nhạc thì cho rằng hệ thống này không ổn định. Ông liên tục nhận những báo cáo từ Content ID, dù trước đó video đã "lọt" qua hệ thống kiểm duyệt. Nathanson dự đoán điều này đến từ việc YouTube thường xuyên chỉnh sửa thuật toán, khiến nhà sáng tạo phải chạy theo các loại thông báo bản quyền.

Tới một thời điểm, mọi video của Nathanson đều bị đánh dấu bản quyền. Khi đó, ông đã chán chường và bỏ qua việc chỉnh sửa.

"Họ chỉ muốn lấy tiền quảng cáo thôi. Tôi chấp nhận chuyện đó, thà là được làm video theo cách của mình và không nhận tiền quảng cáo, còn hơn là phải chạy theo và chỉnh sửa theo Content ID, vì tôi chẳng biết phải làm thế nào nữa. Dù tôi có sửa, thì họ cũng có thể thay đổi vào ngày mai", Nathanson chia sẻ.

Trong khi đó, Lindsay Ellis, tác giả sách, đồng thời là chủ kênh YouTube có hơn 1 triệu người theo dõi cho rằng YouTube tự tung tự tác, bởi hiện tại không nền tảng nào có thể cạnh tranh với họ về quy mô. Theo số liệu vào tháng 9/2019, YouTube có 163 triệu người dùng hàng tháng, trong khi con số của một nền tảng cạnh tranh là Vimeo chỉ là 15 triệu.

"Mọi người quá sợ bị xóa khỏi nền tảng, hoặc mất đi thu nhập, và điều đó tạo nên một văn hóa sợ hãi", Lindsay Ellis nhận định.

Theo Zing