Tuần vừa qua, mạng xã hội xôn xao vụ việc Nhạc sĩ Giáng Son bị YouTube thông báo vi phạm bản quyền clip Giấc mơ trưa - tác phẩm con đẻ của chị.
Sự việc khởi nguồn khi Giáng Son ngày 25/9 lập kênh YouTube "Giáng Son Offical" để chia sẻ những tác phẩm mà mình sáng tác đến người yêu nhạc. Trong số những bản nhạc đưa lên kênh này có bài "Giấc mơ trưa" do ca sĩ Khánh Linh thể hiện trong album phát hành năm 2007. Với album này, Giáng Son có bản quyền về tác giả, phối khí, thu âm.
Tuy nhiên, bản nhạc này của Giáng Son đã bị YouTube thông báo vi phạm bản quyền và bị xoá hiển thị. Nhạc sĩ Giáng Son rất bức xúc chia sẻ vụ việc trên mạng xã hội. Sau khi tìm hiểu chị được biết bản nhạc của chị trùng khớp với phần biểu diễn "Giấc mơ trưa" của nghệ sĩ đàn nhị Dương Thuỳ Anh trên YouTube mà đơn vị nắm giữ bản quyền là BH Media và Hồ Gươm Audio.
"Tôi vô cùng bức xúc vì không hề ký bản quyền với BH Media và Hồ Gươm Audio, thậm chí còn không biết BH Media là công ty nào, ở đâu. Mọi sở hữu bản quyền tác phẩm Giấc mơ trưa phải thuộc về tôi", Giáng Son nói.
Khi biết được sự việc này, phía BH Media đã liên hệ với nhạc sĩ Giáng Son để giải quyết, nhưng nữ nhạc sĩ đã uỷ quyền cho Trung tâm Bảo vệ Bản quyền Tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cô.
Nhạc sĩ Giáng Son đã hiểu sai về tác quyền?
BH Media sau đó đã tổ chức một buổi họp báo về "Bản quyền âm nhạc trên môi trường số" để phản hồi về trường hợp của nhạc sĩ Giáng Son.
Theo thông cáo báo chí mà đơn vị này đưa ra thì nữ nhạc sĩ đã hiểu lầm về bản quyền trên YouTube. Do bài hát của Giáng Son đưa lên YouTube vào thời gian sau bản "Giấc mơ trưa" của Dương Thuỳ Anh nên hệ thống rà quét bản quyền của YouTube đã phát hiện sự trùng lặp trong giai điệu nên đã gửi "thông báo xác nhận bản quyền" tới nhạc sĩ Giáng Son. Thông báo này cũng để chủ sở hữu các bản ghi đối soát bản quyền, không ảnh hưởng đến quyền đăng tải bản ghi của nhạc sĩ Giáng Sơn. Chỉ cần nữ nhạc sĩ có phản hồi thì chủ sở hữu sẽ gỡ xác nhận bản quyền khỏi video "Giấc mơ trưa".
BH Media cũng nói rằng nhiều nhạc sĩ chưa hiểu chính xác về tác quyền. Các nhạc sĩ nghĩ mình tạo ra tác phẩm đó nên có quyền sở hữu 100% đối với những bản ghi hình, ghi âm là hoàn toàn sai. Theo Luật bản quyền, các tác giả, hãng đĩa hoặc nhà sản xuất ra bản ghi âm là người nắm giữ Quyền bản ghi, còn nhạc sĩ, người sáng tác bài hát nắm giữ Quyền tác giả hay còn gọi là Tác quyền.
Những nhạc sĩ vừa sáng tác vừa đầu tư sản xuất ra bản ghi hình, ghi âm thì mới có 100% quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả.
ông Nguyễn Hải Bình, Tổng Giám đốc BH Media tại buổi họp báo (ảnh Kênh 14) |
Tuy nhiên, VCPMC đã phản bác lại BH Media, nói rằng thông cáo báo chí của đơn vị này có nhiều sai sót nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tới các nhạc sĩ và không phù hợp với các quy định của luật pháp Việt Nam.
Cụ thể, BH Media đã sử dụng những từ ngữ như "bản quyền", "quyền bản ghi" là những thuật ngữ không được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, tạo ra sự mù mờ khi cuộc họp báo là để minh bạch việc nhạc sĩ Giáng Son sử dụng tác phẩm và clip ghi hình của chính mình.
Ngoài ra, việc BH Media cho rằng trên YouTube có nhiều bản ghi "Giấc mơ trưa" của nhiều chủ sở hữu khác nhau là không đúng, vì nữ nhạc sĩ chưa từng bán bản quyền hay chuyển nhượng quyền sở hữu tác phẩm này cho bất kỳ ai.
Bị "người khác" sở hữu bản quyền mà không hề biết
Nhạc sĩ Giáng Son nói rằng cách đây mấy năm nghệ sĩ Dương Thuỳ Anh đã xin bản phối "Giấc mơ trưa" của cô. Bây giờ BH Media và Hồ Gươm lại xác lập bản quyền đối với bản ghi âm đó là sai vì Dương Thuỳ Anh không hề có hợp đồng mua bản quyền của Giáng Son. Việc BH Media đăng ký sở hữu đối với bản ghi của Dương Thuỳ Anh thay vì của tác giả Giáng Son là sai luật. "BH Media phải chịu trách nhiệm vì không xác minh rõ quyền tác phẩm", nhạc sĩ Giáng Son nói.
Thực tế thì không chỉ có Giáng Son gặp phải trường hợp này. BH Media đang sở hữu hàng nghìn ca khúc trên các nền tảng kỹ thuật số mà các tác giả không hề biết. Theo thông tin trên báo Người lao động, các nhạc sĩ như Minh Châu, Lã Văn Cường, Nguyễn Vĩnh Tiến, Nguyễn Văn Chung... cũng từng gặp sự việc tương tự khi ca khúc của họ bị đơn vị khác sở hữu bản quyền mà họ không hề hay biết.
Ca sĩ Mỹ Lệ cũng là một "nạn nhân" của BH Media. Chị đã bị đơn vị này gắn cờ vi phạm bản quyền trên YouTube cho một số bài hát trong album "Về với em" và "Mỹ nhân ngư", trong khi chị chính là chủ sở hữu 2 album này.
Nhạc sĩ Ngọc Khuê cũng có gần 20 video, trong đó có những bài hát mà ông mới sáng tác gần đây như "Hà Nội mùa thu vắng em" bị YouTube gắn mác vi phạm bản quyền. "BH Media sở hữu khá nhiều tác phẩm mà chính tác giả cũng ngỡ ngàng vì bản thân chưa từng hợp tác với đơn vị này", nhạc sĩ Ngọc Khuê cho biết.
Cần bổ sung những điều luật chặt chẽ hơn về bản quyền
Hiện nay các nền tảng nhạc số đang phát triển rất mạnh mẽ song hành với sự phát triển của Internet. Có nhiều app mới, nền tảng âm nhạc đa dạng xuất hiện. Giờ đây người yêu nhạc không chỉ mua các loại đĩa nhạc để thưởng thức mà họ còn có thể mua nhạc qua các app như Spotify, Apple Music, Tidal Hifi, Zing MP3, Nhaccuatui... cho phép họ nghe nhạc cả khi online và offline. Chính vì vậy mà nhiều vấn đề mới mẻ liên quan đến bản quyền nhạc số đã nảy sinh.
Vụ việc của nhạc sĩ Giáng Son và nhiều nhạc sĩ khác với BH Media đã cho thấy những lỗ hổng của Luật bản quyền hiện tại. Những người làm âm nhạc đang phản ứng gay gắt với cái họ gọi là "chiêu trò lách luật" của các công ty như BH Media.
Thực tế thì tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc không chỉ xuất hiện ở những nơi có "lỗ hổng" như Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Khi thị trường âm nhạc Việt Nam hội nhập với thế giới thì việc tôn trọng bản quyền phải được đặt lên hàng đầu. Rất cần sự đấu tranh quyết liệt của các đơn vị bảo vệ tác quyền, các nhà văn hoá, những người làm luật để những người sáng tạo ra tác phẩm không bị thiệt thòi với những đứa con đẻ của mình.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu